Phiên họp Hội đồng tư vấn án lệ

Chiều 23/6, TANDTC tổ chức Phiên họp Hội đồng tư vấn án lệ nhằm thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung của với 14 dự thảo án lệ. PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn án lệ chủ trì.

Dự phiên họp về phía TANDTC còn có TS Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án thường trực TANDTC, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ. Các thành viên Hội đồng Thẩm phán, lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC, một số vị nguyên là lãnh đạo TANDTC và các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ, đại diện các cơ quan Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát, Bộ Công an.

Trước đó, thực hiện quy trình lựa chọn án lệ theo Nghị quyết số 04, ngày 26/5/2022 TADTC đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với 14 dự thảo án lệ trong các lĩnh vực Hình sự, Hành chính, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân và Gia đình, Dân sự.

PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn án lệ phát biểu tại phiên họp.

Ngày 10/6/2022  Chánh án TANDTC đã ban ban hành Quyết định số 148, thành lập Hội đồng tư vấn án lệ gồm 18 thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài hệ thống TAND.

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết đã xây dựng được một số án lệ nhưng vẫn chưa đạt số lượng yêu cầu đã đề ra, nguyên nhân là do quy trình, yêu cầu làm án lệ rất khắt khe. Tuy nhiên Chánh án cũng rất vui mừng khi các cơ quan liên quan như Viện Kiểm sát, các cơ quan điều tra đang rất quan tâm tới án lệ, sử dụng án lệ trong hoạt động nghiệp vụ kể cả điều tra, truy tố, xét xử. Số lượng vụ án sử dụng án lệ ngày càng tăng.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình mong muốn trong tương lai không chỉ Học viện Toà án mà cả các trường đào tạo thuộc các ngành Công an, Kiểm sát sẽ có riêng một môn học hoặc một chương trình giảng dạy về án lệ, quy trình làm án lệ, kỹ năng áp dụng án lệ.

Toàn cảnh phiên họp

Sau khi nghe Đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học trình bày báo cáo tóm tắt, Hội đồng, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đưa ra các ý kiến bình luận, trao đổi thẳng thắng đánh giá và góp ý chi tiết đối với từng dự thảo án lệ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ kết luận đề nghị lựa chọn 5 trong tổng số 14 dự thảo án lệ:

Dự thảo án lệ số 07: về việc hủy kết hôn trái pháp luật (Quyết định giám đốc thẩm số 04/2021/HNGĐ-GĐT ngày 07/7/2021 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc dân sự “Yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật”; người yêu cầu là bà Nguyễn Thị S, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 03 người).

Dự thảo án lệ số 09: về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/HNGĐ-GĐT ngày 27/02/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hôn nhân gia đình “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con” giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Kiều K với bị đơn là anh Nguyễn Hữu P).

Dự thảo án lệ số 12: về căn cứ để xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo thủ tục tái thẩm (Quyết định tái thẩm số 01/2018/DS-TT ngày 13/3/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Yêu cầu chia tài sản chung và tranh chấp thừa kế” giữa nguyên đơn là cụ Dương Thế X với bị đơn là bà Dương Thị Bích V).

Dự thảo án lệ số 13: về công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức (Bản án số 16/2019/DS-PT ngày 19-3-2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Võ Sĩ M với bị đơn là ông Đoàn C).

Dự thảo án lệ số 14: về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả (Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2019/DS-ST ngày 18/11/2019 của Toà án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang về vụ án “Tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Thu V với bị đơn là anh Vương Minh T, anh Vương Minh H).

CẢNH DINH