Ông D không có quyền hưởng toàn bộ tài sản mà bố mẹ để lại

Nghiên cứu bài viết “Ông D có được hưởng thừa kế toàn bộ di sản theo di chúc chung của cha mẹ?” của Luật gia Chu Thanh Tùng, tôi cho rằng ông D không có quyền hưởng toàn bộ tài sản mà bố mẹ để lại.

“Văn tự trao quyền sở hữu nhà ở” do cụ T và cụ N lập ngày 10/3/1999. Vào thời điểm này, hai cụ vẫn còn minh mẫn, tỉnh táo, nội dung di chúc rõ ràng, không vi phạm điều cấm của pháp luật và thoả mãn điều kiện di chúc có hiệu lực theo quy định tại  Điều 655 BLDS năm 1995. Bên cạnh đó, văn tự này còn có xác nhận của Trưởng khu, người làm chứng là bà G và chứng thực của UBND xã. 

Như vậy là di chúc hợp pháp và có hiệu lực pháp luật.

Năm 2003, cụ T mất. Vì di chúc có hiệu lực pháp luật nên phải xem xét chia di sản thừa kế của cụ T theo di chúc. Di sản mà cụ T để lại là ½ quyền sử dụng đất đang tranh chấp. Theo di chúc, cụ T để lại tài sản này cho ông D, như vậy, ông D có quyền hưởng thừa kế là ½ quyền sử dụng đất này.

Năm 2005, cụ N đã có Đơn đề nghị rút quyền thừa kế của ông D. Theo quy định tại khoản a Điều 665 BLDS 1995: “Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào”. Như vậy, cụ N có quyền huỷ bỏ quyền thừa kế của ông D. Nhưng việc huỷ bỏ này chỉ được áp dụng với phần di sản của cụ N, không được áp dụng với phần di sản của cụ T. Bởi việc cho ông D hưởng di sản thừa kế là ý chí cuối cùng của cụ T trước khi chết.

Bên cạnh đó, 16/10/2007, cụ N lập di chúc có nội dung: “Nay tôi vẫn còn minh mẫn và tỉnh táo, tôi viết di chúc này để lại thửa đất 69 cho con thứ tôi là B và anh B có quyền làm bìa đỏ mang tên anh B. Việc lập di chúc này tôi nhờ chị T viết hộ theo đúng lời đọc của tôi”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 662 BLDS 2005: “Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.”

Đây cũng là căn cứ cho thấy ông D không có quyền hưởng thừa kế theo di chúc của cụ N. Thay vào đó, ông B là người được hưởng thừa kế theo di chúc của cụ N.

Như vậy, đối với phần di sản của cụ T, ông D là người được hưởng. Đối với phần di sản của cụ N, ông B là người được hưởng. Mỗi người được hưởng ½ giá trị tài sản đang tranh chấp.

Do đó, theo quan điểm của tác giả, việc Toà án cấp sơ thẩm xác định “khối di sản của cụ N là ½ quyền sử dụng đất thửa đất số 69, chia cho mỗi đồng thừa kế của cụ N được hưởng giá trị phần di sản bằng nhau” là không hợp lý, bởi cụ N đã để lại di chúc cho ông B hưởng toàn bộ phần di sản của mình. Kể từ lúc lập di chúc là năm 2007 đến khi mất là năm 2010, cụ N không có sự thay đổi hay lập di chúc nào khác về vấn đề này. Như vậy, ông B là người có quyền hưởng di sản của cụ N chứ không thể chia cho các đồng thừa kế.

Tuy nhiên, trong trường hợp di chúc của cụ N không hợp pháp (do không đáp ứng được các điều kiện tại Điều 652 BLDS 2005) thì có thể chia di sản thừa kế của cụ N theo pháp luật, tức chia đều cho các đồng thừa kế như cách chia của Toà án cấp sơ thẩm. Nhưng trong bài viết của luật gia không nhắc gì đến việc di chúc năm 2007 của cụ N không đủ điều kiện nào, và nội dung di chúc của cụ N đã rõ ràng, không vi phạm điều cấm của luật, nên tôi nhận định rằng di chúc của cụ N là hợp pháp. Do đó nhận định của Toà án cấp sơ thẩm là không hợp lý.

Đối với quan điểm của Toà án cấp phúc thẩm, như đã phân tích ở trên, ông D chỉ được hưởng di sản thừa kế của cụ T để lại. Do cụ N đã lập di chúc mới, nên di chúc mới phải được công nhận. Ông D không có quyền hưởng toàn bộ tài sản mà bố mẹ để lại. Do đó, tôi cho rằng quan điểm của Toà án cấp phúc thẩm là không phù hợp.

Trên đây là một vài quan điểm của tôi về vụ án, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ quý độc giả.

 

TAND huyện Đức Cơ, Gia Lai xét xử  vụ án dân sự - Ảnh: Đinh Thanh Bình

NGUYỄN NGỌC LINH TRANG