Những dự án lấy hàng trăm hecta rừng ở Tây Nguyên cần được xem xét, xử lý

Năm 2016, tại hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng khi đó kết luận Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên; không chuyển 2,25 triệu ha từng tự nhiên còn lại sang mục đích khác… Tuy nhiên, hiện nay tại tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai vẫn còn hàng trăm hecta đất rừng nằm trong những dự án bất động sản du lịch, sân golf… khiến dư luận rất quan tâm.

Dự án Suối Hoa của SACO lấy hơn 109 hecta đất rừng 

Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa do Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đã lấy hơn 109 hecta đất rừng.

Theo đó, Dự án này có tổng diện tích hơn 131 hecta, trong đó có hơn 109 hecta đất rừng thuộc tiểu khu 147 (phường 7, TP Đà Lạt). Năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi đất, cắm ranh giao cho SASCO tiến hành đầu tư. Tuy nhiên đến nay, sau 15 năm, SASCO chưa triển khai dự án.

Theo lý giải của SASCO trên các phương tiện truyền thông, thì dự án bị chậm do không gặp thuận lợi trong giai đoạn có nhiều chính sách mới về rừng và quy hoạch được ban hành.

Năm 2008, ngay khi được phê duyệt đầu tư dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa (dự án Suối Hoa), công ty đã triển khai dự án theo đúng các quy định của pháp luật. SASCO đã hoàn thành chuẩn bị dự án và đang thực hiện giai đoạn xây dựng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, dự án bị chậm lại vì khoảng thời gian lập quy hoạch và thực hiện các thủ tục thuê rừng (2009 - 2010).

Sau đó, phải chờ hướng dẫn thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ từ UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian thực hiện thủ tục này kéo dài từ năm 2011 đến năm 2019.

Trả lời báo chí, ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng cho rằng, trong lúc dự án chờ thực hiện các thủ tục chuyển đổi rừng theo đúng quy định thì năm 2016, Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa rừng. Đến năm 2018, Thủ tướng phê duyệt dự án khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng. Quy hoạch của dự án này có ranh giới chồng lấn với dự án Suối Hoa, do đó SASCO phải chờ để được hướng dẫn điều chỉnh dự án và điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng.

Để làm rõ hơn về dự án này, PV Tạp chí TAND điện tử đã liên hệ với ông Johnathan Hạnh Nguyễn, tuy nhiên, ông đề nghị làm việc với Tổng Giám đốc SASCO. Sau đó, đại diện truyền thông của SASCO đã liên hệ với PV để tiếp nhận thông tin. Trước câu hỏi, việc dự án nằm trong đất rừng thì SASCO đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ hay không? SASCO cho biết, được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý triển khai Dự án, trong quá trình thực hiện dự án, SASCO tuân thủ các quy định của nhà nước về đầu tư, SASCO thực hiện và trình các cơ quan có thẩm quyền các vấn đề liên quan đến dự án theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, SASCO cũng khẳng định, luôn thượng tôn pháp luật, tuân thủ chặt chẽ và thực hiện đúng các quy định. Tuy nhiên khi PV đề cập tới việc, dự án chậm triển khai đã 15 năm thì SASCO có định trả dự án lại cho địa phương hay không thì chưa nhận được câu trả lời từ SASCO.

PV cũng đề cập tới việc Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng, vậy căn cứ pháp lý nào để SASCO tự tin là dự án Suối Hoa sẽ được chấp thuận cho triển khai? Mới đây, ngày 8/9/2023, Văn phòng Chính phủ có công văn 6926 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, yêu cầu Bộ khẩn trương rà soát kỹ lưỡng hồ sơ các dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng để hợp thức hóa sai phạm. Vậy, dự án Suối Hoa đã ra soát như thế nào? Câu hỏi vẫn chưa có hồi đáp từ SASCO.

Dự án khiến Bí thư, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng phải “nhập kho”…

Ngày 24/01/2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Trần Đức Quận về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên theo quy định của pháp luật.

Được biết, năm 2010, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận để thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (khu đô thị Đại Ninh). Ông Nguyễn Cao Trí là người đại diện pháp luật.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, trên diện tích hơn 3.500ha, nằm trên 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan (huyện Đức Trọng) với diện tích thu hồi đất 3.595 hecta, trong đó diện tích thuê rừng trên 1 nghìn hecta.

Sau 13 năm thực hiện, dự án vẫn là một khu vực hoang vu, cỏ mọc um tùm. Khối lượng thực hiện đến nay chưa đạt được 10% với một số đường giao thông, công trình nhỏ lẻ. Đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng gia hạn tiến độ cho dự án 24 tháng và yêu cầu chủ đầu tư tập trung nguồn lực triển khai hoàn thành. Tuy nhiên sau đó, ông Nguyễn Cao Trí bị bắt (vì có liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát), dự án tiếp tục đóng băng.

Ông Trần Đức Quận, Bí thư tỉnh Lâm Đồng vừa bị khởi tố

Năm 2020, dự án này đã bị thanh tra. Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư tại dự án, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất. Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có văn bản kiến nghị xem xét lại việc thu hồi dự án. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác để thẩm tra.

Thành viên tổ công tác thời điểm đó gồm ông Lê Quốc Khanh, Phó cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ làm tổ trưởng; ông Hoàng Văn Xuân, ông Nguyễn Nho Định (đều thuộc Thanh tra Chính phủ) và ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.

Tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ rút lại yêu cầu thu hồi dự án của Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013.

Đến nay, cả 4 thành viên của tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đều đã bị khởi tố về tội Nhận hối lộ, gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước.

Ngày 2/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, về tội Nhận hối lộ, liên quan đến dự án Đại Ninh.

Ngoài những cán bộ chủ chốt của tỉnh Lâm Đồng và các thành viên của tổ công tác của Thanh tra Chính phủ bị bắt thì dự án này theo Báo Nông nghiệp đưa tin còn để 257 hecta rừng bị phá và khoảng 111 hecta đất rừng bị lấn chiếm. Cuối năm 2021, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng buộc chủ đầu tư dự án phải bồi thường trên 18 tỷ đồng vì đã để mất 257 hecta rừng.

Nhiều hệ lụy từ Dự án sân golf Đắk Đoa

Được biết, năm 2017, HĐND tỉnh Gia Lai ra quyết quyết đưa toàn bộ diện tích rừng thông hơn 500 ha tại huyện Đắk Đoa ra ngoài quy hoạch ba loại rừng. Tháng 11/2020, UBND tỉnh Gia Lai xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng dự án sân golf Đắk Đoa. Tháng 12/2020, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản số đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cân nhắc cẩn trọng trong đề xuất chuyển mục đích sử dụng hơn 174 ha đất rừng vì “tác động đa chiều đến kinh tế môi trường và xã hội”.

 

Dự án sân golf Đak Đoa để lại nhiều hệ lụy

Đến năm 2021, ông Trịnh Đình Dũng khi đó đang giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Trong đó, thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93ha rừng thông cổ thụ sang mục đích khác để thực hiện dự án. Theo phê duyệt, dự án sân golf Đak Đoa được thực hiện tại thị trấn Đak Đoa, xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai với mục tiêu đầu tư xây dựng sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế.

Dự án có quy mô 174,01ha, trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án. Dự án sân golf Đak Đoa có tổng mức đầu tư 1.142 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 172,912 tỉ đồng (chiếm 15,12% tổng mức đầu tư), vốn vay 969,163 tỉ đồng (chiếm 84,86%) tổng vốn đầu tư. Thời gian hoạt động dự án 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự kiến quý 4/2024 khai thác đi vào sử dụng.

Tuy nhiên, sau khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC bị bắt thì dự án này cũng rơi vào cảnh hoang tàn.

Cũng liên quan đến dự án này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 và cá nhân ông Võ Ngọc Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên việc đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thực hiện dự án sân golf; cố ý chia nhỏ dự án khu biệt thự nhà ở thành ba dự án độc lập để thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Ông Thành bị Ban Bí thư cách chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh. Thủ tướng Chính phủ kỷ luật cách chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Thành. Bốn Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cũng bị kỷ luật cảnh cáo.

Mới đây, ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã bị xử lý kỷ luật.

**

Thực hiện lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng Chính phủ (Thông báo số 191/TB-VPCP, ngày 22/7/2016) về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp để giữ rừng. Tuy nhiên, như lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nếu so sánh những vụ chặt phá rừng tự nhiên thì sẽ không thấm vào đâu so với những dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Vì thế, trong ba năm (2016-2019) Bộ Nông nghiệp – PTNT chỉ đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 86 dự án trong tổng số 2.954 dự án do các địa phương đề nghị (chiếm 3%) trên địa bàn 22 tỉnh.

Mong rằng chủ trương đúng đắn, quyết liệt đó của Chính phủ thực hiện nghiêm minh, kiên quyết loại bỏ những dự án lấy nhiều đất rừng, giữ lại rừng tự nhiên ít ỏi và quý giá để bảo vệ môi sinh.

TRANG ANH

Vùng rừng thuộc dự án Suối Hoa do SASCO làm Chủ đầu tư - Ảnh IT