Cần thống nhất việc gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã đăng ký kết hôn

Thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và BLTTDS 2015 về việc gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch trong thời gian qua còn có nhiều bất cập.

Đặt vấn đề

Ly hôn là việc Toà án công nhận hoặc quyết định chấm dứt quan hệ hôn nhân theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng, hoặc của cả hai vợ chồng. Sau khi bản án, quyết định ly hôn của Toà án có hiệu lực sẽ làm chấm dứt quan hệ vợ chồng giữa các bên đương sự.

Khi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì Toà án phải gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn nơi đương sự đã đăng ký kết hôn trước đây, trong đó có Ủy ban nhân dân các cấp. Quy định này là hợp lý và cần thiết vì Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc đăng ký và quản lý hộ tịch. Uỷ ban nhân dân các cấp là cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn cho công dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương mình. Do đó, khi công dân đó ly hôn thì Uỷ ban nhân dân các cấp là một trong những cơ quan có quyền đồng thời cũng có trách nhiệm biết về việc ly hôn đó thông qua việc nhận một quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật do Toà án gửi. Có như vậy, Uỷ ban nhân dân các cấp mới có đủ cơ sở pháp lý để xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân đó khi công dân có yêu cầu, đồng thời mới có căn cứ để ghi vào sổ các thay đổi hộ tịch khác theo đúng quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch.

2. Vướng mắc trong thực tiễn

Thực tế, qua theo dõi và xem xét các quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, ngoài các cơ quan khác được nhận theo quy định của BLTTDS thì ở mục “Nơi nhận”, các Thẩm phán có ghi thêm cơ quan nơi các đương sự đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, có nhiều quyết định, bản án chỉ  ghi nơi nhận là Ủy ban nhân dân các cấp nơi các đương sự đã đăng ký kết hôn, không đề cập đến các thông tin liên quan như số chứng nhận đăng ký kết hôn, quyển vào sổ đăng ký kết hôn, cũng như ngày tháng năm đăng ký. Điều này đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn của Uỷ ban nhân dân các cấp. Dẫn đến việc lưu trữ hoặc tìm kiếm thông tin của các đương sự để thực hiện công tác hộ tịch gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, qua tìm hiểu, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã, phường chỉ biết được việc ly hôn của công dân hoặc theo những nguồn tin không chính thống và mang tính chất cá nhân, hoặc là công dân tự báo cáo khi muốn đăng ký một sự kiện hộ tịch có liên quan, ví dụ như xin xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người khác hoặc là do yêu cầu phối hợp thi hành án của cơ quan thi hành án. Thực trạng trên tồn tại đã lâu dẫn đến việc các cơ quan đăng ký kết hôn thiếu thông tin của đương sự và gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương.

Hiện trạng nêu trên xuất phát từ việc không thống nhất về mặt nội dung và hình thức trong quy định của pháp luật. Theo khoản 2 Điều 57 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn: “Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan”.

Tại điểm 3 khoản 3 Điều 269 BLTTDS năm 2015 quy định về việc cấp trích lục bản án, giao, gửi bản án: Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án có liên quan đến việc thay đổi hộ tịch của cá nhân phải được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó theo quy định của Luật hộ tịchvà tại điểm 4 khoản 3 Điều 269 của BLTTDS quy định thời hạn gửi bản án có hiệu lực pháp luật cho các cơ quan là “...05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, đối với quyết định ly hôn thì BLTTDS không quy định gửi cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn của các đương sự. Cụ thể, tại điểm 2 khoản 1 Điều 212 BLTTDS quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp”.

Theo khoản 1 Điều 30 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về trách nhiệm thông báo khi có sự thay đổi hộ tịch: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật liên quan đến thay đổi hộ tịch của cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật này, Tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án, bản sao quyết định đến Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân để ghi vào Sổ hộ tịch....” và tại Điều 31 Luật Hộ tịch quy định về thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Ngay sau khi nhận được thông báo theo quy định tại Điều 30 của Luật này, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi vào Sổ hộ tịch theo bản án, quyết định của Tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Qua đó, có thể nhận thấy, Luật Hôn nhân và gia đình quy định Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch. Tuy nhiên, BLTTDS chỉ quy định về việc gửi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án có liên quan đến việc thay đổi hộ tịch của cá nhân phải được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó. Luật không quy định về việc gửi quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch.

Luật Hôn nhân và gia đình chỉ quy định về việc gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn nhưng không hướng dẫn cụ thể về hình thức gửi và nội dung thông tin liên quan như số chứng nhận đăng ký kết hôn, quyển vào sổ đăng ký kết hôn và ngày tháng năm đăng ký. Còn theo BLTTDS thì quy định gửi thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân.

3. Đề xuất hướng giải quyết

Để khắc phục tình trạng này, cần có văn bản hướng dẫn về những thông tin liên quan cần thiết khi gửi bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. Cụ thể, ngoài nơi nhận là Ủy ban nhân dân các cấp thì cần bổ sung thêm thông tin liên quan như  số chứng nhận đăng ký kết hôn, quyển vào sổ đăng ký kết hôn và ngày tháng năm đăng ký. Việc này hỗ trợ cho cán bộ tư pháp địa phương thuận tiện thực hiện công tác hộ tịch.

Bổ sung thêm quy định về việc Tòa án gửi quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật có liên quan đến việc thay đổi hộ tịch của cá nhân cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó theo quy định của Luật Hộ tịch theo điểm 2 khoản 1 Điều 212 BLTTDS.

Thống nhất về hình thức gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn theo hình thức là thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án, bản sao quyết định đến Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn của cá nhân, hoặc là ghi tại mục “Nơi nhận” thông tin về Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn của cá nhân và các thông tin liên quan kèm theo.

Trong thời gian tới, cần sớm có hướng dẫn thống nhất về việc gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. Việc quy định như vậy không chỉ tạo nên sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật mà còn góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý hộ tịch ở địa phương.

 

Tòa án nhân dân huyện Thanh Miện, Hải Dương xét xử vụ án ly hôn -  Ảnh: Nguyễn Thị Diên

 

NGUYỄN HOÀNG ĐẠT (Thẩm phán TAND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa)