TAND huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Nâng cao tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhân tháng Thanh niên năm 2023

TAND huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã chú trọng tới việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức trong đó có việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động .

TAND huyện Cẩm Thủy đã đưa ra xét xử lưu động công khai 5 vụ án hình sự với các loại tội phạm khác nhau và 2 vụ án hôn nhân và gia đình.

Có thể nói, việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động nơi xảy ra vụ án đã phục vụ đắc lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho cán bộ và quần chúng nhân dân theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Vừa qua, ngày 17/3, tại hội trường nhà văn hóa thôn Long Tiến, xã Cẩm Long (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa), TAND huyện Cẩm Thủy đã đưa ra xét xử lưu động công khai 5 vụ án hình sự với các loại tội phạm khác nhau và 2 vụ án hôn nhân và gia đình. Trong buổi sáng cùng ngày, TAND huyện Cẩm Thủy đã đưa ra xét xử 3 vụ án hình sự đối với 5 bị cáo: Quách Văn Tuấn, Bùi Hồng Hùng về tội Mua bán trái phép chất ma túy; bị cáo Lê Văn Nam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bị cáo Hà Công Thành về tội Cưỡng đoạt tài sản và bị cáo Phạm Văn Trường có hành vi Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Các bị cáo chủ yếu đều ở độ tuổi thanh niên

Cụ thể, vụ án thứ nhất, bị cáo Quách Văn Tuấn (SN 1992, ở thôn Long Tiến, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy) bị truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 251 BLHS 2015. Bị cáo Tuấn bị tuyên phạt 3 năm tù về hành vi phạm tội của mình.

Vụ án thứ hai, bị cáo Bùi Hồng Hùng (SN 1971, ở xã Xuân Vinh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, thường trú tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 251 BLHS 2015. Do tình tiết vụ án có mức độ rất nghiêm trọng nên bị cáo Hùng bị tuyên phạt 8 năm tù.

Vụ án thứ ba, các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Lê Văn Nam (SN 2004) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Hà Công Thành (SN 2004) về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, Phạm Văn Trường (SN 2004) về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Cả 3 bị cáo đều là lao động tự do, cùng trú tại xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Bị cáo Lê Văn Nam bị tuyên phạt 9 tháng tù, Hà Công Thành bị tuyên phạt 36 tháng tù và Phạm Văn Trường bị tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ.

Khi phiên tòa bắt đầu, bà con quan tâm giữ gìn trật tự để nghe hội đồng xét xử thẩm vấn bị cáo. Mỗi lời khai của các bị cáo về hành vi phạm tội đều được người dân chăm chú theo dõi và thể hiện thái độ của mình, không ít người dân tỏ ra bức xúc với hành vi của các bị cáo.

Khi hội đồng xét xử bước vào nghị án, người dân bắt đầu tranh luận về bản án sắp dành cho các bị cáo, có người nói nên xử án cao để trừng trị, cũng có người cho rằng nên xử lý làm sao vừa có tính răn đe nhưng cũng cho cơ hội để các bị cáo làm lại cuộc đời.

Mặc dù không gian tổ chức không phải trụ sở tòa án, hội trường xét xử lớn nhưng tính nghiêm trang, quy trình phiên tòa vẫn được đảm bảo. Thấy được do tình hình hiện nay, các loại tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, trên quy mô nhỏ tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cũng xuất hiện nhiều tội phạm đặc biệt nên người dân cũng rất quan tâm, lắng nghe để hiểu được thủ đoạn, nguyên nhân phạm tội.

Trong quá trình xét xử, TAND huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) luôn tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như nhân dân tiếp cận và nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật; răn đe tội phạm, ngăn chặn kịp thời ý định phạm tội, ổn định tình hình tại cơ sở, định hướng dư luận, góp phần thực hiện chính trị của địa phương. Bởi việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các phiên tòa lưu động có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên tòa, tạo sự quan tâm của đông đảo cộng đồng cư dân tại địa phương, giúp cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp.

 Thông qua phiên tòa xét xử lưu động, TAND huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã giúp người dân rút ra những bài học, hiểu biết cặn kẽ hơn về pháp luật để răn dạy con cháu, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật đối với mỗi công dân.

PHƯƠNG THẢO