Phát triển báo chí “chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản năm 2022, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong các cơ quan báo chí, xuất bản trong cả nước.
Thực hiện chương trình công tác năm 2022, ngày 08/8/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản năm 2022.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, xuất bản; cơ quan hội; cơ quan báo chí, xuất bản.
Hội nghị nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “Rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”; nắm bắt, đánh giá tình hình hoạt động báo chí, xuất bản trong tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời gian qua; chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Những kết quả đáng ghi nhận
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện lãnh đạo Vụ Báo chí, Xuất bản báo cáo công tác báo chí, xuất bản những tháng đầu năm 2022. Theo đó, những tháng đầu năm, đối với lĩnh vực báo chí,công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn; chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, bảo đảm để báo chí giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
Không những thế công tác chỉ đạo, quản lý thông tin báo chí tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ về tư duy; áp dụng khoa học công nghệ để chuyển từ cách làm cũ sang cách làm mới “quản lý theo số lớn”, trong đó việc sử dụng công nghệ để đo đếm số lượng tin bài; xu hướng thông tin; mức độ quan tâm của độc giả... qua đó giúp cơ quan chỉ đạo, quản lý phân tích, tổng hợp để nắm bắt, nhận biết các xu hướng nội dung trên cơ sở đó có sự định hướng chỉ đạo kịp thời.
Ngoài ra vai trò lãnh đạo, chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí, người làm báo được tăng cường; thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí đối với hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao... Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được triển khai quyết liệt nhằm phát triển báo chí “chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là đối với những sai phạm liên quan đến việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.
Công tác cấp phép thành lập mới các cơ quan báo chí, cấp thêm loại hình báo chí, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí được thực hiện bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan và khoa học, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Đảng; nội dung quy định giấy phép hoạt động ngày càng cụ thể, khoa học, chặt chẽ.Công tác Hội ngày càng được tăng cường; hoạt động của Hội ngày càng phong phú, đa dạng thiết thực và đi vào chiều sâu.
Cùng với công tác chỉ đạo, quản lý, của các cơ quan chủ quản, trong thời gian qua công tác thông tin tuyên truyền trên báo chí cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các cơ quan báo chí đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện tuyên truyền kịp thời, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện trọng đại của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, công tác bảo vệ chủ quyền, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội.
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức |
Tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa
Đánh giá về công tác chỉ đạo, quản lý, công tác chủ quản ở lĩnh vực xuất bản trong thời gian qua, báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu rõ: Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới và chủ động; bám sát với tình hình thực tiễn có trọng tâm trọng điểm, kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động xuất bản. Việc phối hợp chỉ đạo, quản lý giữa cơ quan Đảng, cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cơ quan chủ quản ngày càng được tăng cường và thực chất hơn.Công tác hiệp y bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo nhà xuất bản ngày càng được thực hiện chặt chẽ, khoa học, đúng quy định của Đảng và Nhà nước .
Nhiều hoạt động thúc đẩy, phát triển phong trào đọc sách trong quần chúng nhân dân được thực hiện; hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, góp phần phát triển, khuyến khích phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành thói quen đọc sách của từng cá nhân; tạo nên những giá trị văn hóa từ gia đình, dòng họ đến cơ quan, đoàn thể.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý, chủ quản còn chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng các chuyên mục, chương trình giới thiệu sách, lợi ích của việc đọc sách, qua đó giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận thị trường sách, mang đến cho công chúng những cuốn sách hay, những trang sách đẹp và lan tỏa văn hóa đọc tới công chúng.
Mặc dù còn khó khăn về nhiều mặt, nhất là nguồn kinh phí hoạt động hạn chế, nhân lực ít, nhưng Hội Xuất bản Việt Nam, các cấp Hội đã nỗ lực cố gắng trong việc thực hiện 05 mục tiêu do Đai hội IV đề ra, đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ngành Xuất bản. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện thiết thực, bổ ích nhằm thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; chủ động, tích cực trong công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2022-2027.
Đặc biệt đối với công tác xuất bản trong thời gian qua có có nhiều nỗ lực,cố gắng khôi phục lại quy trình xuất bản bị gián đoạn trong khoảng thời gian dài do dịch COVID-19, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 21.027 xuất bản phẩm với 361.143.213 bản (tăng 3,1% về xuất bản phẩm, tăng 5,5% về bản). Trong đó: Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 19.250 cuốn với 355.142.424 bản (tăng 0,1% về cuốn, tăng 6,3% về bản); Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1142 xuất bản phẩm (tăng 104,6%); Xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 635 xuất bản phẩm với 6.000.789 bản (tăng 3% về xuất bản phẩm, giảm 25,9% về bản). Tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt khoảng 1,9 bản sách/người (không tính sách giáo khoa) .
Nhiều xuất bản phẩm có nội dung tốt, mang tính thời sự cũng được các nhà xuất bản chú trọng xuất bản, như: xuất bản phẩm tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xuất bản phẩm tuyên truyền đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch; xuất bản phẩm cung cấp kiến thức phòng chống dịch bệnh COVID-19...
|
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, xuất bản; cơ quan hội; cơ quan báo chí, xuất bản trong cả nước |
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2022, một số ấn phẩm tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản, ra mắt, giới thiệu và nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao của độc giả, học giả trong nước và bạn bè quốc tế; góp phần vào việc nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các nhà xuất bản chủ động đề ra các nội dung, giải pháp đầu tư, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, đặc biệt bám sát, tạo điểm nhấn cho từng mảng đề tài; đa dạng hóa xuất bản phẩm, với các đề tài rất phong phú.
Thời gian qua, các nhà xuất bản đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản, đã có thêm 02 nhà xuất bản được xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử (Nhà xuất bản Tri thức và Nhà xuất bản Kim Đồng), nâng tổng số các nhà xuất bản được hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử lên 13 nhà xuất bản, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất bản và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội trong thời hội nhập.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe ý kiến tham luận đầy tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo một số cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, xuất bản tham dự Hội nghị. Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi để tăng cường công tác phối hợp trong chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin đồng bộ, kịp thời; tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền để định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực báo chí, xuất bản...; kiến nghị, đề xuất một số vấn đề cần quan tâm về cơ chế, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…, nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động báo chí, xuất bản trong tình hình mới.
Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh một số kết quả, dấu ấn quan trọng, nổi bật của công tác báo chí, xuất bản những tháng qua. Theo đó, ông khẳng định, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn, bám sát tình hình thực tiễn, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả và thống nhất một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin là Ban Tuyên giáo Trung ương; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong hoạt động báo chí, xuất bản tiếp tục được tăng cường; chuyển đối số diễn ra mạnh mẽ và được quan tâm đầu tư nghiêm túc cả về nhân lực và tài lực; công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được các cơ quan báo chí, nhà xuất bản đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả.
Để công tác báo chí, xuất bản trong thời gian tới tiếp tục đi vào nền nếp và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ cho người dân, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, xuất bản; cơ quan hội và các cơ quan báo chí, xuất bản cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thật tốt việc thông tin, tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tạo sự thống nhất cao trong Đảng và trong xã hội về các đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chủ động cung cấp thông tin, kiến thức, cập nhật những chính sách, quyết sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong các cơ quan báo chí, xuất bản.../.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo - Ảnh: TT
Bài liên quan
-
Tạp chí Tòa án nhân dân đạt giải Nhì Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2024
-
Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về tổ chức bộ máy các cục, vụ, cơ quan báo chí Toà án nhân dân tối cao.
-
Phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và các cơ quan báo chí
-
Hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận