Nhiều kỷ niệm khó quên về Chánh án Phạm Hưng
Những năm gần đây đã bước sang tuổi đại thọ, bác vẫn tỉnh táo, minh mẫn. Có lẽ, sau Chánh án Phạm Văn Bạch, bác Phạm Hưng là vị Chánh án TANDTC giữ trọng trách này lâu nhất, trên 17 năm. Bác là người đứng đầu ngành TAND được vinh dự bầu vào BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam 3 khóa liền (từ khóa V đến khóa VII), và được Quốc hội bầu giữ chức Chánh án TANDTC liền 3 nhiệm kỳ (từ 1981-1997).
Nhắc đến Chánh án Phạm Hưng tôi lại nhớ đến nhiều kỷ niệm khó quên về bác. Những năm 1973-1975 khi bác là Chánh án TAND Tp. Cảng Hải Phòng, tôi đã biết và được trò chuyện với bác mỗi kỳ dự Hội nghị tổng kết công tác Tòa án tại 48 Lý Thường Kiệt. Có lần bác hỏi tôi xem có nguyện vọng về công tác với bác tại TAND Tp. Hải Phòng không, tôi trả lời bác Tòa án miền núi, biên giới nơi tôi công tác quá thiếu cán bộ, và tôi ở lại chứ không về Hải Phòng.
Thế rồi, năm 1976 tôi được về công tác ở TANDTC, ít lâu sau bác Hưng được TANDTC điều động về giữ chức Chánh tòa Dân sự. Tôi nhớ lúc đó vào thời kỳ bao cấp, cuộc sống khó khăn, bác Hưng cùng anh em chúng tôi (gồm anh Nguyễn Anh Thái, Nguyễn Đình Be, Triệu Văn Noọng, Phạm Văn Thịnh và tôi…) sống ở nhà tập thể, khu nhà để xe bây giờ và ăn cơm tập thể tại trụ sở cơ quan 48 Lý Thường Kiệt.
Năm 1977 tôi, anh Nguyễn Đình Bảo, Phan Đăng Hanh, Nguyễn Văn Quý (lái xe), đã tháp tùng Chánh tòa Dân sự Phạm Hưng chuyến đi lịch sử suốt dọc đất nước bằng ô tô để nắm tình hình xét xử các tranh chấp dân sự, sau ngày miền Nam giải phóng, nhất là các tranh chấp nợ hụi, ly hôn có nhân tố nước ngoài, tranh chấp nhà cửa ở các thành phố, thị xã mới giải phóng…
Chuyến đi này kéo dài một tháng giữa thời bao cấp, ngăn sông, cấm chợ… bác Hưng đã chu đáo mang theo bếp quân lực, mì ăn liền để nấu ăn “tự túc”. Chính bác Hưng là người nấu ăn cho anh em. Bác nấu ăn rất ngon, để lại những kỷ niệm không bao giờ phai.
Trên 20 năm sống và làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bác Hưng, cảm nhận chung của anh em chúng tôi là bác Phạm Hưng là thủ trưởng luôn nêu cao ý thức kỷ luật và trách nhiệm trước toàn ngành. Nếu không đi công tác xa bác luôn có mặt đúng giờ ở trụ sở 48 Lý Thường Kiệt (sáng 8-12 giờ, chiều 14-17 giờ).
Bác chủ trì các cuộc họp Ban Cán sự, họp Ủy ban Thẩm phán, giao ban hàng tuần hoặc chủ tọa các phiên tòa xét xử giám đốc của TANDTC rất đúng giờ và kết luận vấn đề khá súc tích, ngắn gọn và nghiêm túc. Có những trường hợp chỉ đạo một vụ án cụ thể, có nhiều ý kiến tranh chấp, bác yêu cầu chuyên viên đưa hồ sơ để bác tự kiểm tra chứng cứ, bảo đảm kết luận vụ án một cách thỏa đáng.
Là cán bộ phụ trách công tác tổng hợp thống kê, báo cáo, tôi là người tháp tùng nhiều nhất những chuyến đi công tác địa phương, trên phạm vi cả nước của bác Phạm Hưng.
Lần nào cũng vậy, khi đến địa phương, bác làm việc ngay với Tỉnh ủy và TAND theo lịch đã định để nắm được hoạt động của Tòa án về nhiều mặt, giúp cho công tác tổng kết toàn ngành và báo cáo của Tòa án trước Quốc hội hàng năm được súc tích và sát thực tế.
Bác Phạm Hưng xuất thân từ nông dân, tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, kinh qua cán bộ xã, cấp ủy, huyện đã từng là chính trị viên cấp tiểu đoàn ở tỉnh đội Hưng Yên rồi Phó Viện trưởng VKSND Tp. Hải Phòng, Chánh án TAND Tp. Hải Phòng… Vì vậy, bác luôn làm tốt công tác dân vận, dễ gần anh em.
Bác sống làm việc rất nghiêm túc, rất trách nhiệm và sâu sát. Mỗi lần chuẩn bị báo cáo của Chánh án trước Quốc hội, báo cáo tổng kết công tác toàn ngành Tòa án hay kết luận của Chánh án tại các kỳ tổng kết, bao giờ bác cũng yêu cầu báo cáo phải ngắn gọn và chỉ cho phép hoàn thành các công việc này trong một tuần, do đó anh em cán bộ phải tranh thủ làm ngoài giờ, làm cả ngày nghỉ. Các văn bản soạn thảo bác đọc rất kỹ, sửa và bổ sung trực tiếp từng trang rồi đưa ra tập thể thông qua sau đó mới trình lãnh đạo. Đến nay, nhiều đồng chí lãnh đạo Tòa án, VKSND địa phương vẫn hết sức tâm đắc với kết luận của Chánh án Phạm Hưng về những kỳ họp tổng kết đó.
Chánh án TANDTC Phạm Hưng chủ trì Lễ ra mắt Tòa Kinh tế TANDTC năm 1994
Đã thành thông lệ, sau khi làm việc với cấp ủy, TAND các tỉnh, thành phố, Tòa án Quân sự các quân khu hoặc Tòa Phúc thẩm ở Đà Nẵng hay Tp. Hồ Chí Minh, bác Hưng thường dành thời gian đến tận nhà riêng các đồng chí Chánh, Phó Chánh án Tòa án cấp tỉnh, thành, Tòa án quân sự các quân khu và lãnh đạo Tòa phúc thẩm đã nghỉ hưu để thăm sức khỏe và động viên các đồng chí tiếp tục quan tâm giúp đỡ cho ngành ngày một phát triển.
Bác Hưng cũng nhiều lần đến thăm bác Chánh án Phạm Văn Bạch và các đồng chí Phó Chánh án đã nghỉ hưu như đồng chí Tư Thắng, Nguyễn Thị Ngọc Khanh, Nguyễn Thị Chơn ở Tp. Hồ Chí Minh hoặc đồng chí Phương Hằng ở Hà Nội… Bác nhắc tôi có cán bộ nào ốm đau nặng phải báo cho bác để bác đến thăm.
Sau này, tôi có dịp gặp lại các đồng chí lãnh đạo Tòa án các địa phương đã nghỉ hưu, nhất là các đồng chí ở miền núi như Lò Văn Hiếng (Lai Châu), Hoàng Mai (Sơn La), La Hữu Vinh (Cao Bằng), chị Hảo (Tuyên Quang), chị Khảm (Thái Nguyên), anh Minh Dương (Lạng Sơn)…, hoặc các đồng chí ở phía Nam như anh Minh Hùng (An Giang), Sáu Nghĩa (Tây Ninh), Hai Kiếm (Tiền Giang) Ba Sa (TAQS QK7)… các đồng chí đều có chung nhận xét rằng Chánh án Phạm Hưng là người lãnh đạo ngành TAND đã để lại nhiều tình cảm sâu sắc và chân thành đối với đội ngũ cán bộ trong ngành, được cán bộ toàn ngành nể trọng.
Bác Phạm Hưng là người lịch thiệp, giản dị, dễ thương nhưng rất nghiêm túc. Đi công tác với bác Hưng, phải hiểu tính bác là tác phong làm việc phải linh hoạt, tháo vát, nhanh nhẹn, có tinh thần trách nhiệm cao. Bác yêu cầu cán bộ không được rượu, bia, hút thuốc lá; nói năng phải từ tốn, ăn mặc đầu tóc phải tươm tất gọn gàng. Bác thường dặn chúng tôi: là cán bộ Tòa án cần ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, nói năng đúng mực thì mới giữ được uy tín cho ngành. Tôi nhớ mãi, khi về dự họp ở Tòa án Hải Phòng, một cán bộ thi đua đi cùng xe say xỉn, bác không cho lên xe, yêu cầu ở lại đi sau. Có lần ra nước ngoài, bác quan sát thấy một cán bộ cấp vụ khi bạn tiếp đi giầy không tất, bác nghiêm khắc phê bình tại chỗ. Có lần lái xe đến đón bác đi công tác, bác thấy lái xe râu không cạo, tóc bù xù… bác yêu cầu đổi lái xe.
Bác Hưng thường dặn dò anh em chúng tôi là phải sống bình dị, không tham lợi ích vật chất. Do đó, mỗi lần đi địa phương công tác, bao giờ trước khi ra về bác đều nhắc tôi “thanh toán tiền ăn và tem phiếu” với nhà khách. Có lần ở Tp. Hồ Chí Minh dân đưa đơn khiếu nại đến tay bác, bóc thư bác thấy có một chỉ vàng ta, bác gọi tôi lên yêu cầu báo cho đương sự đến trụ sở và lập biên bản trả lại chiếc nhẫn. Hoặc có lần tôi tháp tùng bác vào làm việc với một cơ quan, họ đưa bác phong bì, bác mở ra có số tiền 5.000.000 đồng. Bác gọi tôi trao lại phong bì và dặn tôi đưa lại văn phòng tỉnh nọ và cảm ơn.
Có thể nói, bác Hưng là vị Chánh án sống rất tình nghĩa với đồng chí, đồng nghiệp và gia đình. Những năm sống và được làm việc cùng bác trong tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm không thể nào quên.
Theo Congly.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn không”?
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thừa Thiên – Huế: Buôn lậu gỗ, cựu cán bộ kiểm lâm lĩnh án tù
Bình luận