Sự tham dự của điều tra viên tại phiên tòa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích những khó khăn, bất cập trong quy định của pháp luật về sự tham dự của điều tra viên tại phiên tòa, từ đó, kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

1. Quy định của pháp luật về sự tham dự của điều tra viên tại phiên tòa và những khó khăn, bất cập 

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không có những quy định liên quan đến việc điều tra viên có mặt tại phiên tòa. Tuy vậy, thực tế cho thấy vẫn có trường hợp điều tra viên được Tòa án triệu tập đến khi phát sinh một số vấn đề, điển hình là bị cáo phản cung, cho rằng bị điều tra viên bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Do không có cơ sở pháp lý nên việc Tòa án triệu tập điều tra viên gặp khó khăn, nhất là về tư cách tham gia tố tụng của điều tra viên và quyền, nghĩa vụ của họ khi tham dự phiên tòa.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn hiện hành đã quy định việc tham dự của điều tra viên tại phiên tòa trong những trường hợp cần thiết. Quy định của pháp luật và quá trình triển khai thực hiện các quy định này đã nảy sinh những vấn đề sau: 

Một là, về việc triệu tập điều tra viên

Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án”. 

Theo quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chỉ có Hội đồng xét xử mới có quyền triệu tập điều tra viên đến phiên tòa, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không có quyền này. Do vậy, nếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán xét thấy cần sự có mặt của điều tra viên tại phiên tòa thì thẩm phán không có quyền triệu tập điều tra viên. Việc triệu tập phải đợi đến quá trình xét xử tại phiên tòa, khi Hội đồng xét xử thảo luận, thống nhất ý kiến thì mới được triệu tập điều tra viên đến phiên tòa. 

Hiện nay, do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nên việc xác định như thế nào là “xét thấy cần thiết” đang có nhiều quan điểm khác nhau, tùy thuộc vào nhận định chủ quan của Hội đồng xét xử ở các Tòa án thụ lý vụ án. Hội đồng xét xử triệu tập điều tra viên khi xét thấy cần họ có mặt tại phiên tòa để trình bày các vấn đề có liên quan đến vụ án hoặc theo yêu cầu của luật sư hay người tham gia tố tụng và Hội đồng xét xử nhận thấy các yêu cầu đó là có căn cứ. 

Thực tế xét xử tại các Tòa án, Hội đồng xét xử thường triệu tập điều tra viên đến phiên tòa trong các trường hợp sau: 

- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án, bị cáo có đơn khiếu nại, tố cáo phản ánh trong quá trình điều tra vụ án, điều tra viên đã bắt buộc bị can phải ký khống các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, sau đó, điều tra viên tự điền nội dung vào các biên bản trên. Từ đó, bị cáo cho rằng, lời khai không phản ánh sự thật khách quan của vụ án. Vấn đề này vẫn chưa được làm rõ cho đến giai đoạn xét xử tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử quyết định triệu tập điều tra viên để trình bày ý kiến. 

- Trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo phủ nhận lời khai nhận tội tại cơ quan điều tra. Bị cáo có khiếu nại và tố cáo cho rằng, điều tra viên đã có hành vi bức cung, mớm cung, dùng nhục hình buộc bị cáo phải khai theo ý muốn chủ quan của điều tra viên; các nội dung được ghi nhận trong các biên bản hỏi cung bị can không khách quan, không đúng sự thật của vụ án. Trong phần xét hỏi, Hội đồng xét xử không có cơ sở để xác minh lời khai của bị cáo, cần triệu tập điều tra viên để làm rõ. 

- Tại phiên tòa, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị cáo; người làm chứng, người bị hại và người liên quan có ý kiến cho rằng nội dung bản kết luận điều tra vụ án của cơ quan điều tra là không có căn cứ, không khách quan, không đúng với bản chất vụ việc và tố cáo điều tra viên có những hành vi tố tụng trái pháp luật như: Giả mạo tài liệu, chứng cứ; tạo ra các tài liệu, chứng cứ không có thật… dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án, ảnh hưởng đến quyền của bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác. Do vậy, những người tham gia tố tụng này đã đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ nội dung tố cáo. 

- Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử nhận thấy điều tra viên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng (phổ biến là: Chứng cứ để chứng minh đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt dẫn đến sai lệch hồ sơ vụ án; có căn cứ để xác định có việc bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật; xử lý vật chứng không đúng quy định…). Những vi phạm này của điều tra viên có khả năng dẫn đến việc Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP). Để có cơ sở quyết định việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Hội đồng xét xử triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ. 

- Trong quá trình xét xử, những người tham gia tố tụng khác (người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; người chứng kiến…) cho rằng, trong quá trình điều tra, điều tra viên không bảo đảm các quyền của họ khi tham gia tố tụng như: Từ chối yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự; không phổ biến quyền và nghĩa vụ của họ khi được triệu tập đến làm việc… Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ vấn đề. 

- Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có nghi ngờ về tính khách quan của tài liệu, chứng cứ do điều tra viên thu thập trong quá trình điều tra hoặc theo đề nghị của kiểm sát viên giữ quyền công tố, nếu xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử có thể triệu tập điều tra viên thụ lý vụ án đến phiên tòa để trình bày các vấn đề có liên quan. 

Như vậy, về cơ bản, các Tòa án triệu tập điều tra viên thường trong các trường hợp như đã viện dẫn trên đây. Tuy nhiên, do nhận thức không giống nhau về sự cần thiết phải triệu tập điều tra viên đến phiên tòa, nên có trường hợp cùng tính chất vụ việc nhưng có nơi triệu tập điều tra viên, có nơi lại thấy không cần thiết phải triệu tập. Ngoài ra, cũng có trường hợp luật sư cố tình lợi dụng quy định này, yêu cầu triệu tập điều tra viên để tìm cách gây áp lực cho họ tại phiên tòa (do biết điều tra viên bị hạn chế trong việc phát biểu ý kiến trước đám đông và có thể bị mất bình tĩnh khi bị kích động). Nếu điều tra viên không có kỹ năng phát biểu tại phiên tòa và không được chuẩn bị tâm lý tốt thì dễ bị luật sư hoặc bị cáo kích động làm ảnh hưởng đến nội dung bị can khai báo trong quá trình điều tra. 

Một số vấn đề khác nảy sinh trong quá trình triệu tập điều tra viên đến phiên tòa là: Có nên dùng từ “triệu tập” đối với điều tra viên không? Nếu điều tra viên cố tình vắng mặt khi được Hội đồng triệu tập thì bị xử lý như thế nào, có bị dẫn giải không? Có ý kiến cho rằng, dùng từ “triệu tập” là không phù hợp vì người bị triệu tập nếu cố tình không chấp hành thì có thể bị dẫn giải. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điều tra viên không thuộc đối tượng bị dẫn giải. Do chưa có quy định cụ thể về vấn đề này nên việc xử lý điều tra viên cố tình không chấp hành khi được triệu tập còn nhiều khó khăn trên thực tế. 

Hai là, về tư cách tố tụng của điều tra viên khi tham dự phiên tòa 

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định về tư cách tố tụng của điều tra viên khi tham dự phiên tòa và các văn bản pháp luật hiện hành cũng không đề cập đến vấn đề này. Do thiếu văn bản hướng dẫn thi hành nên Tòa án các địa phương xác định tư cách tố tụng của điều tra viên khi tham dự phiên tòa theo các hướng khác nhau và tương ứng với tư cách đó là quyền, nghĩa vụ của họ. Cụ thể là: 

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Điều tra viên là người tiến hành tố tụng khi tham dự phiên tòa. Theo quan điểm này, điều tra viên sẽ có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, theo quy định tại điều luật này, điều tra viên chỉ có các quyền hạn và trách nhiệm như: Giải quyết nguồn tin về tội phạm; khởi tố, tiến hành các biện pháp điều tra, các biện pháp cưỡng chế… Theo khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điều tra viên chỉ là người tiến hành tố tụng trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra tội phạm. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm tiến hành tố tụng của điều tra viên đã hoàn tất ở giai đoạn điều tra; khi được Hội đồng xét xử triệu tập tham dự phiên tòa, điều tra viên không thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn với tư cách là người tiến hành tố tụng nữa. Do vậy, điều tra viên không phải là người tiến hành tố tụng khi tham dự phiên tòa. Với phân tích trên, quan điểm thứ nhất là không chính xác. 

- Quan điểm thứ hai cho rằng: Khi tham dự phiên tòa điều tra viên là người tham gia tố tụng với vai trò là người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, điều tra viên tham dự phiên tòa thường được yêu cầu trình bày, giải thích về các hoạt động tố tụng do mình đã thực hiện trong quá trình điều tra, đây là nhiệm vụ của người tham gia tố tụng. Thực tế cũng cho thấy, một số Hội đồng xét xử triệu tập điều tra viên tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Quan điểm và thực tế vận dụng này cũng không phản ánh đúng vị trí, vai trò của điều tra viên tại phiên tòa. Thêm vào đó, điều tra viên cũng không thể có các quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án[1] hoặc của người làm chứng[2]. 

