Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 xuất bản ngày 25 tháng 8 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 10 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2024, cụ thể như sau:
Với bài viết “Về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân”, tác giả Tưởng Duy Lượng và Võ Văn Hiếu nêu nhận định: “Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về di sản thừa kế luôn là vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trường hợp di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân. Án lệ số 24/2018/AL ra đời tạo căn cứ pháp lý quan trọng trong giải quyết tranh chấp đối với trường hợp này.” Bài viết này, các tác giả tập trung phân tích, bình luận sâu thêm về nội dung của án lệ về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân và đưa ra một số khuyến nghị.
Tác giả Nguyễn Thị Minh Trâm nêu trong bài viết “Chế định nhiều tội phạm trong pháp luật hình sự Việt Nam” như sau: “Thực tiễn xét xử cho thấy, một người không chỉ thực hiện một tội phạm mà còn có thể thực hiện nhiều tội phạm khác nhau, xâm phạm đến nhiều nhóm quan hệ xã hội khác nhau hoặc nhiều lần xâm phạm đến cùng một nhóm quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Do đó, khi một người thực hiện nhiều tội phạm thì thông thường gây ra hậu quả nguy hiểm hơn, cũng như thể hiện nhân thân của người phạm tội xấu hơn so với trường hợp phạm một tội và đương nhiên người phạm tội phải gánh chịu hậu quả pháp lý nghiêm khắc hơn.” Bài viết tập trung phân tích các vấn đề lý luận về nhiều tội phạm; đưa ra các đặc điểm của nhiều tội phạm và các hình thức biểu hiện của nó trong pháp luật hình sự Việt Nam, cũng như phân biệt nhiều tội phạm và các trường hợp phạm tội đơn lẻ.
Bài viết “Thực trạng công tác triển khai, thi hành và yêu cầu sửa đổi, bổ sung luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong tình hình hiện nay” của Trần Quý Trọng và Đặng Mạnh Cường nghiên cứu, đánh giá về một số vấn đề triển khai, thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ qua đó, phân tích thực trạng những kết quả đã đạt được, trình bày những tồn tại, hạn chế và đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đáp ứng tình hình thực tiễn hiện nay.
Với bài viết “Một số vấn đề về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Vũ Đức Việt và Trần Doãn Hưng nêu nhận định: “Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những bước tiến đáng kể trong quy định về hàng giả là lương thực, thực phẩm, tách đối tượng lương thực, thực phẩm và bổ sung phụ gia thực phẩm thành một quy định riêng biệt để bảo vệ loại hàng hóa này. Tuy nhiên, các quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng tội danh này vẫn còn những khó khăn, vướng mắc”. Bài viết phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các quy định pháp luật trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử đối với tội phạm này.
Tác giả Ngô Thị Thùy Trang viết trong bài “Quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong Bộ luật Dân sự năm 2015 - một số tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị” như sau: “Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được xem là một trong những chủ thể yếu thế được bảo vệ đặc biệt trong xã hội. Pháp luật dân sự nước ta cũng có những quy định đặc thù để bảo vệ tốt nhất quyền con người, quyền công dân đối với chủ thể này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập”. Bài viết phân tích, luận bàn quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 để chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế về vấn đề này; từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
Với bài viết “Nguyễn Văn A phạm tội gì?”, tác giả Đoàn Đắc Chinh nêu nhiều quan điểm trong việc xác định tội danh đối với Nguyễn Văn A và phân tích, đánh giá của tác giả. Tác giả mong muốn nhận được sự trao đổi ý kiến của bạn đọc.
Tác giả Lê Đình Nghĩa nêu nội dung vụ án và các quan điểm về xác định tội danh đối với Nguyễn Xuân B trong bài viết “Nguyễn Xuân B phạm tội gì?”. Tác giả mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp.
Với bài viết “Hành vi mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người theo luật hình sự Trung Quốc và một số đề xuất cho pháp luật hình sự Việt Nam”, tác giả Nguyễn Hải Yến viết: “Mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người là hành vi vô nhân đạo, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền của con người. Pháp luật hình sự Việt Nam và các quốc gia đều có các quy định để xử lý hành vi này. Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc cũng phải đối mặt với vấn nạn mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người.” Bài viết phân tích các quy định của pháp luật hình sự Trung Quốc về tội phạm này, từ đó, đề xuất một số ý kiến hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Tác giả Hồ Thị Thanh Trúc viết trong bài “Cái chết nhân đạo theo pháp luật hà lan và bàn về cái chết nhân đạo tại Việt Nam”: “Quyền sống là quyền cơ bản nhất của con người, được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền cũng như trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Quyền sống được pháp luật bảo vệ, không ai được tước đoạt mạng sống của con người. Tuy nhiên, cũng tồn tại những ngoại lệ đã được pháp luật các quốc gia thừa nhận gồm: (1) hình phạt tử hình; (2) phòng vệ chính đáng; (3) xung đột vũ trang. Khác với ba ngoại lệ trên, cái chết nhân đạo (an tử) là cái chết theo nguyện vọng hoặc vì lợi ích của người chết. Nói cách khác, an tử là thực hiện quyền được chết của con người. An tử gây nhiều tranh cãi và cho đến ngày nay, nhiều quốc gia chưa thừa nhận, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh tỷ lệ bệnh nhân ung thư tại Việt Nam cao thứ hai thế giới, trầm cảm cũng có xu hướng gia tăng cùng với nhiều bệnh nan y, thì nhu cầu về quyền được chết là có thật, để giải thoát con người khỏi những đau đớn kéo dài. Quyền an tử không mâu thuẫn với quyền sống mà là bảo đảm cho con người được quyền sống một cách đúng nghĩa. Bên cạnh đó, nghiên cứu quyền an tử là phục vụ cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đó là đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống quyền dân sự, quyền nhân thân trong hệ thống pháp luật Việt Nam.” Bài viết nghiên cứu pháp luật về an tử ở Hà Lan và bàn về vấn đề quy định quyền an tử tại Việt Nam.
Trong bài viết “Tiền mã hóa từ góc nhìn pháp luật Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Võ Thị Ánh viết: “Ngày 10/01/2024, Ủy ban giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã phê duyệt cho các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) bitcoin đầu tiên được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn như Nasdaq, NYSE và CBOE… Sự kiện này đã thu hút hàng tỷ đô la của “các gã khổng lồ phố Wall” đầu tư vào quỹ ETF Bitcoin, mở ra hành lang pháp lý quan trọng cho bitcoin và ngành công nghiệp tiền mã hóa nói chung. Việc này không chỉ là một bước tiến quan trọng cho bitcoin, mà còn thể hiện sự thừa nhận và quản lý của một quốc gia hàng đầu về tiền mã hóa”. Bài viết tập trung nghiên cứu các quy định pháp luật của quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, từ đó đưa ra những gợi ý cho Việt Nam trong việc phát triển chính sách và quy định liên quan đến tiền mã hóa.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 kỳ II tháng 8 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 xuất bản ngày 10 tháng 9 năm 2024. Đây là ấn phẩm số đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945 - 13/9/2023).
Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 xuất bản ngày 10 tháng 8 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 14 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 14 xuất bản ngày 17 tháng 7 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL