Quy chế tạm thời đánh giá công chức, viên chức, người lao động trong Toà án nhân dân đã đạt nhiều tín hiệu tích cực

Chiều 25/11/2022, TANDTC tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện thí điểm quy chế tạm thời đánh giá công chức, viên chức, người lao động trong TAND. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình chủ trì Hội nghị.

Cùng dự hội nghị còn có các  Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Du, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng; các thành viên Hội đồng Thẩm phán, Trợ lý, Thư ký Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC; lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC; lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng cùng lãnh đạo một số TAND cấp tỉnh thực hiện thí điểm.

Sau 4 tháng thực hiện với 16 đơn vị thí điểm, tất cả các đơn vị thực hiện thí điểm đã tổ chức Hội nghị triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy chế, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Kết quả đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được các đơn vị hưởng ứng và đánh giá cao về phương thức tính điểm đánh giá.

 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình biểu dương Tổ Biên tập dưới sự chủ trì của Vụ Tổ chức Cán bộ TANDTC đã xây dựng Quy chế một cách công phu, chuyên nghiệp. Trong thời gian ngắn đã cho ra đời Quy chế, tập huấn cho các địa phương. Đồng thời Chánh án TANDTC hoan nghênh 16 đơn vị thí điểm, đặc biệt có một số đơn vị tự nguyện tham gia như TAND tỉnh Nghệ An.

Qua các ý kiến phát biểu, các ý kiến đều đồng tình với chủ trương của Ban Cán sự đảng TANDTC, cho thấy đây là một việc cần thiết phải thực hiện nhằm nâng cao hiệu suất làm việc, gia tăng sự nỗ lực của công chức, viên chức, người lao động trong TAND.

Chánh án TANDTC đề nghị tiếp tục thí điểm Quy chế, trước mắt tiếp tục thực hiện với 16 đơn vị đang thực hiện thông qua tiếp thu, tháo gỡ các vấn đề đang gặp phải. Yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thí điểm tiếp tục quan tâm, có nhiều sáng kiến trong việc thực hiện Quy chế.

Trong 04 tháng triển khai, hằng tháng có trên 1.300 công chức, viên chức và người lao động của 16 đơn vị thí điểm được đánh giá. Trung bình, công chức xếp loại A tương đương mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm tỷ lệ khoảng 26%; xếp loại B tương đương mức hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỷ lệ khoảng 64%; xếp loại C tương đương mức hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ khoảng 5,64%; xếp loại D tương đương mức không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ khoảng 1,48 %. Sau khi công khai kết quả đánh giá tại đơn vị, không có trường hợp nào có khiếu nại liên quan đến kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hằng tháng.

Một số TAND đã có cách làm sáng tạo để việc đánh giá cán bộ theo quy trình mới được thuận tiện, công khai, minh bạch và hiệu quả, như: Tổng hợp Bảng chấm điểm do TANDTC ban hành thành các Bảng chấm điểm gắn với từng vị trí việc làm (TAND tỉnh Hải Dương); lập hệ thống Sổ hoặc Mục theo dõi việc chấm điểm (các TAND tỉnh Hải Dương, Đắk Lắk và Sóc Trăng).

 

Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết việc đánh giá cán bộ là công tác rất quan trọng nhằm sử dụng đúng người đúng việc, chính xác công tác cán bộ, ngăn ngừa tình trạng cào bằng, suy thoái trong công tác cán bộ. Việc áp dụng quy trình mới với bộ tiêu chí đánh giá có tính định lượng cụ thể, trên cơ sở phân nhóm đối tượng công chức theo chức trách, nhiệm vụ, kết quả làm việc của công chức được đánh giá khách quan, toàn diện và thực chất hơn.

Nhiều chỉ tiêu trong công tác chuyên môn đều đạt, vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, TANDTC, tăng mạnh về số lượng so với các tháng liền kề trước đó; như: tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Toà án; công bố bản án...

Quy chế tạm thời đã lượng hoá được tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ.

Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên cơ sở chấm điểm với các tiêu chí cụ thể, toàn diện các mặt công tác; quy định rõ thang điểm tương ứng với các mức xếp loại chất lượng công chức cơ bản đã lượng hoá được tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; đáp ứng yêu cầu về tính khách quan, công khai, minh bạch, toàn diện và thực chất trong việc đánh giá cán bộ; tạo động lực cho cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với đó, những hạn chế, yếu kém của từng công chức cũng được lãnh đạo các đơn vị kịp thời phát hiện để có giải pháp chấn chỉnh phù hợp.

Quy chế tạm thời góp phần kiểm soát tiến độ thực hiện kế hoạch công tác của từng công chức và của lãnh đạo đơn vị.

Việc đánh giá, xếp loại hằng tháng giúp công chức, viên chức và người lao động tự kiểm soát được công việc theo chức trách nhiệm vụ được giao. Đồng thời, giúp cho lãnh đạo đơn vị kiểm tra, quản lý được tiến độ thực hiện kế hoạch công tác của đơn vị; đánh giá được năng lực, ý thức trách nhiệm của từng công chức, viên chức và người lao động và xây dựng kế hoạch phân công công việc phù hợp.

Quy chế tạm thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật công vụ

Quy trình đánh giá cán bộ chặt chẽ, trên cơ sở thang điểm cụ thể và công khai kết quả chấm điểm đã tác động tích cực, khuyến khích tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tạo sự chuyển biến mạnh về kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Việc thực hiện Quy chế tạm thời đã tác động tích cực, nâng cao hiệu quả công tác tại các đơn vị thí điểm

Tại đa số các đơn vị thí điểm, tiến độ giải quyết các loại vụ việc được đẩy mạnh, tổng số vụ việc giải quyết trong 04 tháng thí điểm tăng mạnh so với thời gian trước đó. Cùng với tiến độ giải quyết được đẩy mạnh, chất lượng xét xử các vụ án tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ rõ rệt, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan tại các các Tòa án thực hiện thí điểm đều giảm so với thời gian trước đó.

Chánh án TAND TP Hà Nội, đơn vị thực hiện thì điểm.

Tuy nhiên, Quy chế tạm thời với phương pháp chấm điểm, quy trình đánh giá hoàn toàn mới nên không tránh khỏi lúng túng trong thời gian đầu mới triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị mà Quy chế và Bảng chấm điểm chưa thể quy định hết cũng gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trên thực tế, một số vị trí đặc thù cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc đánh giá, xếp loại công chức; như: trường hợp Thẩm phán đang trong thời gian chờ xử lý trách nhiệm, trong thời gian chờ tái bổ nhiệm, không được phân công làm công việc khác...

Hầu hết các TAND địa phương, nhất là tại các đơn vị Tòa án cấp huyện, Thẩm tra viên, Thư ký đều phải thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm rất nhiều. Cần có hướng dẫn cụ thể cách chấm điểm đối với những vị trí này để đảm bảo quyền lợi, cũng như đánh giá chính xác chất lượng cán bộ.

Các tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng công chức hàng năm nếu lưu giữ vào hồ sơ công chức (theo quy định tại Điều 25 của Quy chế) sẽ gây khó khăn trong việc quản lý, bảo quản hồ sơ công chức.

 

Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, đơn vị thực hiện thí điểm.

Đại diện một số đơn vị thí điểm cũng cho biết, bên cạnh các khó khăn trên còn gặp phải một số vướng mắc như:

Việc chấm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, người lao động được thực hiện thường xuyên, hàng tháng trong khi áp lực công tác chuyên môn lớn và tình trạng biên chế còn thiếu.

Việc thực hiện công tác xét xử đối với Thẩm phán trong những thời điểm không có án (sau 30/9, những tháng đầu năm âm lịch) hoặc những địa phương số lượng án thụ lý ít sẽ ảnh hưởng đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thẩm phán (Không có điểm thưởng và sẽ khó đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).

 

Chánh án TAND TP Đà Nẵng, đơn vị thực hiện thí điểm

Quy định điểm thưởng trong phiếu chấm điểm đối với nhóm hỗ trợ, phục vụ (Kế toán, Văn thư, Lưu trữ, Lái xe, Bảo vệ...) là dễ dàng, một số nhiệm vụ thường xuyên của các vị trí này được tính điểm thưởng trong khi đối với Thẩm phán và Thư ký điểm thưởng lại rất khó khăn.

Nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức là phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu để đánh giá, phân loại nhưng đặc thù của ngành Tòa án khó định lượng theo các tiêu chí cụ thể.

Đối với công tác giải quyết, xét xử các loại án, mỗi loại vụ việc pháp luật đều định về thời hạn giải quyết nhất định và tùy vào tính chất phức quy tạp của từng vụ án. Việc giải quyết, xét xử các loại vụ án không thể đánh giá như những tiêu chí như sản phẩm hàng hóa thông thường, nên rất khó định lượng ra mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân trong từng tháng.

 

Toàn cảnh hội nghị.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm về đánh giá, xếp loại TANDTC giao Tổ công tác nghiên cứu, xây dựng Quy chế tiếp thu các ý kiến của các đơn vị, hoàn thiện, báo cáo Ban cán sự đảng TANDTC.

Tổ công tác tổ chức tập huấn trực tuyến trong toàn hệ thống Tòa án, kịp thời giải đáp các vướng mắc. Các đơn vị thực hiện thí điểm tiếp tục kéo dài việc thực hiện thí điểm Quy chế tạm thời cho đến khi có Quyết định của Chánh án TANDTC áp dụng trong các TAND

Tiến hành nghiên cứu xây dựng phần mềm chấm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức; tích hợp vào phần mềm quản lý cán bộ hệ thống Toà án đang sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý việc đánh giá.

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống Tòa án về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, người lao động để tạo sự đồng thuận trong tổ chức, triển khai thực hiện. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai và tổ chức thực hiện.

VŨ PHONG