Như vậy, việc xác định điều tra viên tham dự phiên tòa với tư cách người tiến hành tố tụng hay người tham gia tố tụng (với tư cách là người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án) đều không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định các quyền và nghĩa vụ của điều tra viên khi tham dự phiên tòa. Thực tế cho thấy, Chủ tọa phiên tòa lúng túng khi áp dụng điều luật nào của Bộ luật Tố tụng hình sự để phổ biến quyền và nghĩa vụ của điều tra viên khi họ tham dự phiên tòa. Nếu xác định điều tra viên khi tham dự phiên tòa là người tiến hành tố tụng thì không cần giải thích quyền và nghĩa vụ của họ. Nhưng nếu xác định điều tra viên là người tham gia tố tụng thì cũng không có điều luật nào phù hợp để phổ biến quyền và nghĩa vụ cho họ. Ngoài ra, do không xác định rõ được tư cách tố tụng của điều tra viên nên quy định phòng xử án cũng không quy định bố trí cho điều tra viên được ngồi ở vị trí nào, đại diện cho cơ quan, cá nhân hay quyền lợi của bên nào. 

Ba là, vấn đề xét hỏi điều tra viên tại phiên tòa 

Ví dụ: Trong vụ án “Bác sĩ L” bị đưa ra xét xử về tội “Vô ý làm chết người”. Quá trình xét xử vụ án này, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh H đã cho phép luật sư bào chữa cho bị cáo L hỏi điều tra viên về việc tiến hành thủ tục lấy lời khai đối với bị cáo L và người làm chứng trong quá trình điều tra. Hành động này của Hội đồng xét xử có đúng quy định của pháp luật hay không? 

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến thủ tục xét hỏi tại phiên tòa[3], điều tra viên khi tham dự phiên tòa không thuộc đối tượng bị xét hỏi mà chỉ trình bày ý kiến về những vấn đề do Hội đồng xét xử yêu cầu. Điều 317 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử”. 

Như vậy, đối với vụ án “Bác sĩ L” được viện dẫn trên đây, việc Hội đồng xét xử cho phép luật sư xét hỏi điều tra viên là không đúng quy định của pháp luật và hành động này đã làm giảm uy tín của điều tra viên nói riêng, Cơ quan Cảnh sát điều tra nói chung. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng không quy định nội dung Hội đồng xét xử có thể yêu cầu điều tra viên trình bày ý kiến. Trong quá trình điều tra, điều tra viên có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ mang tính bí mật, theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, không được phép trình bày trước phiên tòa. Như vậy, khi Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra viên trình bày những nội dung này thì họ có quyền từ chối. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về vấn đề này nên thực tế áp dụng còn gặp nhiều khó khăn. 

Bốn là, vấn đề tranh luận của điều tra viên khi được triệu tập đến phiên tòa 

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015[4], điều tra viên khi được triệu tập đến phiên tòa không phải là người tham gia tranh luận. Điều 317 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được viện dẫn trên đây cũng quy định điều tra viên chỉ được Hội đồng xét xử yêu cầu trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra. Vấn đề là: Nếu bị cáo hoặc người bào chữa cho bị cáo không chấp nhận lời trình bày của điều tra viên, cho rằng hành vi tố tụng của điều tra viên là vi phạm pháp luật, khi đó điều tra viên có được tranh luận, đưa ra chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình hay không? Nếu điều tra viên không có quyền tranh luận thì việc Hội đồng xét xử triệu tập họ đến phiên tòa có đạt được mục đích không và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử có được bảo đảm không? Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án”. Do chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên trong thực tiễn xét xử, các Tòa án đã vận dụng quy định không thống nhất. 

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về sự tham dự của điều tra viên tại phiên tòa 

Trên cơ sở những khó khăn, bất cập về quy định của pháp luật và trong thực tiễn xét xử như đã phân tích trên đây, tác giả có những kiến nghị như sau: 

Một là, kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn thi hành Điều 296 và Điều 317 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về việc triệu tập điều tra viên đến phiên tòa. Nghị quyết này cần đề cập: 

- Giải thích rõ “xét thấy cần thiết” trong quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được hiểu như sau: 

+ Người tham gia tố tụng khiếu nại, tố cáo điều tra viên về những quyết định, hành vi tố tụng của họ trong giai đoạn điều tra, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử nhận thấy nội dung khiếu nại, tố cáo có thể ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án và cần triệu tập điều tra viên để làm rõ. 

+ Trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo phủ nhận lời khai nhận tội tại cơ quan điều tra. Bị cáo có khiếu nại và tố cáo cho rằng điều tra viên đã có hành vi bức cung, mớm cung, dùng nhục hình buộc bị cáo phải khai theo ý muốn chủ quan của điều tra viên. Trong phần xét hỏi, Hội đồng xét xử không có cơ sở để xác minh lời khai của bị cáo, cần triệu tập điều tra viên để làm rõ. 

+ Trong quá trình xét xử, những người tham gia tố tụng khác (người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; người chứng kiến…) cho rằng, trong quá trình điều tra, điều tra viên không bảo đảm các quyền của họ khi tham gia tố tụng. Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ vấn đề. 

+ Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có nghi ngờ về tính khách quan của tài liệu, chứng cứ do điều tra viên thu thập trong quá trình điều tra; hoặc theo đề nghị của kiểm sát viên giữ quyền công tố nếu xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử có thể triệu tập điều tra viên thụ lý vụ án đến phiên tòa để trình bày các vấn đề có liên quan. 

+ Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử nhận thấy điều tra viên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Để có cơ sở quyết định việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Hội đồng xét xử triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ. 

- Giải thích rõ “xét thấy cần thiết” trong quy định tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được hiểu bao gồm các điều kiện sau: 

+ Khi thuộc các trường hợp cần thiết triệu tập điều tra viên đến phiên tòa theo Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. 

+ Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu điều tra viên trình bày ý kiến. 

+ Nội dung yêu cầu điều tra viên cho ý kiến chỉ liên quan đến những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra của điều tra viên đó. 

+ Đối với các nội dung liên quan đến bí mật công tác, bí mật nhà nước, điều tra viên có quyền từ chối trình bày ý kiến và Hội đồng xét xử có quyền không chấp nhận đề nghị của người tham gia tố tụng tiếp tục hỏi về nội dung này. 

- Điều tra viên khi tham dự phiên tòa không thuộc đối tượng bị xét hỏi mà chỉ trình bày ý kiến về những vấn đề do Hội đồng xét xử yêu cầu. 

- Điều tra viên khi được triệu tập đến phiên tòa không phải là người tham gia tranh luận những vấn đề có liên quan đến tội phạm và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Tuy nhiên, đối với những vấn đề liên quan đến lý do triệu tập điều tra viên tham dự phiên tòa theo Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì họ có quyền tranh luận, đưa ra minh chứng để làm rõ ý kiến trình bày của mình. 

Hai là, liên ngành tư pháp trung ương có ý kiến đề nghị Quốc hội chỉnh sửa, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. 

Nội dung sửa đổi, bổ sung các điều luật theo hướng: Bổ sung chủ thể triệu tập điều tra viên trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu xét thấy cần thiết; bổ sung quy định về tư cách tố tụng của điều tra viên khi được triệu tập tham dự phiên tòa; bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp điều tra viên không có mặt khi được triệu tập. Cụ thể là: 

- Sửa đổi, bổ sung Điều 296 (phần in nghiêng) như sau: 

1. Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. 

2. Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ̣ lý, giải quyết vụ án tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập và với tư cách là người tham gia tố tụng. 

3. Trường hợp người được triệu tập vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. 

- Bổ sung 1 khoản mới vào Điều 55 (Người tham gia tố tụng) như sau: Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác được triệu tập đến phiên tòa. 

- Bổ sung điều mới về điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác được triệu tập đến phiên tòa (Điều 70a): 

1. Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác được Hội đồng xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án triệu tập đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. 

2. Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ̣ lý, giải quyết vụ án và những người khác được triệu tập đến phiên tòa có quyền: 

a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; 

b) Chỉ trình bày ý kiến theo yêu cầu của Hội đồng xét xử để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; nếu cần thiết có thể tranh luận, đưa ra minh chứng để bảo vệ ý kiến của mình; 

c) Trình bày ý kiến về tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; 

d) Từ chối trình bày các ý kiến liên quan đến bí mật công tác, bí mật nhà nước; 

đ) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia phiên tòa; 

e) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật; 

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật. 

3. Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác được triệu tập đến phiên tòa có nghĩa vụ: 

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Hội đồng xét xử hoặc thẩm phán được phân công giải quyết vụ án; 

b) Trình bày trung thực những nội dung theo yêu cầu của Hội đồng xét xử; 

c) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 

TS. HOÀNG ĐỨC MẠNH  (Trường Đại học Cảnh sát nhân dân)

Theo kiemsat.vn

Tòa án nhân dân tỉnh Thừa thiên Huế xét xử sơ thẩm vụ án hình sự- Ảnh: Duy Phương