Quyền được lãng quên trên không gian mạng và vấn đề đảm bảo sự cân bằng với quyền tự do ngôn luận

Trong bài viết này tác giả sẽ trình bày tổng quan về sự phát triển của quyền được lãng quên cũng như hiệu lực của quyền này đối với quyền tự do ngôn luận từ đó nêu lên một vài gợi ý cho các nhà lập pháp Việt Nam.

1. Tổng quan

Trong thời đại kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép mọi người giao tiếp với nhau bất kể rào cản về mặt địa lý. Các thông tin trên internet dường như có thể truy cập vĩnh viễn, trong đó có những thông tin mà các cá nhân có thể muốn giữ bí mật hoặc muốn quên đi. Những điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về việc lạm dụng dữ liệu cá nhân cho các mục đích không hợp pháp. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi người dùng internet tìm cách kiểm soát thông tin cá nhân của mình trong môi trường trực tuyến.

Trước bối cảnh đó, “quyền được lãng quên” đã nổi lên như một trong những biểu tượng của quyền tự do cá nhân. Quyền này liên tục được củng cố và thu hút sự quan tâm của các nhà lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Dần dần, quyền được lãng quên có xu hướng được nâng lên trở thành một trong số những quyền cơ bản bởi lẽ quyền này được xem như là bước phát triển tích cực cho quyền tự quyết của cá nhân trong thời đại kỹ thuật số. Những lý do của việc ủng hộ ghi nhận quyền được lãng quên đó là:

- Một là, cá nhân phải có quyền kiểm soát thông tin cá nhân của mình trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông cho phép ghi lại tất cả các hoạt động trực tuyến của cá nhân. Do đó, quyền được lãng quên trao quyền cho mọi người lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống số của họ.

- Hai là, mọi cá nhân đều có quyền phạm sai lầm mà không bị ám ảnh bởi quá khứ của họ, kể cả khi thông tin liên quan được công khai một cách hợp pháp hoặc đã được chính cá nhân đó chia sẻ ban đầu một cách tự nguyện. Việc không công nhận quyền được lãng quên cho phép các công cụ tìm kiếm trình bày một cái nhìn phiến diện về một cá nhân bằng cách hiển thị liên kết đến những sai lầm trong quá khứ từ đó gây ảnh tiêu cực đến cuộc sống hiện tại và tương lai của họ.

- Ba là, chúng ta cũng thấy rằng hầu hết thông tin cá nhân được phổ biến trên mạng không có giá trị lợi ích chung cho nên việc ghi nhận quyền được lãng quên không mâu thuẫn với quyền cơ bản khác như quyền tự do tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận.

Có thể thấy rằng có rất nhiều lý lẽ cho thấy sự cần thiết của việc ghi nhận quyền được lãng quên. Tuy nhiên một vấn đề cũng cần được quan tâm đó là hệ quả pháp lý của việc công nhận quyền này đối với quyền tự do ngôn luận. Bởi lẽ sự bảo vệ quyền này có thể ảnh hưởng đến quyền kia và ngược lại. Do đó, khi quyền được lãng quên được công nhận thì cần phải đảm bảo sự cân bằng với các quyền cơ bản khác trong đó có quyền tự do ngôn luận.

2. Bảo đảm quyền được lãng quên trong mối quan hệ với quyền tự do ngôn luận từ kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu

Quyền tự do ngôn luận được hiểu là quyền bảo vệ việc tiếp cận thông tin, quan điểm và ý tưởng tự do. Nó áp dụng cho tất cả các phương tiện truyền thông, bất kể biên giới, và bao gồm quyền không chỉ phổ biến mà còn cả quyền tìm kiếm và nhận thông tin. Tự do ngôn luận từ lâu đã được công nhận là quyền cơ bản của cá nhân[1]. Quyền này được công nhận trong hầu hết các hiến pháp quốc gia và trong hầu hết các điều ước quốc tế về nhân quyền, bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền[2], Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị[3], Công ước Châu Âu về quyền con người[4]… Trong phần bình luận chung của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã tái khẳng định rằng quyền tự do ngôn luận là thiết yếu để thụ hưởng các quyền con người khác, đồng thời xác nhận rằng Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị bảo vệ tất cả các hình thức biểu đạt và phương tiện phổ biến chúng, bao gồm tất cả các phương tiện biểu đạt điện tử trên Internet[5]. Nói cách khác, quyền tự do ngôn luận được bảo vệ như nhau bất kể trên mạng hay ngoài đời thực.

Tuy nhiên, tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối. Đây là một quyền có điều kiện và có thể bị hạn chế bởi pháp luật; hoặc nhằm để theo đuổi các mục tiêu hợp pháp được quy định rõ ràng trong Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; hoặc cần thiết trong một xã hội dân chủ. Do đó, luật pháp quốc tế cho phép những hạn chế nhất định đối với quyền tự do ngôn luận nhằm mục đích bảo vệ các lợi ích hợp pháp khác, trong đó bao gồm quyền riêng tư.

Quyền được lãng quên được đặt trong mối quan hệ với quyền tự do ngôn luận là vấn đề được quan tâm bởi lẽ hai quyền này có nội hàm trái ngược nhau. Quyền được lãng quên (được gọi là “Right to be forgotten” trong tiếng Anh và “Droit à l’oubli” trong tiếng Pháp) được hiểu một cách chung nhất là quyền yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của người có liên quan đối với dữ liệu của mình[6]. Cụ thể hơn, quyền này đề cập đến việc các cá nhân có khả năng thực hiện việc xóa, giới hạn, xóa liên kết, sửa những thông tin cá nhân có khả năng gây hiểu lầm, đáng xấu hổ, không liên quan hoặc đã hết hạn trên mạng internet[7]. Hay theo Quy định bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu 2016/679 thì quyền được lãng quên có tên là quyền xóa dữ liệu[8].

Có thể thấy rằng quyền được lãng quên trên không gian mạng đơn giản là một quyền xóa dữ liệu. Người thực hiện quyền được lãng quên của mình có thể yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân, miễn là không còn bất kỳ lý do chính đáng nào để giữ nó. Nói cách khác, quyền này đề cập đến thực tế là một cá nhân có thể yêu cầu bất kỳ công cụ tìm kiếm nào xóa một số kết quả nhất định được liên kết với họ và tên của mình. Về nội hàm của quyền được lãng quên có thể thấy ít nhất bao hàm hai lĩnh vực: 1) Lĩnh vực đầu tiên đó quyền quên đi quá khứ tư pháp. Quyền này trao cho những người đã phải gánh chịu hậu quả của “việc gợi lại sai trái trên báo chí về các hành vi phạm tội cũ mà họ đã bị kết án[9] quyền yêu cầu rút lại những thông tin đó. 2) Lĩnh vực thứ hai đó là quyền được xóa. Quyền này trao cho cá nhân “quyền được xóa thông tin liên quan đến họ sau một khoảng thời gian nhất định hoặc khi việc lưu giữ chúng trong hệ thống thông tin không còn hợp lý”[10]. Đối với “quyền được lãng quên trên không gian mạng”, quyền này sinh ra do nhu cầu thích ứng với bối cảnh kỹ thuật số và internet ngày càng phát triển[11].

Nói tóm lại, quyền được lãng quên có thể được hiểu là là quyền của các cá nhân tự quyết định khi nào, bằng cách nào và ở mức độ nào thông tin về họ được tiết lộ cho các cá nhân khác hoặc là quyền của một người để kiểm soát thông tin liên quan đến họ một cách tốt hơn. Quyền này hướng đến việc bảo vệ lợi ích cho từng cá nhân, cho phép họ được quyền quản lý, quyền tự quyết định các thông tin của mình. Ngược lại, quyền tự do ngôn luận lại hướng tới lợi ích của cộng đồng, của công chúng mà không cho phép ẩn, xóa những thông tin của cá nhân đó một cách tùy ý[12]. Như vậy, có thể thấy rằng hai quyền này tồn tại chế ước qua lại lẫn nhau, việc bảo đảm quyền này sẽ hạn chế quyền kia và ngược lại.

Liên quan đến việc thừa nhận quyền được lãng quên, có thể nói Liên minh Châu Âu (sau đây gọi tắt là EU) là khu vực tiên phong trên thế giới trong vấn đề này. Quyền được lãng quên lần đầu tiên được điều chỉnh bởi Chỉ thị bảo vệ dữ liệu cá nhân 1995 (gọi tắt là Chỉ thị 95/46/CE)[13]. Lúc này quyền được lãng quên được bảo vệ gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sau đó, quyền này đã được Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu (gọi tắt là CJEU) ghi nhận trong phán quyết liên quan đến Vụ án Google Tây Ban Nha SL, Tập đoàn Google Inc. và Agencia Española de Protección de Datos, Mario Costeja González[14]. Cụ thể, CJEU đã phán quyết rằng cá nhân có quyền yêu cầu các công cụ tìm kiếm xóa các đường dẫn đến thông tin cá nhân về họ. Tuy nhiên, quyền này chỉ được thực hiện trong những điều kiện nhất định đó là khi thông tin về cá nhân “không chính xác, không đầy đủ, không còn liên quan hoặc thông tin vượt quá các mục đích xử lý dữ liệu cần thiết[15].

Đến năm 2016, quyền được lãng quên mới được chính thức ghi nhận trong Quy định bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu 2016/679[16] (gọi tắt là Quy định 2016/679). Kể từ khi Quy định 2016/679 có hiệu lực, quyền được lãng quên phần nào đã được củng cố bằng việc thiết lập quyền xóa bỏ dữ liệu[17]. Tại EU, quyền được lãng quên được xem là quyền cơ bản của công dân Châu Âu kể từ khi Quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân (GDPR) có hiệu lực ngày 25/5/2018. Quyền này được phát sinh khi: 1) dữ liệu liên quan đến cá nhân không còn cần thiết so với mục tiêu ban đầu là xuất bản dữ liệu này; 2) cá nhân không còn đồng ý với các ấn phẩm này và các ấn phẩm này không dựa trên bất kỳ điều kiện nào khác ngoài sự đồng ý này; 3) dữ liệu chứa các yếu tố bất hợp pháp (bị tấn công, dữ liệu bí mật).

Tuy vậy, quyền được lãng quên không phải là quyền tuyệt đối mà bị hạn chế trong các trường hợp sau: 1) dữ liệu thuộc quyền tự do ngôn luận và thông tin, dữ liệu phải tuân theo nghĩa vụ pháp lý; 2) dữ liệu được công chúng quan tâm trong lĩnh vực y tế công cộng; 3) dữ liệu thuộc nhiệm vụ lưu trữ, thống kê hoặc khoa học vì lợi ích công cộng[18]. Như vậy, có thể thấy rằng theo quy định của EU thì quyền được lãng quên được bảo vệ do tính thời sự của nó mang lại nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng với các quyền cơ bản khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận[19]. Với cách tiếp cận này, việc đảm bảo sự cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư để ủng hộ việc bảo vệ dữ liệu, được xem là bước phát triển của quyền được lãng quên.

Vấn đề này càng được quan tâm và có nhiều quan điểm trái chiều kể từ khi có phán quyết của CJEU về vụ tranh chấp giữa Google Inc. và CNIL[20] liên quan đến phạm vi lãnh thổ áp dụng quyền hủy niêm yết đối với các kết quả tìm kiếm trên Google. Cụ thể, CNIL đã yêu cầu Google phải xóa một số đường dẫn liên quan đến một số cá nhân cư trú tại Pháp khỏi tất cả các phiên bản của công cụ tìm kiếm Google trên toàn thế giới, cụ thể đối với tất cả các tên miền, bao gồm cả google.com. Liên quan đến quyền được lãng quên, CJEU đã ra lệnh cho Google tôn trọng quyền này của cư dân trong khu vực EU. Việc xem xét yêu cầu xóa dữ liệu cần phải xem xét lợi ích cân bằng giữa các quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu của người yêu cầu hủy niêm yết đó và lợi ích hợp pháp của cộng đồng[21].

Như vậy, có thể thấy việc ghi nhận quyền được lãng quên là rất cần thiết, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số. Tuy nhiên việc ghi nhận quyền này cần dựa trên nguyên tắc là đảm bảo quyền được lãng quên cùng tồn tại và được dung hòa với các quyền cơ bản khác trong đó có quyền tự do ngôn luận. Nói cách khác, quyền được lãng quên không phải là tuyệt đối và chỉ được chấp nhận khi quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân của một người lớn hơn lợi ích của công chúng trong việc tiếp tục truy cập thông tin[22].

3. Quyền được lãng quên theo quy định của pháp luật Việt Nam và vấn đề bảo đảm sự cân bằng với quyền tự do ngôn luận

Trong bối cảnh vấn đề đảm bảo quyền được lãng quên trên không gian mạng ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà luật học cũng như của toàn xã hội, Việt Nam đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Có thể thấy quyền được lãng quên đã được các nhà lập pháp Việt Nam ghi nhận thể hiện qua việc cho phép chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình. Tuy vậy, để có thể góp phần hoàn thiện hơn các quy định trong Dự thảo, đặc biệt liên quan đến vấn đề bảo đảm sự cân bằng giữa quyền được lãng quên với quyền tự do ngôn luận, chúng tôi xin nêu lên những gợi ý như sau:

- Một là, quy định cụ thể các giới hạn quyền được lãng quên nhằm đảm bảo sự cân bằng với quyền tự do ngôn luận. Có thể thấy rằng, quyền được lãng quên quy định trong Dự thảo không phải là một quyền tuyệt đối. Nó được hạn chế nghiêm ngặt với một số yêu cầu tối thiểu nhất định để tương thích với quyền tự do ngôn luận. Cụ thể, theo quy định trong Dự thảo hiện nay thì dữ liệu cá nhân được xóa, hủy trong các trường hợp sau: 1) không đúng mục đích xử lý dữ liệu cá nhân đã đăng ký hoặc thông báo với chủ thể dữ liệu; 2) việc duy trì lưu trữ dữ liệu cá nhân không còn cần thiết với hoạt động của bên xử lý dữ liệu cá nhân; 3) sau hai mươi năm sau khi chủ thể dữ liệu chết, trừ khi chủ thể dữ liệu có quyết định khác[23].

Tuy vậy, việc quy định những trường hợp dữ liệu cá nhân được xóa được thực hiện theo hướng liệt kê, có ý nghĩa giới hạn những trường hợp dữ liệu cá nhân được xóa. Có thể thấy các trường hợp dữ liệu cá nhân được xóa, hủy theo quy định trong Dự thảo hiện nay là khá hạn chế khi so sánh với quy định EU. Do vậy, thiết nghĩ nhà lập pháp Việt Nam nên tham khảo quy định của EU nói riêng và các quốc gia khác nói chung về những trường hợp dữ liệu được xóa để có thể mở rộng hơn quyền được lãng quên. Ví dụ như có thể bổ sung thêm trường hợp xóa dữ liệu trong trường hợp chủ thể dữ liệu rút lại sự đồng ý như trong quy định của EU[24]. Lưu ý rằng thật ra Dự thảo cũng đã có quy định đề cập đến sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đối với dữ liệu cá nhân, cụ thể chủ thể dữ liệu có quyền rút lại sự đồng ý bất cứ lúc nào[25]. Tuy nhiên, việc không đưa trường hợp xóa dữ liệu khi chủ thể dữ liệu rút lại sự đồng ý trong các trường hợp được xóa, hủy dữ liệu được liệt kê tại Điều 16 Dự thảo có thể sẽ tạo ra nhiều quan điểm khác nhau khi áp dụng quy định này trên thực tế[26].

- Hai là, quy định rõ cấp độ bảo vệ quyền được lãng quên theo phân loại dữ liệu cá nhân. Theo chúng tôi, để đảm bảo sự cần bằng giữa quyền được lãng quên và quyền tự do ngôn luận thì cần quy định căn cứ xem xét chấp nhận yêu cầu hủy, xóa dữ liệu cá nhân phụ thuộc vào bản chất của dữ liệu cá nhân. Hiện nay, Dự thảo 2 cũng đã có quy định phân loại dữ liệu cá nhân[27] nhưng khi quy định về việc xóa, hủy dữ liệu cá nhân thì chưa có sự phân biệt giữa hai loại dữ liệu này. Do đó, việc bổ sung quy định về cấp độ đảm bảo quyền được lãng quên theo phân loại dữ liệu cá nhân là rất cần thiết. Ví dụ như có thể phân loại dữ liệu cá nhân thành dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu tội phạm và dữ liệu liên quan đến sự riêng tư mà không nhạy cảm. Tương ứng với từng loại dữ liệu cá nhân khác nhau mà quy định cấp độ bảo vệ khác nhau[28].

- Ba là, nên quy định cụ thể về những yếu tố cần xem xét khi giải quyết yêu cầu hủy, xóa dữ liệu cá nhân. Nguyên tắc cơ bản có thể đảm bảo cân bằng giữa hai quyền được lãng quên và tự do ngôn luận là sự hạn chế hai quyền này phải được thực hiện một cách công bằng và tương xứng mà không thiên vị cái này hơn cái kia. Do đó, khi xem xét yêu cầu hủy, xóa dữ liệu cá nhân thì cần cân nhắc thận trọng các yếu tố như thông tin liên quan yêu cầu xóa, hủy có tính chất riêng tư không và có xứng đáng được bảo vệ hay không; thông tin liên quan có phục vụ lợi ích chung không; thông tin được đề cập có liên quan đến nhân vật của công chúng không… để từ đó có thể xác định quyền nào được ưu tiên trong trường hợp đó.

4. Kết luận

Tóm lại, ngày nay với sự phát triển của internet, vấn đề bảo vệ quyền riêng tư đã trở lại với tính thời sự hơn đó là quyền được lãng quên trong môi trường kỹ thuật số. Đây là khái niệm được nhắc đến khá lâu trên thế giới nhưng vẫn còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Do đó, việc ban hành Dự thảo về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã thể hiện sự nỗ lực của các nhà lập pháp Việt Nam trong việc pháp điển hóa quyền được lãng quên của cá nhân nhằm hạn chế những cuộc tấn công đến quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng. Vấn đề đặt ra là nếu quyền được lãng quên được ghi nhận, các nhà làm luật nên xây dựng quyền này như thế nào? Liên minh Châu Âu, với tư cách một trong những khu vực đi đầu và có lập trường rõ ràng trong việc bảo vệ quyền được lãng quên, đã ủng hộ quyền được lãng quên và đề cao quyền riêng tư cá nhân nhưng cũng đồng thời xác định đây không phải là một quyền tuyệt đối. Nói cách khác sự ghi nhận quyền được lãng quên được xem xét cẩn thận dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng đối với các quyền khác. Tòa án công lý Liên minh Châu Âu trong các phán quyết của mình cũng cho rằng quyền được lãng quên không thể tồn tại nếu không cân bằng lợi ích với các quyền khác. Điều này có nghĩa là cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa quyền được lãng quên với sự quan tâm của xã hội đối với các sự kiện cụ thể, thay đổi theo từng trường hợp nếu như quyền này được ghi nhận. Đây có thể được xem là một trong những vấn đề cần lưu tâm trong quá trình xây dựng và hoàn thiện quy định liên quan đến quyền được lãng quên trên không gian mạng hiện nay.

 


[1] Cour européenne des droits de l’homme, Handyside c. Royaume-Uni, Appl. no. 5493/72, page 49, 7 décembre 1976.

[2] Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948.

[3] Điều 19 Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị.

[4] Điều 10 Công ước Châu Âu về quyền con người.

[5] Comité des droits de l'homme, Observation générale No.34, CCPR/C/GC/34, adoptée le 12 septembre 2011, par. 12.

[6] Marie Ranquet, Le droit à l’oubli : vers un nouveau droit fondamental de l’individu ? Revue Communications 2019/1 (n° 104), trang 149-159, https://www.cairn.info/revue-communications-2019-1-page-149.htm, truy cập ngày 24/5/2023.

[7] Michael J. Kelly, David Satola (2017), The right to be forgotten, University of Illinois, Law Review, no.1, trang 1-64.

[8] Điều 17 Quy định bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu 2016/679.

[9] E. DEFREYNE (2013), Le droit à l’oubli et les archives journalistiques, R.D.T.I, trang 3.

[10] C.  DE  TERWANGNE (2016),  Droit  à  l’oubli,  droit  à  l’effacement  ou  droit  au  déréférencement ?  Quand  le législateur et le juge européens dessinent les contours du droit à l’oubli numérique, in Enjeux européens et mondiaux de la protection des données personnelles (sous la dir. de A. GROSJEAN), Bruxelles, Larcier, trang 246.

[11] Huỳnh Thị Nam Hải – Huỳnh Thị Minh Hải (2023), Quy định của một số quốc gia về quyền được lãng quên trên không gian mạng và kinh nghiệm cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kỷ nguyên số : những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, 28/3/2023, trang 350-363.

[12] Nguyễn Thị Hồng Yến – Đào Thị Khánh Linh – Trần Như Ý – Lê Thị Bích Ngọc (2022), Quyền được lãng quên ở một số quốc gia và kiến nghị chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (465), tháng 9/2022.

[13] Năm 1995, Liên minh Châu Âu đã thông qua Chỉ thị 95/46 / EC quy định về việc bảo vệ cá nhân liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân và di chuyển tự do dữ liệu. Chỉ thị bảo vệ dữ liệu 1995 đã hình thành nên cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo việc chuyển dữ liệu cá nhân an toàn và tự do qua biên giới của các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (Điều 1.1 Chỉ thị 95/46 / EC, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/FR/TXT/?uri=celex%3A31995L0046, truy cập ngày 02/3/2023).

