Rút ngắn thời gian giải quyết và nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc dân sự
Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các vụ, việc Hôn nhân gia đình, Dân sự, Kinh doanh thương mại… nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án dân sự trong thời gian tới, tác giả chia sẻ và đề xuất một số giải pháp cụ thể.
1.Tình hình giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án
Trong thời gian qua, từ thực tiễn tại đơn vị, chúng tôi thấy số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án ngày một gia tăng, đặc biệt là vụ việc dân sự nói chung, nộp đơn, khởi kiện đến Tòa án ngày càng nhiều, tính chất vụ việc phức tạp. Việc giải quyết án tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai có nhiều vụ kéo dài thời gian, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ chờ Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn trả lời, cung cấp tài liệu chứng cứ; án quá thời hạn chuẩn bị xét xử do lỗi của Thẩm phán vẫn còn; công tác phối hợp tổ chức thẩm định, định giá tài sản, còn chưa kịp thời, việc đo đạc xác định ranh giới, tứ cận còn có sai sót, không chính xác dẫn đến việc tuyên nội dung chưa chính xác, không đầy đủ; vẫn còn tình trạng Thẩm phán, Thư ký tinh thần trách nhiệm chưa cao, còn chủ quan trong việc giải quyết án, việc nắm bắt, vận dụng, áp dụng pháp luật chưa chính xác, không đầy đủ, dẫn đến bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan chiếm tỷ lệ còn cao, thời gian giải quyết vụ việc còn kéo dài, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Những tồn tại, hạn chế trong quá trình thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án dân sự trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Thanh Hóa xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất: Việc thu thập chứng cứ đối với án tranh chấp đặc biệt những vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong quá trình thu thập chứng cứ các đương sự không cung cấp, giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ nhưng đến phiên tòa các đương sự mới cung cấp nên dẫn đến việc giải quyết án kéo dài. Nhiều vụ án tại đơn vị khi ra phiên tòa các đương sự mới yêu cầu thẩm định, định giá tài sản, trưng cầu giám định, yêu cầu triệu tập người làm chứng… nên buộc Tòa án phải hoãn phiên tòa, tạm ngưng phiên tòa, tạm đình chỉ vụ án. Các đương sự không hợp tác trong việc thẩm định, định giá tài sản, không phối hợp với Tòa án trong quá trình giải quyết án kể cả nguyên đơn. Việc giải quyết các vụ án liên quan đến tranh chấp cần giám định của cơ quan chuyên môn, đặc biệt các loại án tranh chấp đất đai phụ thuộc nhiều vào các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nên Tòa án luôn trong thế bị động.
Thứ hai: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền trong thời kỳ trước đây không đúng với quy định của pháp luật như cấp sai đối tượng, đất được cấp không có ranh giới mốc giới cụ thể, có sơ đồ bản vẽ kèm theo nhưng không đúng với thực địa, diện tích cấp đất trên giấy chênh lệch khác xa so với thực tế, nhiều khi hợp thức để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số cơ quan liên quan chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật tố tụng, không thực hiện tốt nghĩa vụ của đơn vị khi Tòa án có yêu cầu phối hợp.
Thứ ba: Sự bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật, nhiều quy định của luật không rõ ràng, còn chung chung, cách hiểu và áp dụng pháp luật chưa đúng nên dẫn đến bản án bị hủy, bị cải sửa.
Thứ tư: Thẩm phán, Thư ký chưa đầu tư thời gian để tập trung trong công tác giải quyết án, làm việc thiếu tính khoa học, chưa chịu tập trung nghiên cứu các văn bản pháp luật, còn xem nhẹ thời hạn giải quyết án, chưa đổi mới phương pháp, cách thức hòa giải từng loại vụ việc nên tỷ lệ hòa giải thành chưa cao, việc thu thập, nghiên cứu đánh giá chứng cứ của vụ án trước khi đưa ra xét xử của một số Thẩm phán, Thư ký còn sơ sài chưa chính xác. Một số loại vụ việc đơn giản nhưng cách làm việc của Thẩm phán còn máy móc, kéo dài thời gian không cần thiết.
2. Một số giải pháp khắc phục
Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các vụ, việc Hôn nhân gia đình, Dân sự, Kinh doanh thương mại… nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án dân sự trong thời gian tới cá nhân tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất: Lãnh đạo Tòa án phải xem công tác giải quyết án dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra đối với các Thẩm phán, Thư ký được phân công giải quyết vụ án dân sự, nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Thư ký đối với từng vụ việc cụ thể. Thẩm phán giải quyết án phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn khác như Ủy ban nhân dân, cơ quan Tài nguyên và môi trường, cơ quan thẩm định, định giá, giám định… để thu thập được chứng cứ nhanh, có độ chính xác cao nhằm phục vụ cho việc giải quyết án. Thẩm phán phải thường xuyên đầu tư, nghiên cứu, trau dồi kiến thức, tiếp cận nắm bắt kịp thời các văn bản pháp luật, nghiên cứu kỹ lưỡng các vụ án trước khi đưa ra xét xử, phải lường trước các tình huống có thể xảy ra đối với từng vụ án.
Thứ hai: Lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên theo dõi đến tiến độ, chất lượng giải quyết từng vụ việc cụ thể của các Thẩm phán. Sau khi phân công án cho Thẩm phán, yêu cầu các Thẩm phán phải lập kế hoạch cụ thể đối với từng vụ án, trước khi đưa vụ án ra xét xử yêu cầu các Thẩm phán phải có báo cáo và trình bày những vướng mắc của vụ án để đưa ra tập thể Thẩm phán bàn bạc. Lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra và có giải pháp đối với các vụ án do các Thẩm phán thụ lý nhưng để lại quá lâu mà không giải quyết, tránh các trường hợp vụ án để kéo dài.
Thứ ba: Phải đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ công chức, khen thưởng, động viên kịp thời đối với các Thẩm phán, Thư ký làm được những vụ án phức tạp và phê bình thẳng thắn đối với các cán bộ công chức khi được giao công việc nhưng vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà không hoàn thành công việc được giao.
Thứ 4: Thẩm phán, Thư ký cần phải đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, cần phải xác định khâu hòa giải trong quá trình giải quyết án dân sự là cần thiết và quan trọng nên cần có phương pháp hòa giải đối với từng loại vụ việc để đạt hiệu quả hòa giải thành cao, đối với những vụ việc đơn giản có thể triệu tập đương sự đến tự khai, đồng thời tiến hành phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và phiên hòa giải. Như vậy vừa rút ngắn được thời gian giải quyết vừa tạo điều kiện cho các đương sự tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại khi đến Tòa án làm việc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc.
Thứ 5: Thẩm phán, Thư ký phải thường xuyên cập nhật các báo cáo tổng kết rút kinh nghiệm giải quyết án của Tòa án nhân dân tỉnh, tham khảo các án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TANDCC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, trên cơ sở đó xem lại các sai sót của mình và của các đơn vị khác để làm bài học kinh nghiệm cho mình trong quá trình giải quyết án.
Quá trình giải quyết các vụ việc dân sự nói chung trong thời gian qua cá nhân tôi đã áp dụng một số giải pháp nêu trên vì vậy kết quả thu được trong quá trình giải quyết các loại án đều vượt chỉ tiêu của ngành và Quốc hội đề ra kể cả số lượng và chất lượng đồng thời tạo niềm tin của nhân dân đối với ngành Tòa án. Tôi tin tưởng các giải pháp này nếu được các đơn vị áp dụng, thực hiện một cách đồng bộ, duy trì thường xuyên, thì tỷ lệ giải quyết các vụ án dân sự và chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự sẽ được nâng lên đáng kể, số lượng án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán sẽ hạn chế mức thấp nhất góp phần giúp cho Tòa án hai cấp của tỉnh Thanh Hóa nói riêng các Tòa án địa phương trên toàn quốc hoàn thành và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội và TANDTC đề ra.
Qua Tạp chí, chúng tôi rất mong được đọc những bài chia sẻ kinh nghiệm giải quyết án của quý đồng nghiệp gần xa.
TAND Tp Thanh Hóa xét xử phiên tòa trực tuyến - Ảnh: Thành Phan
Bài liên quan
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự: Giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án
-
Thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án - Bất cập và một số kiến nghị
-
Bàn về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận