Số tiền 136.000.000 đồng không phải là vật chứng của vụ án

Sau khi nghiên cứu nội dung bài viết “Tiền bồi thường có thể được coi là vật chứng của vụ án không?” của hai tác giả Hồng Ngát và Ngọc Mai đăng ngày 10/12/2021, tôi cho rằng số tiền đó không phải là vật chứng.

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 89 BLTTHS năm 2015, vật chứng được hiểu là “vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Theo quy định này, thì tiền thu được trong các vụ án hình sự có thể là vật chứng trong các trường hợp là “phương tiện phạm tội”; “đối tượng của tội phạm” hay là “tiền có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”.

Trường hợp thứ nhất, tiền là “phương tiện phạm tội”. Có thể xuất hiện trong các trường hợp tiền dùng để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn trong tội “đưa hối lộ”, tiền dùng để đánh bạc trong các tội “đánh bạc”, “tổ chức đánh bạc, gá bạc”…

Trường hợp thứ hai, tiền là “đối tượng của tội phạm”, đó là trường hợp  tiền của người khác bị người phạm tội chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép trong các vụ “trộm cắp tài sản”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…, khi đó tiền được xác định là đối tượng của tội phạm.

Trường hợp thứ ba, nếu tiền dùng để in ấn tài liệu phản động, hay dùng để mua ma túy thì số tiền đó được coi là tiền có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.

Thứ hai, tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS có quy định tình tiết “Người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đây là trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng người phạm tội đã nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm.

Trở lại nội dung vụ án, “Trong khoảng thời gian từ tháng 02/2017 đến tháng 11/2018, bị can Trần Thanh B, Vũ Văn T và Giang Đình Q đã nhiều lần làm giả hồ sơ để trực tiếp hoặc nhờ người khác vay tiền của Ngân hàng MB và Ngân hàng VPBank, sau đó chiếm đoạt của các ngân hàng. Cụ thể: Trần Thanh B chiếm đoạt 790.000.000 đồng, Vũ Văn T chiếm đoạt 58.000.000 đồng, Giang Đình Q chiếm đoạt 136.000.000 đồng. Trong quá trình điều tra, Giang Đình Q được gia đình nộp số tiền 136.000.000 đồng cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.”

Như vậy có thể xác định: Giang Đình Q đã tác động và được gia đình nộp số tiền 136.000.000 đồng cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả không phải là“phương tiện phạm tội”, cũng không phải là “đối tượng của tội phạm” và số tiền trên cũng không “có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”. Do đó, số tiền 136.000.000 đồng mà Giang Đình Q đã tác động và được gia đình nộp cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả không phải là vật chứng của vụ án trên. Số tiền trên sẽ được Tòa án C ghi nhận và được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của Giang Đình Q.

Tác giả Huỳnh Phan Châu Thành (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7) cùng quan điểm nêu trên.

DƯƠNG VĂN HƯNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)