TAND TP HCM xét xử đường dây buôn lậu hơn 6 tấn vàng
Sáng ngày 16/7, TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ buôn lậu vàng xảy ra tại TPHCM, Tây Ninh và các địa phương liên quan. Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà (Phó chánh tòa Tòa Hình sự, TAND TPHCM) làm chủ tọa.
Để chuẩn bị cho phiên tòa, HĐXX đã triệu tập 41 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan; hơn 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Tại phiên tòa hôm nay, hai nữ bị cáo chủ mưu, tổ chức, chỉ đạo, điều hành, cầm đầu hai đường dây buôn lậu vàng là Nguyễn Thị Minh Phụng, Nguyễn Thị Kim Phượng cùng 22 đồng phạm, bị xét xử cùng về tội “Buôn lậu”.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Minh Phụng kinh doanh tự do tại TPHCM, còn Nguyễn Thị Kim Phượng kinh doanh tự do tại Tây Ninh. Bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng là chủ Cửa hàng vàng Kim Oanh Hằng tại Tây Ninh. Cả ba bị cáo này không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (thỏi) từ Campuchia về Việt Nam để bán.
Tang vật bị phát hiện, thu giữ - Ảnh: C.A
Trong khoảng thời gian chưa tới 3 tháng, hai đường dây buôn lậu vàng do Nguyễn Thị Kim Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng đã vận chuyển trót lọt từ Campuchia về Việt Nam 6.150kg vàng. Số vàng nhập lậu này được bán cho nhiều tiệm vàng trong nước.
Quá trình kinh doanh, ba bị cáo Phụng, Phượng và Hằng thấy giá vàng trên thị trường Việt Nam cao hơn giá vàng Campuchia nên đã thỏa thuận, thống nhất, nhận đặt bán vàng lậu cho các chủ cửa hàng vàng trong nước, sau đó liên hệ với các đối tượng người Campuchia và Nguyễn Thị Ngọc Giàu (bị cáo, SN 1980) là cư dân biên giới, sinh sống tại cửa khẩu Chàng Riệc (tỉnh Tây Ninh) đặt mua vàng từ Campuchia mang về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc để bán lại kiếm lời.
Từ ý định nêu trên, các bị cáo đã thiết lập thành hai đường dây buôn lậu vàng. Đường dây thứ nhất: Từ ngày 3/8/2022 đến ngày 28/9/2022, Phụng nhận đặt bán vàng lậu cho các bị cáo Huỳnh Minh Khánh, Nguyễn Thị Minh, Đặng Thị Thanh Hằng và một số khách hàng khác. Sau đó Phụng đặt mua vàng lậu của đối tượng người Campuchia, rồi thống nhất, thỏa thuận với Giàu nhận vàng từ Campuchia mang qua cửa khẩu Chàng Riệc để giao cho Nguyễn Quí Trường, Ngô Đình Đạt và Nguyễn Phạm Thanh Nhựt.
Nhóm này chuyển trả tiền (đô la Mỹ) cho Giàu và nhận vàng từ Giàu về giao cho Phụng. Phụng tiếp tục chỉ đạo 9 bị cáo là Nguyễn Trần Châu Phát, Châu Phúc Thiên, Bùi Thanh Phong, Huỳnh Thanh Nhất Hiếu, Trần Văn Thảo, Trần Thanh Tú, Văn Chí Hùng, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thị Loan bán vàng lậu cho 5 bị cáo Huỳnh Minh Khánh, Nguyễn Thị Minh, Đặng Thị Thanh Hằng, Nguyễn Duy Đức và Đặng Nam Trung và bán lẻ cho một số khách hàng khác.
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Giàu chỉ đạo, điều hành ba bị cáo là Trần Thanh Thắng, Nguyễn Minh Tâm và Phan Thanh Tùng nhận tiền từ Phụng, đem tiền (đô la Mỹ) chuyển sang Campuchia để mua vàng mang về Việt Nam, qua cửa khẩu Chàng Riệc để giao vàng cho Phụng.
22 bị cáo trong đường dây này đã mua bán tổng số 4.830 kg vàng, trị giá hơn 6.644,8 tỷ đồng, hưởng lợi gần 18 tỷ đồng. Trong đó bị cáo Phụng hưởng hơn 2,4 tỷ đồng, bị cáo Giàu hưởng gần 14 tỷ đồng, các bị cáo còn lại hưởng tiền từ Phụng và Giàu tùy theo công sức khi tham gia mua bán vàng lậu.
Tang vật của vụ án bị phát hiện, thu giữ - Ảnh: CA
Đường dây thứ hai: Từ ngày 16/7/2022 đến 28/9/2022, Nguyễn Thị Kim Phượng nhận đặt bán vàng lậu cho Hằng, sau đó Phượng góp vốn với đối tượng người Campuchia có tên là Pich Hen để mua vàng lậu từ Campuchia, rồi thông qua các bị cáo Giàu và Trần Thanh Thắng mang vàng lậu qua cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh giao cho Nguyễn Minh Tâm để Tâm giao Hằng thông qua Nguyễn Tấn Hòa. Tâm tiếp tục nhận tiền bán vàng từ Nguyễn Tấn Hòa để giao cho Phượng thông qua bị cáo Giàu. Sau khi mua vàng lậu, Hằng đã bán lại cho Khánh và một số khách hàng khác.
7 bị cáo trong đường dây này (trong đó có 4 bị cáo là Giàu, Thắng, Tâm và Khánh tham gia cả 2 đường dây), đã mua bán tổng số 1.320 kg vàng, trị giá 1.817,184 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 6,886 tỷ đồng. Trong đó Phượng được hưởng 132.000 USD tương đương 3 tỷ đồng, Hằng được hưởng hơn 3,7 tỷ đồng, các bị can còn lại hưởng tiền từ Phượng, Giàu và Hằng tùy theo mức độ khi tham gia mua bán vàng lậu.
Liên quan đến sai phạm của các cá nhân thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc, CQĐT Bộ Công an nhận thấy sai phạm này thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Vì vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan đến Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Các bị cáo tại phiên tòa- Ảnh: Nhật Thịnh
Bài liên quan
-
Tin học hóa xét xử ở Tòa Phá án của Cộng hòa Pháp
-
Bàn về việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại tình dục
theo quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC -
Thời hạn tạm giam khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự - Bất cập và kiến nghị
-
TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án tại FLC
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận