Ông T không được xác nhận tình trạng độc thân để kết hôn với bà X
Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Phạm Thị Thủy được đăng lên Tạp chí Tòa án ngày 28/08/2022 với bài viết “Ông T có được xác nhận tình trạng độc thân hay không?”. Đứng dưới góc độ pháp lý, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.
1.Xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp
Vào năm 1970 ông T có chung sống với bà Phạm Thị A đến năm 1972, do bất đồng quan điểm ông chia tay bà A và sống cùng bà B. Đồng thời năm 1972 bà A cũng sống chung với ông N và có đăng ký hôn. Đến năm 1975 thì bà B chết và ông T chung sống với bà C, năm 2010 bà C chết. Năm 2022 ông T gặp bà X và muốn kết hôn với bà X nên đến Ủy ban nhân dân xã xin xác nhận tình trạng độc thân để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Xét thấy, trong trường hợp trên có những quan hệ pháp luật phát sinh như sau:
(i) Giữa ông T với bà A chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1970 đến 1972.
(ii) Giữa ông T với bà B chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1972.
(iii) Giữa ông T với bà C chung sống với nhau như vợ chồng vào năm 1975.
Luật Hôn nhân Gia đình năm 1959 đang có hiệu lực phát sinh ở hai miền: (i) Đối với miền Bắc thì có hiệu lực vào ngày 13/01/1960; (ii) Đối với miền Nam thì có hiệu lực vào ngày 25/03/1977. [1]
Nhận thấy, trong dữ kiện tình huống cung cấp nêu trong bài viết của tác giả Phạm Thị Thủy thì ông T có địa chỉ là ở tỉnh Kiên Giang (Được xác định là khu vực Miền Nam). Do vậy, tất cả quan hệ hôn nhân mà ông T xác lập với bà A, bà B và bà C đều là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Bởi lẽ, lúc này Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 chưa có hiệu lực phát sinh tại Miền Nam vì thế việc ông T xác lập quan hệ hôn nhân giữa ông với bà A, bà B và với bà C là hoàn toàn hợp pháp vì lúc này chưa có văn bản pháp luật ghi nhận về việc cấm hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng. Tuy nhiên, năm 1975 bà B đã chết và năm 2010 thì bà C chết. Do đó, Quan hệ hôn nhân giữa ông T với bà B và giữa ông T với bà C đã chấm dứt.
Vì vậy, quan hệ hôn nhân đang tồn tại thực tế còn lại giữa ông T với bà A là hợp pháp.
Tuy nhiên, vào thời điểm này bà A đã đi kết hôn với ông N vào năm 1972. Vì dữ kiện đề bài không cung cấp đầy đủ, do vậy chúng ta cần phải xác định:
Trường hợp 1: Ông N và bà A có nơi cư trú tại khu vực miền Bắc, thì việc kết hôn này là không hợp pháp, bởi lẽ lúc này Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 đã có hiệu lực ở Miền Bắc kể từ ngày 13/01/1960. Điều 3 và Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 có khẳng định như sau:
Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi, đánh đập hoặc ngược đãi vợ. Cấm lấy vợ lẽ.
Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác.”
Xét thấy, thì trước đó bà A đã đang tồn tại quan hệ hôn nhân thực tế hợp pháp với ông T. Vì thế, việc bà A đi kết hôn với ông N là vi phạm pháp luật về Hôn nhân và Gia đình năm 1959.
Trường hợp 2: Ông N và bà A có nơi cư trú tại khu vực miền Nam, thì việc kết hôn này là hợp pháp, bởi lẽ lúc này Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 chưa phát sinh hiệu lực ở Miền Nam (Miền Nam thì có hiệu lực vào ngày 25/03/1977).
2.Quan điểm của tác giả
Vào năm 2022 ông T gặp bà X và muốn kết hôn với bà X nên đến Ủy ban nhân dân xã xin xác nhận tình trạng độc thân để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Như đã phân tích tại mục 1 trong bài viết này, thì quan hệ hôn nhân giữa ông T và bà A vẫn còn là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Do đó, trong trường hợp này ông T không thể đến UBND xã xin xác nhận tình trạng độc thân để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư Số: 04/2020/TT-BTP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật hộ tịch và nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch có hướng dẫn về cách ghi xác nhận tình trọng hôn nhân, Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau:
“Điều 33. Cách ghi Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
1. Mục “Tình trạng hôn nhân” phải ghi trung thực về tình trạng hôn nhân hiện tại của người đó, cụ thể như sau:
- Nếu chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) chết hoặc bị tuyên bố là đã chết thì ghi rõ là hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông....”
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có ghi nhận sau: “Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.”
Như vậy, về việc yêu cầu của ông T xác nhận tình trạng độc thân nhằm mục đích kết hôn với bà X là không phù hợp vì ông T không đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Do đó, tác giả đồng tình với Quan điểm 1 trong bài viết là không xác nhận tình trạng độc thân cho ông T.
Phía trên là quan điểm của tác giả, tác giả rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến từ phía người đọc./
Đăng ký kết hôn- Ảnh: MH
[1] Tháng 7/1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi ở Vĩ tuyến 17 - nơi dòng sông Bến Hải, Cầu Hiền Lương tỉnh Quảng Trị trở ra là Miền Bắc, trở vào là Miền Nam.
Bài liên quan
-
Cần thống nhất việc gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã đăng ký kết hôn
-
Không đăng ký kết hôn- Toà án có bắt buộc phải xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp ly hôn?
-
Chỉ công nhận quan hệ hôn nhân thực tế đối với quan hệ chung sống như vợ chồng giữa ông A và bà B
-
Chỉ có cơ sở để xác định quan hệ hôn nhân thực tế của ông A và bà B
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận