Những hợp đồng không thể so sánh được về giá thì không nên đấu thầu

Ngày 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị quy định trong Luật này để giải quyết những vướng mắc và đặc thù trong lĩnh vực y tế, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời, nhiều ý kiến tham gia chi tiết, cụ thể tại các điều khoản của Dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, theo đó, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

 

Các đại biểu tại Hội trường

Chỉ định thầu rút gọn

Theo đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông), qua đại dịch COVID-19 đã cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vaccine, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng; các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung “Khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định”.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động động đấu thầu trong thời gian tới, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) góp ý một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Tại khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật, việc đấu thầu sẽ áp dụng đối với các hoạt động mua sắm có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. 

 

Đại biểu Phạm Thị Kiều

Đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung vấn đề liên quan đến quy định này. Cụ thể, nếu các bệnh viện vay vốn thì các hoạt động liên quan đến vốn vay có phải đấu thầu hay không? Nếu bệnh viện sử dụng vốn để thuê thêm trụ sở mua các thiết bị, thiết bị y tế chuyên dùng đặc thù như máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư… thì các dịch vụ này có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi) hay không? Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này, nếu đấu thầu thì sẽ không phù hợp với đặc thù của ngành y tế, đặc biệt là khi đơn vị đang hoạt động tự chủ.

Hủy thầu

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đề nghị rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến hủy thầu. Đại biểu cho biết, tại khoản 4, Điều 17 của dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật dẫn đến hủy thầu theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 và điểm c, điểm d khoản 2 điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Dẫn chiếu tới Điều 90 của dự thảo luật và tại khoản 1 Điều 90 của dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu của pháp luật có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối chiếu nội dung xử phạt trong trường hợp hủy thầu được quy định tại Khoản 4, Điều 17 cũng như tại Khoản 1, Điều 90 có sự trùng lặp. Do vậy, đại biểu đề nghị bỏ khoản 4, Điều 17 và chỉ cần quy định tại khoản 1, Điều 90 là đã đầy đủ.

Về hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý Điểm b, khoản 2, Điều 17, theo đó, dự thảo luật đã thống kê các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có trường hợp quy định tại điểm b là thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành. Theo quy định tại khoản 4, Điều 17 dự thảo luật, trường hợp hủy thầu theo quy định tại điểm b khoản 2 các bên liên quan sẽ không được đền bù chi phí, đại biểu cho rằng đây là điểm chưa phù hợp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp này nhà đầu tư cũng được đền bù về chi phí tương tự như đối với các trường hợp tại điểm c, điểm d khoản 2, Điều 17. Trường hợp hủy thầu do lỗi của cơ quan nhà nước gây ra gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Dự thảo luật chưa quy định khoản bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự hay theo cơ chế riêng của Luật Đấu thầu và trình tự, thủ tục để thực hiện. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụ thể về cơ chế, quy trình, thủ tục đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu. Ngoài ra, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về quy trình thực hiện các bước tiếp theo sau hủy thầu bao gồm cả trường hợp sau khi tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu nhưng vẫn không có nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Cần tạo ra môi trường bình đẳng

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) nhận thấy, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sửa đổi theo hướng tích cực, phù hợp với các luật khác. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng còn một số vấn đề cần làm rõ thêm. 

Theo đại biểu, theo quy định về hồ sơ mời thầu tại khoản 1 Điều 44, những nhà thầu có kinh nghiệm thực hiện nhiều hợp đồng trước đó sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, để Hội đồng đấu thầu thực hiện thực sự minh bạch, có hiệu quả thì cần tạo ra môi trường bình đẳng giữa các nhà thầu, không nên chỉ hạn chế tập trung lựa chọn nhà thầu, nhà kinh doanh có kinh nghiệm mà hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ nhưng có sự đầu tư bài bản, hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện tốt gói thầu. 

Do vậy, kinh nghiệm đã thực hiện các dự án tương tự trước đó chỉ là một trong những tiêu chí rất nhỏ trong hồ sơ mời thầu; hồ sơ mời thầu cần tập trung vào những yếu tố chính liên quan đến chất lượng, tiến độ, giá cả gói thầu. Trường hợp vẫn lựa chọn yếu tố về uy tín của nhà thầu thì cần có quy định cụ thể, cơ sở, tiêu chí xác định đánh giá uy tín của nhà thầu.

Bên cạnh đó, đại biểu nhận thấy, quy định tại khoản 2 Điều 44 chưa phù hợp bởi xuất xứ hàng hóa không phải là yếu tố tạo nên chất lượng hàng hóa. Tiêu chí đánh giá chất lượng hàng hóa thông thường dựa trên các thông số kỹ thuật, thực tế sử dụng của chính hàng hóa đó. Quy định như vậy có thể dẫn tới việc áp dụng, áp đặt ý chí chủ quan trong quá trình đánh giá, lựa chọn nhà thầu, không bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đấu thầu.

Về chỉ định thầu, đại biểu nhất trí với quy định tại Điều 23 dự thảo Luật quy định về các trường hợp được chỉ định thầu, trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế. 

 

Các đại biểu tại Hội trường

Gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ. Áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, đại biểu cho rằng cần cân nhắc và quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng, hình thức chỉ định thầu. 

Đối với các gói thầu tư vấn, thi công, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng có nên đưa trường hợp này áp dụng quy định chỉ định thầu hay không. Theo đại biểu, việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tương đối phổ biến, không quá phức tạp và cũng không mang tính đặc thù để lựa chọn hình thức chỉ định thầu mà không áp dụng hình thức đấu thầu là không cần thiết.

Không phải lĩnh vực nào cũng đấu thầu

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng chỉ nên xem xét Luật Đấu thầu (sửa đổi) là Luật quy định về hình thức chứ không phải một Luật quy định về nội dung, để tránh chồng lấn với các Luật khác có liên quan như Luật Dược, Luật Đất đai (sửa đổi)… Do vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cần xem xét lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Bởi nội dung rất nhiều thứ đặc thù. Ví dụ đấu thầu thực hiện dự án đầu tư, đấu thầu phát triển dự án bất động sản, đấu giá đất, đấu thầu thuốc, đấu thầu thực hiện cơ chế giá điện cạnh tranh trên thị trường điện…

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, đối với những hợp đồng không thể so sánh được về giá thì không nên đấu thầu. Ví dụ như hợp đồng tư vấn, nhất là trong tố tụng trọng tài không có tương đương để so sánh, so sánh giá hoặc so sánh trình độ lúc đó về thời gian quá cấp thiết. 

Theo đại biểu Thịnh, cần phải cho phép chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Do quá trình chuẩn bị đấu thầu diễn ra rất dài, do vậy nên quy định một điều khoản đối với gói thầu nhỏ. Việc cho phép tiến hành nhanh chóng theo thủ tục rút gọn và việc xác định thế nào gói thầu nhỏ sẽ do Chính phủ quy định. Đại biểu đề nghị Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này nên có hai quy trình: quy trình thông thường và quy trình rút gọn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất quy định đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu thì cần phải đấu thầu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, không phải lĩnh vực nào cũng đấu thầu và không phải mỗi lần đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước. “Thời gian qua, có những trường hợp giá trị gói thầu cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp. Trong những chiêu trò của một số chủ đầu tư thời gian qua muốn nhà thầu quen thân của mình trúng thầu thì đã có phương pháp cụ thể, cuối cùng nhà thầu thân quen sẽ trúng”, đại biểu nêu dẫn chứng. Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất phải tổ chức đấu thầu nhưng không phải lĩnh vực đấu thầu nào cũng mang lại hiệu quả, do vậy cần xem xét lại, quy định cụ thể hơn.

Về chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị mở rộng thêm quy định chỉ định thầu, ngoài trường hợp như quy định của dự thảo Luật thì cần có quy định chỉ định thầu giảm giá, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại để đem lại lợi nhuận và hiệu quả cao hơn.

Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư chào giá cạnh tranh, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình quy định này, việc chào giá cạnh trạnh đối với gói thầu không quá 5 tỷ, tuy nhiên đề nghị cần mở rộng thêm không chỉ chào giá cạnh tranh các lĩnh vực như quy định trong dự thảo Luật (gồm gói thầu xây lắp công trình đơn giản; gói thầu dịch vụ tư vấn, thông dụng, đơn giản; gói thầu mua sắm…) mà chào giá cạnh tranh còn có các lĩnh vực khác, chứ không chỉ gồm các lĩnh vực nêu trên. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ ràng buộc và những đối tượng khác sẽ không được chào giá cạnh tranh, do vậy đề nghị mở rộng thêm chào giá cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực khác để mang lại hiệu quả thiết thực cho NSNN.

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND Tp Hà Nội phát biểu - Ảnh: Qh.vn

 

 

 

 

CAO THANH LOAN