Phải làm rõ số tiền chưa được thanh quyết toán trong phòng chống dịch Covid-19 có thất thoát, sai phạm gì không?

Cho ý kiến giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19"... Chủ tịch Quốc hội cho rằng Đoàn Giám sát cần làm rõ số tiền chưa được thanh quyết toán, chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không? Việc quản lý, sử dụng nguồn lực cụ thể cho phòng, chống dịch ra sao? Báo cáo cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Vướng mắc, tồn tại

Ngày 11/4, tại phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến về báo cáo Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Báo cáo kết quả thực hiện chuyên đề giám sát này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, kết quả ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng chống dịch COVID-19 đã có tác động tích cực, được Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần quan trọng trong phục hồi và kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật của đất nước năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn có những mặt tồn tại, hạn chế, gây ảnh hưởng đến thành quả phòng chống dịch cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn phục hồi, phát triển sau đại dịch. Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, một trong những tồn tại, hạn chế là những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chậm chi trả chế độ hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch và chi hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Hướng đến mục tiêu tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát với những nội dung chính cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phải hoàn thành trước 31/12/2023.

Cụ thể, từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị, cần cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đối với thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị thực tế sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn trước ngày 31/12/2022 theo giá và thủ tục thanh toán do Chính phủ quy định. Cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đã cung cấp thực tế dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có hợp đồng đặt hàng theo khối lượng thực tế phát sinh theo giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Đồng thời, Đoàn Giám sát cũng kiến nghị cho phép xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2022 tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực tế đã tiếp nhận, quản lý, sử dụng nhưng vì lý do khách quan nên không có đủ hồ sơ, tài liệu, không xác định giá trị hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch cao hơn so với giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường hoặc trên cổng thông tin của cơ quan chức năng.

Làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan

Cho ý kiến về báo cáo giám sát này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phạm vi giám sát của chuyên đề này tương đối rộng, bao gồm cả việc quản lý, sử dụng lẫn thanh quyết toán các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Nguồn lực này không chỉ có ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, mà còn có cả các nguồn viện trợ, bao gồm vaccine, sinh phẩm, thiết bị vật tư y tế, máy móc... huy động nguồn xã hội hóa trong nước. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Đoàn Giám sát cần làm rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn viện trợ vaccine, sinh phẩm y tế, huy động xã hội hóa. Cụ thể, đoàn phải làm rõ số tiền chưa được thanh quyết toán, chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không? Việc quản lý, sử dụng nguồn lực cụ thể cho phòng, chống dịch ra sao? Báo cáo cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý đến việc thanh, quyết toán đối với những nguồn viện trợ, nguồn xã hội hóa, khi con số huy động được trong dịch là rất lớn, nhưng chưa rõ phương án và hiệu quả quản lý, sử dụng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo cần nêu rõ ràng, cụ thể cơ quan, đơn vị, địa phương để có cơ sở để các đại biểu Quốc hội đánh giá một cách khách quan, toàn diện về vấn đề này.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cần có phương án chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố rà soát kinh phí ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 và nộp ngay về Quỹ vắc xin phòng, chống COVID theo quy định. Nhận định việc chậm trễ trong công tác này là do thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết từ Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, cần kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đối với số tiền, hiện vật chưa sử dụng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện công khai, đầy đủ các khoản đóng góp tự nguyện, triển khai chi đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Đối với các hàng hóa quyên góp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần rà soát, thống kê kỹ lưỡng, phân rõ loại hàng hóa nào đã chuyển cho các đối tượng nhận, hàng hóa nào hiện còn tồn kho, hàng hóa nào không sử dụng, phải hủy bỏ. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các địa phương cần báo cáo, thống kê số liệu một cách trung thực về các loại hàng hóa này.

Cho ý kiến về vấn đề xác lập sở hữu toàn dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng tất cả những nguồn lực này đều phải được hạch toán tổng hợp vào ngân sách nhà nước, quy trình thực hiện đã được quy định rõ trong Luật Quản lý tài sản công. Cụ thể, đối với tài sản do các chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước, thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo phân cấp của Chính phủ. Như vậy, thẩm quyền trong vấn đề này thuộc về Chính phủ. Vì vậy Đoàn giám sát có thể đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo vấn đề, xem xét, rà soát, thống kê chi tiết về giá trị, thời hạn sử dụng, định hướng sử dụng sắp tới của hàng hóa.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến - Ảnh: Qh.vn

THANH LOAN