Quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 là một chuyên đề giám sát của Quốc hội
Chiều 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.
4 chuyên đề giám sát
Trước đó, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021; việc xây dựng và triển khai Chương trình giám sát năm 2022 và dự kiến Chương trình giám sát năm 2023.
Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 04 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 02 chuyên đề để giám sát tối cao, 02 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Cụ thể như sau:
Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (dự kiến giao Ủy ban Xã hội chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, việc xây dựng và triển khai Chương trình giám sát năm 2022, đồng thời đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Có đại biểu Quốc hội đề xuất lựa chọn chuyên đề 2 về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là phát triển bền vững và trong quá trình phát triển kinh tế với tốc độ rất cao 6,5% - 7% thì một thành tố rất quan trọng đó là phát triển xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng nghèo chủ yếu là nằm ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu cho rằng, để thực hiện các mục tiêu đề ra, không làm tăng khoảng cách giàu - nghèo thì Quốc hội nên tập trung giám sát tối cao về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng lựa chọn chuyên đề 4 có ý nghĩa quan trọng khi vấn đề bảo đảm điện cho phát triển cũng như thực hiện chỉ tiêu phát thải ròng. Việc chậm phê duyệt Quy hoạch điện VIII cũng ảnh hưởng đến các ngành khác. Do đó, việc Quốc hội nên đưa vào chương trình giám sát tối cao để tìm cách đồng hành cùng với Chính phủ, thể hiện chủ trương Quốc hội sẽ sẵn sàng đồng hành với Chính phủ để giải quyết những vấn đề lớn, những vấn đề trọng điểm của đất nước.
Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quan tâm
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14. Từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới có hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết thêm, thực tế còn một số vấn đề được báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra từ kỳ họp trước nhưng chưa được giải quyết như là những sai sót trong cả 3 bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Cùng với đó là những bất cập trong Thông tư số 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lựa chọn sách giáo khoa; vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn sách giáo khoa để đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa…
Đại biểu cho rằng, những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết. Qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điều cần khắc phục để hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, qua giám sát giúp Quốc hội rà soát để xem xét có thể điều chỉnh các Nghị quyết hoặc bổ sung chính sách nếu cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cũng cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình khi đi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp tại 8 huyện, thành phố, cử tri đều có ý kiến về nội dung này. Mặc dù thời gian qua Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức một số cuộc giám sát và tọa đàm chuyên gia về nội dung này, nhưng cần phải đưa việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông để giám sát tối cao của Quốc hội năm 2023, nhằm đưa ra những đánh giá tổng thể, toàn diện và kịp thời tìm ra những giải pháp thiết thực để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong những năm tới.
Nâng cao chất lượng giám sát
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đánh giá, với việc thực hiện các giám sát chuyên đề ở địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã hết sức có trách nhiệm đối với việc thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Song trong quá trình thực hiện đã có những khó khăn, hạn chế khi tiến hành giám sát ở địa phương như số lượng đại biểu ở mỗi Đoàn ít, thiếu chuyên gia ở địa phương, việc có được các tài liệu như kết quả kiểm toán thanh tra ở địa phương cũng rất hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng
Ngoài ra, một số vấn đề theo đề cương của Đoàn giám sát khi giám sát ở địa phương không thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương mà thuộc thẩm quyền của trung ương, cho nên Đoàn đại biểu Quốc hội khó có thể đưa ra kết luận. Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị có đề cương giám sát riêng cho địa phương, cho phép địa phương lựa chọn một số nội dung cụ thể trong nội dung chung của Đoàn giám sát phù hợp với tình hình ở địa phương để tiến hành giám sát.
Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) khẳng định, những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm qua nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cử tri và nhân dân cả nước cùng các cơ quan, địa phương, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan giám sát, đơn vị được giám sát, tạo sự đồng thuận, thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Quốc hội cần tiếp tục nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra giám sát, đồng thời sớm nghiên cứu để ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường
Liên quan đến thực hiện giám sát chuyên đề năm 2023, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố triển khai các cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương. Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì giám sát và thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố cùng phối hợp giám sát về cùng 1 nội dung, bảo đảm không trùng lặp và hợp lý trong tổ chức phục vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trên cơ sở thảo luận tại hội trường và kết quả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội 2023 và Nghị quyết về thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội trong kỳ họp.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận