Nguyễn Văn B phạm tội gì?
Các quân nhân ngồi chơi tại nơi trực chiến phòng không, H lấy khẩu AK để nòng súng vào ngực mình hỏi B có dám bắn không, B nghĩ súng không có đạn nên siết cò, H tử vong. B phạm tội gì?
Quân nhân Đoàn Minh T đang thực hiện nhiệm vụ trực chiến phòng không tại nhà vòm để pháo của đơn vị quân đội N. Tiếp nhận ca trực, T có nhận bàn giao 01 khẩu súng tiểu liên AK, hộp tiếp đạn không có đạn. Mặc dù, không phải là ca trực của mình nhưng quân nhân Nguyễn Văn B, Trần Văn H và Lê Văn C đều đến nhà vòm để ngồi chơi và nói chuyện cùng T. Khi trời mưa, T đặt súng lên giá để súng cùng B và C đi ra ngoài phủ bạt che mưa cho pháo. Còn Trần Văn H không ra ngoài, ngồi trên ghế gần giá súng AK. Khi T, B và C phủ bạt cho pháo xong, đi vào nhà vòm thì thấy H vẫn ngồi gần khẩu súng AK.
Họ tiếp tục ngồi chơi và nói chuyện, được khoảng 30 phút, Trần Văn H vừa cười, vừa nói với Nguyễn Văn B là “B ơi, dám bắn không ?”. Lúc này, B đang ngồi xổm trên nền nhà gần đầu giá súng cách H khoảng 01 mét. Nghe vậy, Bá quay mặt lại, thấy H vẫn ngồi trên ghế, hai tay cầm khẩu súng AK, nòng súng hướng, kề vào chính ngực trái của H, báng súng quay về phía B. Nghĩ là H đùa và súng canh gác thì không có đạn nên B không nói gì mà đưa tay phải lên cầm vào tay cầm của súng, dùng ngón trỏ tay phải siết cò súng, rồi bỏ tay ra. Súng nổ liên thanh hai phát, đạn xuyên qua ngực trái làm H ngã ngửa trên nền nhà, 30 phút sau thì Hội tử vong.
Xoay quanh vụ việc này có hai quan điểm khác nhau về hành vi phạm tội của Nguyễn Văn B.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn B phạm tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính theo quy định tại Điều 129 BLHS. Vì quân nhân Nguyễn Văn B đang thực hiện nhiệm vụ trực chiến phòng không tại đơn vị. Thời điểm xảy ra vụ việc mặc dù không phải ca trực của mình nhưng Nguyễn Văn B là quân nhân đã hoàn thành quá trình huấn luyện tân binh, bắt buộc phải nắm rõ các quy định, nguyên tắc về sử dụng súng tiểu liên AK trong quân đội. Quân nhân chỉ được sử dụng súng trong thực hiện nhiệm vụ, không được đùa nghịch súng đặc biệt là khi nòng súng đang hướng về người khác thì không được bóp cò. Đây là quy định bắt buộc đối với tất cả quân nhân khi tiếp xúc súng tiểu liên AK đều phải nắm chắc và tuyệt đối tuân thủ.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Văn B phạm tội Vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 BLHS, vì khi xảy ra vụ án là thời gian Nguyễn Văn B đang nghỉ theo chế độ, B chỉ ra nhà vòm chơi với bạn đang trực và không có trách nhiệm quản lý súng nên không vi phạm các quy định về việc quản lý, sử dụng súng trong thời gian xảy ra vụ việc. Hành vi bóp cò súng làm cho Trần Văn H chết là do B nghĩ rằng trong súng canh gác thì không có đạn nên đã dẫn đến hậu quả của vụ án.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất bởi lẽ, Nguyễn Văn B là quân nhân, đã được huấn luyện nên biết và phải biết được hành vi đưa tay bóp cò súng của mình là nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người khác. Nhưng do quá tự tin, nghĩ rằng súng để canh gác là súng không có đạn, hậu quả sẽ không xảy ra nên B đã vô ý thực hiện hành vi phạm tội của mình. Hành vi của Nguyễn Văn B trong đã vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trong sử dụng vũ khí quân dụng là súng tiểu liên AK trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại ý 2 đoạn 3 mục 4 Phần III Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BQP, ngày 11/8/2003 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của BLHS năm 1999 có nêu: “Người dùng vũ khí quân dụng đùa nghịch… gây hậu quả nghiêm trọng thì... theo thiệt hại xảy ra mà truy cứu trách nhiệm hình sự về… tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính (Điều 99 BLHS 1999 nay là Điều 129 BLHS năm 2015)”. Như vậy, hành vi Nguyễn Văn B đủ yếu tố cấu thành tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” theo quy định tại Điều 129 BLHS.
Trên đây là quan điểm của tác giả về xác định tội danh đối với Nguyễn Văn B, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp.
Toà án Quân sự khu vực (Quân khu 7) xét xử vụ án đào ngũ -Ảnh: Lê Thuận
Tài liệu đính kèm
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận