Quyền khởi kiện tranh chấp tài sản chung của dòng họ thuộc về ai?
TANDTC đã ban hành tới Dự thảo 3 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ. Qua công tác thực tiễn tại địa phương, tác giả trao đổi cùng các đồng nghiệp, độc giả một số nội dung trong Dự thảo này.
Tranh chấp phổ biến nhưng chưa có hướng dẫn
Quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm hại được quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 như sau: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Để các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền này của mình hoặc quy định về quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước đã được quy định rất rõ trong BLTTDS và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn quan hệ pháp luật dân sự đó là “quyền khởi kiện tranh chấp tài sản chung của dòng họ”, một loại tranh chấp rất phổ biến trong đời sống hiện nay nhưng lại chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong giải quyết, xét xử. Thực tiễn đối với loại tranh chấp này còn tồn và đọng rất nhiều tại các cơ quan Tòa án các cấp.
TANDTC đã ban hành tới Dự thảo 3 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ (sau đây viết tắt là Dự thảo 3). Qua công tác thực tiễn tại địa phương; đọc nghiên cứu Dự thảo 3, tác giả xin được trao đổi cùng các đồng nghiệp, độc giả một số nội dung trong Dự thảo này.
Thứ nhất: Về quyền khởi kiện tranh chấp về tài sản chung của dòng họ, dự thảo đưa ra 03 phương án là:
Phương án 1: Mỗi cá nhân thành viên của dòng họ có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ.
Phương án 2: Trưởng họ có quyền đại diện cho dòng họ khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ.
Phương án 3: Tất cả thành viên của dòng họ có quyền ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ.
Đồng tình phương án 2
Tôi đồng tình với phương án 2: Trưởng họ có quyền đại diện cho dòng họ khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích của dòng họ. Tuy nhiên cần xây dựng hướng dẫn theo hướng như sau:
Trưởng họ hoặc người được dòng họ ủy quyền có quyền đại diện cho dòng họ khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích của dòng họ. Khi nộp đơn khởi kiện cần nộp kèm theo Biên bản họp dòng họ có đại diện các chi, các nhánh, … trong họ ký xác nhận với 02 nội dung xác định: Dòng họ ủy quyền cho trưởng họ (không có trưởng họ thì người đại diện theo ủy quyền) khởi kiện và đại diện cho dòng họ thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.
Việc hướng dẫn và quy định như vậy, xuất phát từ thực tiễn giải quyết các loại án dân sự liên quan đến tranh chấp tài sản chung, đặc biệt là quyền sử dụng đất (tài sản chung) của dòng họ thì thủ tục tố tụng rất chặt chẽ đối với việc khởi kiện. Có dòng họ đang có trưởng họ theo quy định của dòng tộc, có dòng họ đang khuyết trưởng họ do chưa bầu được trưởng họ hoặc trưởng họ mới chết, từ bỏ chức, do dòng họ thống nhất người đại diện dòng họ không phải là trưởng họ vì không tin tưởng… trong dòng họ. Quy định ngay trong hướng dẫn họ được quyền đại diện khi khởi kiện thì nộp kèm biên bản họp dòng họ có 02 nội dung như trên, tránh việc người dân kêu ca gây phiên hà về thủ tục.
Trong biên bản họp dòng họ chỉ cần có một người đại diện cho một chi, một nhánh ký xác nhận trong biên bản là được, bởi có những dòng họ rất lớn, đông anh, em con cháu, nhiều chi, nhiều nhánh; có người ở quê hương bản quán của dòng họ, có người ở Việt Nam nhưng ở các tỉnh, thành có khoảng cách địa lý rất xa hàng ngàn km, có người thậm chí ở nước ngoài nếu buộc tất cả con cháu (từ đủ 18 tuổi) trong dòng họ ký biên bản hoặc phải có văn bản ủy quyền là không thể nên về mặt thủ tục pháp lý chỉ cần đại diện là hoàn thiện về mặt thủ tục.
Thứ hai: Về nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.
Từ những phân tích ở quyền khởi kiện tranh chấp về tài sản chung của dòng họ thì cách xác định nguyên đơn khởi kiện cần phù hợp, nên phương án 2 tại Điều 2: Trưởng họ có quyền đại diện cho dòng họ khởi kiện yêu cầu của Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ thì dòng họ là nguyên đơn, trưởng họ là người đại diện của dòng họ. Cần bổ sung, chỉnh lý như sau: – Nguyên đơn trong tố tụng dân sự: Là dòng họ (Ví dụ: Người khởi kiện là: Dòng họ Đặng Văn ở Khoái Châu; Dòng họ Nguyễn Tất ở Yên Mỹ; Dòng họ Phạm Đình ở Tiên Lữ…).
Người đại diện cho dòng họ theo kiện là: Trưởng họ hoặc người được dòng họ ủy quyền theo biên bản họp dòng họ nộp kèm đơn khởi kiện.
Trưởng họ hoặc đại diện theo ủy quyền của dòng họ khởi kiện yêu cầu của Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ thì dòng họ là nguyên đơn, trưởng họ hoặc đại diện theo ủy quyền của dòng họ là người đại diện của dòng họ.
Thứ ba: Về bị đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.
Với nguyên tắc, cách xác định quyền khởi kiện, nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ như trên thì việc xác định bị đơn cũng cần có sự thống nhất, phù hợp với nhau. Nên cũng xác định theo phương án 2 của Dự thảo 3: Trưởng họ có quyền đại diện cho dòng họ tham gia tố tụng khi dòng họ là bị đơn. Cũng cần sửa đổi, chỉnh lý cho phù hợp như sau: Trưởng họ hoặc người đại diện theo ủy quyền của dòng họ là đại diện cho dòng họ tham gia tố tụng khi dòng họ là bị đơn.
Thứ tư: Xác định thành viên dòng họ trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ. Đồng tình với phương án 2 xác định thành viên dòng họ được xác định theo huyết thống hoặc phong tục, tập quán địa phương, bỏ cụm từ: tính từ thời điểm hình thành tài sản dòng họ có tranh chấp. Bởi trong thực tiễn tài sản dòng họ được hình thành qua rất nhiều nguồn khác nhau như: Tài sản của dòng họ do dòng tộc, cha ông, các thế hệ trước để lại; cũng có những tài sản do các thế hệ con cháu cùng nhau đóng góp gây dựng nên; cũng có những tài sản do các con, các cháu hiếu thảo với tổ tiên mà cung tiến vào làm tài sản chung của dòng họ… do vậy nếu xác định các thành viên của dòng họ được tính từ thời điểm hình thành tài sản không khả thi, có nhiều mâu thuẫn. Ví dụ: Dòng họ Nguyễn Văn ở Phù Cừ xác định được các cụ, ông, bà tính đến năm 2019 là 35 người trên 50 tuổi; năm 2017, cháu Nguyễn Văn A tặng vào nhà thờ dòng họ đôi lọ lộc bình nạm vàng trị giá 100 triệu đồng, nếu có tranh chấp tài sản dòng họ xảy ra vậy 35 người kia có được xác định là thành viên dòng họ không?
Trên đây là một số ý kiến, quan điểm trao đổi với các đồng nghiệp, bạn đọc đối với Dự thảo 3 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ. Rất mong nhận được sự trao đổi, thống nhất để ban soạn thảo sớm trình Hội đồng Thẩm phán ban hành làm căn cứ giải quyết vụ việc sớm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận