Quảng Ninh hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics trọng điểm

Ngày 4/3, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị phát triển dịch vụ logistics với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh Cao Xuân Ký; Quyền Chủ tịch tỉnh Cao Huy Tường và đại diện các Cục, Vụ, tổ chức quốc tế, hiệp hội, viện nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Toàn cảnh hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Công thương)

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò hết sức quan trọng kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành logistics phát triển.

Nhờ đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển rõ nét, vươn lên đứng ở top đầu các nước có chỉ số logistics thị trường mới nổi, với tốc độ tăng trưởng khá cao, từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.

Riêng đối với tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, địa phương có vị trí địa kinh tế hết sức đặc biệt với những tiềm năng, lợi thế vượt trội về tài nguyên khoáng sản, danh lam thắng cảnh. Một trong những ngành dịch vụ tiềm năng mà Quảng Ninh cũng có lợi thế đặc biệt để phát triển, đó chính là logistics

Bởi Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng luôn là tỉnh đột phá, đứng đầu cả nước về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Với những lợi thế, tiềm năng nổi trội cùng quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Báo Công thương)

Tuy nhiên, logistics Quảng Ninh hiện chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình, do đó, địa phương cần có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Trong đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tổ chức không gian phát triển và bố trí quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện phát triển hệ thống và các trung tâm logistics trên địa bàn.

Đồng thời, chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời ưu tiên bố trí ngân sách thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức và có khả năng kết nối hiệu quả với các hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, hành lang kinh tế nhằm nâng cao tính kết nối giữa Quảng Ninh với các địa phương trong vùng và với các vùng kinh tế trong nước, khu vực, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung - cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế; tiếp tục khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết.

Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ; tiếp tục đẩy mạnh, đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.

“Với truyền thống năng động, sáng tạo và tự cường của vùng đất mỏ anh hùng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục vận dụng sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để có những quyết sách đột phá, khả thi thúc đẩy ngành logistics phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng bày tỏ đại diện các cơ quan, đơn vị, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các chuyên gia, nhà nghiên cứu vốn có thiện cảm với Quảng Ninh, nay lại hiện diện đông đủ tại đây, sẽ chia sẻ những giải pháp, ý tưởng, kinh nghiệm hay, cách làm tốt giúp logistic Quảng Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và cả nước.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng góp vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư logistics đi đôi với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại.

Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh nghiên cứu đầu tư phát triển dịch vụ logistics, như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Bến Thành, Vinacomex, Đông Dương Group. Nhiều dự án cảng biển, logistics đã và đang được đầu tư, như: Bến cảng cao cấp Ao Tiên (Vân Đồn); Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 (TP.Móng Cái); cảng hàng lỏng Yên Hưng (TX.Quảng Yên).

Qua thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 738/17.300 doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào hoạt động dịch vụ logistics, trọng điểm là hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ và 23 đại lý tàu biển, 10 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển. Doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi năm 2022 toàn tỉnh đạt trên 37.500 tỷ đồng.

PV