Quảng Trị: Chính thức khởi động các dự án đầu tư trọng điểm

Ngày 15/12/2023, UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T Group - CIENCO4 đã tổ chức Lễ khởi động dự án Cảng hàng không Quảng Trị gần 6.000 tỷ đồng.

Cùng ngày Lễ khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị 481 hecta đã diễn ra tại huyện Hải Lăng.  Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Khởi công dự án khu công nghiệp Quảng Trị

Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị với diện tích 481 hecta, được thực hiện bởi Công ty TNHH Liên doanh Phát triển Quảng Trị,  là liên doanh của các nhà đầu tư gồm: Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Amata Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án Khu công nghiệp Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 23/3/2021, có quy mô sử dụng đất hơn 480ha, với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng được xây dựng theo 3 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 có diện tích khoảng 97ha, tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Đây là những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của tỉnh; là tiền đề quan trọng để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một Khu kinh tế năng động, hiện đại, có tầm cỡ ở khu vực Trung Bộ, cũng như cả nước và khu vực ASEAN; là cửa ngõ giao thương của các nước trong khu vực ra biển Đông và quốc tế. Vượt qua những khó khăn, thách thức, Quảng Trị đã và đang phấn đấu cải thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án.

Khu công nghiệp Quảng Trị nằm cách sân bay quốc tế Phú Bài (Huế) 60 km. Dự án  được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và từ đó thúc đẩy sự phát triển lâu dài của tỉnh Quảng Trị. Là tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ Việt Nam, được Chính phủ Việt Nam xác định là trung tâm kinh tế tương lai dọc Hành lang kinh tế Đông-Tây nối Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar. Hành lang kinh tế xuyên khu vực này được kỳ vọng  thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của 4 nước ASEAN.

 

Lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh làm lễ khởi công dự án Khu công nghiệp Quảng Trị

Các ngành công nghiệp mục tiêu của Khu công nghiệp bao gồm dệt may, giày dép, bao bì và in ấn, chế biến gỗ và nội thất, thực phẩm và đồ uống. Trong Lễ khởi công, 5 doanh nghiệp đã ký Biên cản ghi nhớ (MOU) để thuê đất tại Khu công nghiệp Quảng Trị. Công ty Winzen Holding của Hồng Kông (Trung Quốc) và công ty Join Success Wealth của Singapore có kế hoạch thực hiện sản xuất may mặc tại Khu công nghiệp, cùng với ba doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất đồ nội thất và phân phối xe máy. Khu công nghiệp Quảng Trị sẽ được phát triển trong 12 năm. Khi đi vào hoạt động, dự kiến dự án sẽ tạo việc làm cho 30.000 đến 40.000 lao động.

Khát vọng “cất cánh” vùng đất giàu truyền thống lịch sử

Quảng Trị sở hữu vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; đặc biệt tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN.

Quảng Trị đang có tốc độ phát triển nhanh và bền vững. Ngoài Khu kinh tế Đông Nam, Quảng Trị còn có 2 cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay, lại nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (được xác định là trục xương sống kết nối chặt chẽ với các trục hành lang kinh tế Bắc - Nam). Bên cạnh đó, với định hướng phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung và cả nước vào năm 2030, Quảng Trị đã và đang trở thành “đất lành” thu hút nhiều nhà đầu tư năng lượng đến “làm tổ”.

Đáng chú ý, Quảng Trị là một trong số các tỉnh sở hữu thế mạnh du lịch vượt trội với đường bờ biển dài 75km, các hang động, thác nước hùng vĩ, các khu bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử cách mạng quan trọng. Có lẽ hiếm nơi đâu có hệ thống di tích gắn với các cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc dày đặc như Quảng Trị. Trong đó, có thể kể đến các “địa chỉ đỏ” như Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… Trong bối cảnh du lịch tâm linh, du lịch về nguồn tăng mạnh, dự báo lượng khách từ 2 đầu đất nước đổ về Quảng Trị để thăm lại chiến trường xưa, hay tham quan các di tích gắn với lịch sử dân tộc sẽ bùng nổ.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (áo nâu) kiểm tra thực địa dự án giải phóng mặt bằng xây dựng cảng hàng không Quảng Trị. (ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Trị)

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023. Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là vị trí trọng điểm của miền Trung, kết nối giữa giao thông Bắc Nam về Quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh và giao thông Bắc Nam với trục Hành lang Kinh tế Đông - Tây qua Quốc lộ 9 và cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, là cửa ngõ quan trọng để thu hút hành khách đến tiểu vùng sông Mekong vào miền Trung Việt Nam.

Dự án có quy mô trên 265 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.833,9 tỷ đồng; được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, cho phép khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy hoạch tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ (khi có nhu cầu) và sân bay quân sự cấp II, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.

Có thể thấy, Cảng hàng không Quảng Trị không chỉ đơn thuần vận chuyển hành khách mà còn kết hợp cả hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay… tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư lớn với hàm lượng chất xám cao, phát triển công nghiệp xanh sạch, đảm bảo quốc phòng an ninh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác quốc tế. Cùng với các dự án như cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Quốc lộ 15D từ Cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, cảng nước sâu Mỹ Thủy, tuyến đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo…

Dự án Cảng hàng không sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ của tỉnh Quảng Trị trên các lĩnh vực không - thủy - bộ - sắt, sẵn sàng đáp ứng góp phần thúc đẩy khai phóng tiềm năng, tạo đòn bẩy đưa chính trị, kinh tế, xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh Quảng Trị tham quan mô hình dự án.

 

 

 

BẮC TRẦN