Xử lý vật chứng là tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng sử dụng vào việc phạm tội

Bài viết phân tích quy định của pháp luật, thực tiễn xét xử, các quan điểm về xử lý vật chứng trong trường hợp bị cáo dùng tài sản chung của vợ chồng làm công cụ, phương tiện phạm tội và đề xuất, kiến nghị.

1. Quy định của pháp luật

Quy định về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định tại Điều 47 thuộc Chương VII các biện pháp tư pháp của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS). Do đó, có thể hiểu tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là biện pháp tư pháp được cơ quan có thẩm quyền tư pháp hình sự quyết định áp dụng đối với người phạm tội để hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt (nếu được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt), góp phần phòng ngừa người đó tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội mới[1].

Theo đó, Điều 47 BLHS quy định về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm như sau:

“1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.”

Theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS), thì: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 106 BLTTHS quy định như sau:

“2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Qua quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS cho thấy đối với công cụ, phương tiện được dùng vào việc phạm tội thì bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy. Tuy nhiên, các quy định này không nêu rõ các công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm dưới hình thức lỗi nào sẽ bị tịch thu (lỗi cố ý hay lỗi vô ý). Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng[2], việc tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội chỉ đặt ra đối với trường hợp người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm do lỗi cố ý, đối với các công cụ, phương tiện được sử dụng để thực hiện tội phạm do lỗi vô ý thì không bị tịch thu.

Tương tự, quy định tại khoản 3 Điều 47 BLHS cũng không nêu rõ hình thức lỗi (lỗi cố ý hay lỗi vô ý) của người chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp tài sản trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản vào việc phạm tội. Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng[3], trong trường hợp này cần phân biệt hai trường hợp: (1) Nếu người chủ tài sản có lỗi cố ý để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình để thực hiện tội phạm thì ngoài việc vật, tiền đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà bản thân người chủ tài sản đó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò người đồng phạm giúp sức; (2) Nếu người chủ tài sản có lỗi vô ý để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình cho việc thực hiện tội phạm thì việc xem xét có tịch thu hay không tịch thu vật, tiền đó sung vào ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tùy nghi quyết định, căn cứ trách nhiệm quản lý tài sản được quy định đối với chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản và các tình tiết khác có liên quan. Tác giả cho rằng, trường hợp thứ hai nêu trên ngoài căn cứ vào trách nhiệm quản lý tài sản được quy định đối với chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản, thì cần xem xét thêm đến mức độ lỗi của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản và tính chất nguy hiểm của tội phạm do người phạm tội gây ra để làm căn cứ cho việc quyết định tịch thu.

2. Thực tiễn xét xử

- Vụ án thứ nhất:[4] Vào ngày 03/5/2020, bị cáo Võ Văn T sử dụng chiếc xe ô tô tải biển số biển số 47C-186.24 là tài sản chung của bị cáo T và vợ bị cáo là bà Hoàng Thị S để chở thuê thuốc lá điếu nhập lậu cho người không xác định được nhân thân, lai lịch nhằm hưởng lợi số tiền 2.000.000 đồng. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, khi bị cáo T điều khiển xe đến khu vực gần Trạm thu phí Đ thuộc huyện C, tỉnh G thì bị bắt quả tang cùng với tang vật.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2020/HS-ST ngày 07/12/2020 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh G đã xác định chiếc xe ô tô tải này là tài sản chung của vợ chồng bị cáo T và bà S, nhưng cho rằng đây là nguồn sống chính của gia đình bị cáo T nên đã tuyên trả lại chiếc xe ô tô tải biển số 47C-186.24 cho bà S.

Tại Quyết định kháng nghị số 06/QĐ-VC2 ngày 30/12/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại Đ đã cho rằng theo Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 039964 cấp ngày 05/4/2018, Giấy chứng nhận đăng ký ngày 05/4/2004 và Hợp đồng thuê xe ô tô lập ngày 07/5/2018 cho thấy có đủ căn cứ khẳng định chiếc xe ô tô nêu trên là tài sản chung của vợ chồng bị cáo T hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Bị cáo T và bà S đều khai đây là tài sản riêng của bà S vay vốn ngân hàng mua vào năm 2018 nhưng không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Bản án sơ thẩm nhận định đây là tài sản chung của vợ chồng bị cáo T là đúng. Tuy nhiên, nhận định đây là nguồn sống chính của gia đình bị cáo T nên trả lại xe ô tô và các giấy tờ kèm theo cho bà S là không có căn cứ. Vì đây là vật chứng của vụ án nên cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS tịch thu 1/2 giá trị xe ô tô là phương tiện phạm tội.

Tại mục [5] của Bản án hình sự phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đ đã nhận định: Chiếc xe ô tô tải biển số 47C-186.24 là tài sản chung của vợ chồng bị cáo T và bà S đứng tên chủ sở hữu. Chiếc xe này bị cáo T và bà S cùng ký hợp đồng cho anh Trần Văn H thuê, khi bị cáo T mượn lại xe ô tô từ anh H để thực hiện hành vi vận chuyển thuốc lá điếu thì bà S không biết. Bà S có đơn cho rằng chiếc xe là tài sản lớn và là phương tiện làm ăn nuôi sống gia đình bà S, nên bà S đề nghị TAND tỉnh G trả lại cho bà S. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà S là không có căn cứ. Bởi vì, bị cáo T đã dùng chiếc xe ô tô tải là tài sản chung của vợ chồng để vận chuyển thuốc lá thuê với số lượng lớn đã phạm vào tội “Vận chuyển hàng cấm”, nên chiếc xe ô tô là vật chứng của vụ án. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS quy định vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Do đó, kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đ là có căn cứ, cần chấp nhận, tịch thu chiếc xe ô tô để bán đấu giá sung công quỹ nhà nước 1/2 chiếc xe, trả lại cho bà S 1/2 giá trị chiếc xe ô tô nêu trên.

- Vụ án thứ hai:[5] Vào ngày 27/02/2020, bị cáo Võ Văn L sử dụng chiếc xe ô tô biển số 51A-***09 là tài sản chung của bị cáo L và vợ bị cáo là bà Lê Thị T1 để chở thuê thuốc lá điếu nhập lậu cho người không xác định được nhân thân, lai lịch nhằm hưởng lợi số tiền 4.000.000 đồng. Đến khoảng 23 giờ ngày 28/02/2020, khi bị cáo L điều khiển xe trên đường ĐT 830 thuộc ấp 4, xã A2, huyện B, tỉnh L thì bị bắt quả tang cùng với tang vật.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 114/2020/HS-ST ngày 25/11/2020 của TAND huyện B, tỉnh L đã xác định chiếc xe ô tô này là tài sản chung của vợ chồng bị cáo L và bà T1 nhưng bị cáo T đã sử dụng tài sản này làm phương tiện thực hiện hành vi phạm tội và đã tuyên tịch thu chiếc xe ô tô sung công quỹ nhà nước.

Ngày 21/12/2020, Viện trưởng VKSND tỉnh L đã có quyết định kháng nghị đã cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xác định chiếc xe ô tô là tài sản chung của vợ chồng bị cáo L và bà T1. Việc bị cáo L dùng tài sản này làm phương tiện thực hiện hành vi phạm tội thì bà T1 không biết, nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu toàn bộ chiếc xe ô tô là xâm phạm và gây thiệt hại đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của bà T1. Do đó, áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm về xử lý vật chứng, tịch thu sung công quỹ nhà nước 1/2 giá trị xe ô tô.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 67/2021/HS-ST ngày 09/6/2021 của TAND tỉnh L đã nhận định: Bị cáo L sử dụng tài sản là chiếc xe ô tô biển số 51A-***09 để chở thuốc lá nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là phương tiện bị cáo dùng để phạm tội là có căn cứ. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm nhận định tài sản trên là do vợ chồng bị cáo T và bà T1 mua của Đặng Lê Đăng K vào năm 2019 chưa đăng ký sang tên nhưng đã làm thủ tục công chứng ủy quyền cho bị cáo L đứng tên sử dụng, mục đích chở khách và hàng thuê, nhưng lại tịch thu sung ngân sách nhà nước toàn bộ chiếc xe là không có căn cứ. Bởi lẽ, tài sản là chiếc xe nêu trên là tài sản chung của bị cáo L và bà T1, bà T1 không biết bị cáo L sử dụng vào việc chở thuốc lá ngoại nhập lậu nên cơ quan điều tra không xử lý bà T1. Căn cứ vào Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình thì chiếc xe ô tô là tài sản chung nên bị cáo L và bà T1 đều có quyền sở hữu ngang nhau về giá trị tài sản. Trong vụ án này, bị cáo L dùng chiếc xe để làm phương tiện dùng vào mục đích vận chuyển hàng cấm là vi phạm pháp luật, bà T1 không biết, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu toàn bộ chiếc xe sung công quỹ nhà nước là xâm phạm, gây thiệt hại đến quyền lợi của bà T1. Do đó, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh L, tịch thu 1/2 giá trị chiếc xe ô tô là có căn cứ.

Qua thực tiễn xét xử thông qua các vụ án điển hình nêu trên cho thấy, cùng một tình huống tương tự nhau nhưng có Tòa án tuyên trả lại toàn bộ, có Tòa án tuyên tịch thu toàn bộ, có Tòa án tuyên tịch thu 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng mà một bên sử dụng để phạm tội. Tuy nhiên, điểm chung là các Tòa án cấp phúc thẩm đều có sự thống nhất về quan điểm giải quyết là tịch thu 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng mà một bên sử dụng để phạm tội.

3. Quan điểm, bình luận và đề xuất, kiến nghị

Quan điểm thứ nhất cho rằng[6], trường hợp đã xác định bị cáo dùng tài sản chung của vợ chồng làm công cụ, phương tiện phạm tội, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS thì phải tịch thu toàn bộ công cụ, phương tiện phạm tội đó mà không phụ thuộc vào việc người vợ hoặc chồng của bị cáo có lỗi hay không trong việc để cho bị cáo sử dụng tài sản chung đó làm công cụ, phương tiện phạm tội. Nếu người vợ hoặc chồng của bị cáo có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc yêu cầu bồi thường một phần giá trị của tài sản chung mà bị cáo dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Quan điểm thứ hai cho rằng[7], việc xử lý đối với phương tiện, công cụ phạm tội trong trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 BLHS năm 2015, thì: “Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu. Do vậy, trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ hoặc chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; nếu xác định vợ hoặc chồng không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như không biết việc chồng hoặc vợ sử dụng vào việc phạm tội) thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng.

Tác giả cho rằng, dường như quan điểm thứ nhất chỉ chú trọng đến quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS mà chưa xem xét đến quy định tại khoản 3 Điều 47 BLHS, nên đã cho rằng phải tịch thu toàn bộ công cụ, phương tiện phạm tội đó không phụ thuộc vào việc người vợ hoặc chồng của bị cáo có lỗi hay không trong việc để cho bị cáo sử dụng tài sản chung đó làm công cụ, phương tiện phạm tội”. Còn quan điểm thứ hai đã có sự xem xét đến quy định tại khoản 3 Điều 47 BLHS nên việc tịch thu hay không tịch thu phải dựa vào việc người vợ hoặc chồng “có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm” hay không. Tuy quan điểm thứ hai không nêu cụ thể là lỗi cố ý hay lỗi vô ý, nhưng thông qua việc giải thích (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép)” cho thấy đây là lỗi cố ý và “(như không biết việc chồng hoặc vợ sử dụng vào việc phạm tội)” cho thấy đây là lỗi vô ý. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm nếu người chủ tài sản có lỗi cố ý để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình để thực hiện tội phạm thì ngoài việc vật, tiền đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà bản thân người chủ tài sản đó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò người đồng phạm giúp sức.

Có lẽ do quy định của Điều 47 BLHS và Điều 106 BLTTHS chưa quy định rõ về hình thức lỗi cố ý hay vô ý nên dẫn đến thực tiễn xét xử đã có các phán quyết khác nhau trong việc xử lý vật chứng là tài sản chung của vợ chồng mà một bên dùng vào việc phạm tội. Do đó, trong thời gian tới Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có văn bản giải thích quy định tại khoản 3 Điều 47 BLHS và TANDTC cần sớm có văn bản giải đáp để các Tòa án địa phương thống nhất về đường lối giải quyết đối với trường hợp nêu trên. Thiết nghĩ, trong thời gian tới cần xem xét phát triển bản án xét xử phù hợp với tinh thần quy định của Điều 47 BLHS và Điều 106 BLTTHS thành án lệ để các Tòa án trong cả nước áp dụng thống nhất.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi của các quý độc giả và đồng nghiệp.

 

*ThS. Toà án nhân dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

Bình Dương, bắt quả tang đối tượng dùng ô tô vận chuyển cung cấp thuốc lá lậu Ảnh: TL

[1] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Văn Cảm - Chủ biên (2021), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 394 - 395.

[2] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Văn Cảm - Chủ biên (2021), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 395; Nguyễn Ngọc Hòa (2017), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần chung), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 237.

[3] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Văn Cảm - Chủ biên (2021), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 397; Nguyễn Ngọc Hòa (2017), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần chung), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 238.

[4] Nguồn: Nhật Minh, “Về xử lý vật chứng là phương tiện phạm tội thuộc sở hữu chung của nhiều chủ thể”, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND284217

[5] Nguồn: Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta712981t1cvn/chi-tiet-ban-an

[6] Theo kết quả giải đáp trực tuyến về vướng mắc trong công tác xét xử ngày 24/4/2023 của Toà án nhân dân tối cao (Đây là câu hỏi thứ ba trong buổi giải đáp trực tuyến do Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng hỏi và đồng chí thành viên của Hội đồng Thẩm phán được phân công đã giải đáp nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản giải đáp gửi về các Toà án địa phương).

[7] Tại tiểu mục 1.2, Mục 1, Phần I Công văn số 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc “Giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS, THTG và THAHS”.

PHAN THÀNH NHÂN*