[14] Tòa án công lý châu Âu lúc đó đã đưa ra phán quyết buộc Google xóa các kết quả tìm kiếm có liên quan đến quá khứ bị thu giữ tài sản thế chấp của Ông Mario Costeja Gonzalez được đăng trên tờ báo điện tử La Vanguardia năm 1998. Sau khi phát quyết này có hiệu lực, Google đã nhận được 12.000 yêu cầu xóa bỏ những thông tin cá nhân khỏi hệ thống tìm kiếm (Xem: Định nghĩa “Quyền được lãng quên” trên Internet, https://vtv.vn/cong-nghe/dinh-nghia-quyen-duoc-lang-quen-tren-internet-20160313174414948.htm, truy cập ngày 02/3/2023.

[15] Arrêt de la Cour (grande chambre) du 13 mai 2014, Google Spain SL et Google Inc. contre Agencia Española de Protección de Datos (AEPD) et Mario Costeja González, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/FR/TXT/?uri=CELEX%3A62012CJ0131, truy cập ngày 25/5/2023.

[16] Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (Règlement général sur la protection des données, được viết tắc là GDPR), https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:32016R0679&from=EN, truy cập ngày 02/3/2023).

[17] Droit à l’oubli numérique : définition et fonctionnement, https://www.theneoshields.eu/droit-a-loubli-numerique-definition-fonctionnement/, truy cập ngày 02/3/2023.

[18] Huỳnh Thị Nam Hải – Huỳnh Thị Minh Hải (2023), Quy định của một số quốc gia về quyền được lãng quên trên không gian mạng và kinh nghiệm cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kỷ nguyên số : những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, 28/3/2023, trang 350-363.

[19] Clara MARTOT, Droit à l’oubli : Définition juridique et spécificités, publié le 19/05/2021, https://www.litige.fr/definitions/droit-a-l-oubli, truy cập ngày 03/3/2023.

[20] Ủy ban Quốc gia Pháp về thông tin và quyền tự do (La Commission nationale de l'informatique et des libertés).

[21] Arrêt de la Cour (grande chambre) du 24 septembre 2019, Google LLC contre Commission nationale de l'informatique et des libertés (CNIL), https://eur-lex.europa.eu/legal-content/fr/ALL/?uri=CELEX:62017CJ0507, truy cập ngày 24/5/2023 ; - Bạch Thị Nhã Nam (2020), Quyền được lãng quên từ thực tiễn phán quyết trong phạm vi Liên minh Châu Âu, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (424), tháng 12/2020.

[22] Nguyễn Thị Hồng Yến – Đào Thị Khánh Linh – Trần Như Ý – Lê Thị Bích Ngọc (2022), Quyền được lãng quên ở một số quốc gia và kiến nghị chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (465), tháng 9/2022.

[23] Điều 16 Dự thào 2 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

[24] Khoản 1, Điều 17 Quy định 2016/679 quy định rẳng dữ liệu cá nhân chỉ được xóa khi: 1) dữ liệu không còn cần thiết cho các mục đích mà chúng được thu thập hoặc xử lý ban đầu; 2) chủ thể dữ liệu rút lại sự đồng ý; 3) chủ thể dữ liệu phản đối việc xử lý; 4) dữ liệu có thể bị xử lý bất hợp pháp; 5) dữ liệu phải được xóa để tuân thủ nghĩa vụ pháp lý (Xem : Le règlement général sur la protection des données – RGPD, https://www.cnil.fr/fr/reglement-europeen-protection-donnees, truy cập ngày 08/3/2023).

[25] Khoản 7, Điều 8 Dự thảo 2 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

[26] Huỳnh Thị Nam Hải – Huỳnh Thị Minh Hải (2023), Quy định của một số quốc gia về quyền được lãng quên trên không gian mạng và kinh nghiệm cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kỷ nguyên số : những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, 28/3/2023, trang 350-363.

[27] Điều 2 Dự thảo 2 quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

[28] Valentin Hamon-Beugin, Quatre questions sur le droit à l'oubli, https://www.lefigaro.fr/secteur/high-tech/quatre-questions-sur-le-droit-a-l-oubli-20200817, truy cập ngày 08/3/2023.

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Trường Đại học Kinh tế - Luật – ĐHQG TP.HCM) ThS. HUỲNH THỊ MINH HẢI (Trường Đại học Công nghệ thông tin – ĐHQG TP.HCM)