Thảo luận sôi nổi về giải pháp nâng cao chất lượng xét xử và sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Sau một buổi sáng làm việc theo tổ, 14 tổ thảo luận đã có 186 lượt ý kiến về hai nội dung lớn được đưa ra thảo luận bao gồm Giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, hiệu quả hoạt động của Toà án và Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng xét xử, hiệu quả hoạt động của Toà án. Nhất trí việc tiếp tục thực hiện 14 giải pháp, bổ sung 04 giải pháp lớn đồng thời các đại biểu đều ủng hộ chủ trương sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức Toà án để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

 

Các tổ thảo luận

 

Về các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, hiệu quả hoạt động của Toà ánNội dung này có 85 lượt ý kiến phát biểu, đa số ý kiến đồng tình dự thảo báo cáo. Một số ý kiến nhấn mạnh việc công khai bản án, ứng dụng CNTT, đổi mới tổ chức phiên toà, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc chủ động đào tạo bồi dưỡng. Có ý kiến phản ánh những khó khăn về cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT, đề nghị hỗ trợ nhiều hơn về nhân lực, trụ sở, đồng bộ hệ thống về tổ chức phiên toà trực tuyến.

Có ý kiến cho rằng việc tổ chức phiên toà trực tuyến cần thực chất hơn, tuân thủ quy định về thời hạn trong hoạt động tố tụng… Có ý kiến nhấn mạnh đặc biệt vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, giám sát thực hiện.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu về tính chỉ tiêu thi đua hiện nay.

Các ý kiến đều đồng tình cần tiếp tục thực hiện hiệu quả 14 giải pháp đột phá hiện hành, và triển khai thực hiện bổ sung 4 giải pháp mới.

Ông Trần Quốc Việt, Tổng Biên tập Tạp chí TAND phát biểu tại tổ thảo luận

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật TCTAND năm 2014Đa số ý kiến đồng tình, nhất trí việc mở rộng thẩm quyền của Toà án, tuy nhiên cần chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất chuẩn bị cho việc mở rộng thẩm quyền này.

Các ý kiến của các đại biểu cũng đóng góp về vấn đề khởi tố vụ án hình sự tại phiên toà, đây là cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các cơ quan. Thẩm quyền thu thập chứng cứ vụ án cũng được các đại biểu quan tâm, đa số ý kiến nhất trí bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của Toà án trong vụ án hình sự.

 

Các tổ thảo luận

Về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Toà án trong vụ án dân sự, hành chính, có ý kiến nhất trí phương án thẩm quyền thu thập chứng cứ theo hướng Toà án có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải thu thập. Trong trường hợp Toà án thu thập chứng cứ, cần quy định rõ các trường hợp khác nhau. Cũng có ý kiến đề nghị bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của Toà án trong tất cả các vụ việc để đảm bảo khách quan khi xét xử các vụ việc tại Toà án.

Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về các nội dung như hoàn thiện bộ máy TANDTC, TANDCC, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND quận, huyện, thị xã TP thuộc tỉnh. Nhiều ý kiến đóng góp về công tác Giám đốc thẩm, thành lập TAND chuyên biệt, thành lập ít nhất 03 Toà án sở hữu trí tuệ do đặc thù địa lý nước ta trải dài...

 

Các tổ thảo luận

Về Toà án quân sự, có ý kiến nhất trí giao thẩm quyền xét xử án hành chính cho TAQS, quy định cụ thể các quy định về chế độ nhằm đảm bảo thống nhất áp dụng. Có ý kiến đề nghị quy định thẩm quyền xét xử án hành chính như trước đây,

Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp về Hội đồng tư pháp quốc gia, về vấn đề ngạch, bậc Thẩm phán, về Thẩm phán dự bị, về độ tuổi Thẩm phán, về kinh phí hoạt động của Toà án, Hội thẩm, về tổ chức Đảng trong TAND. Đặc biệt nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ về chế độ miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán.

Ảnh: Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Báo cáo Tổng hợp kết quả thảo luận buổi sáng.

VŨ PHONG