Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2022
Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2022 xuất bản ngày 10 tháng 9 năm 2022. Đây là ấn phẩm đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945 – 13/9/2022). Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 11 bài viết với một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Với bài viết “Tòa án nhân dân tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, tác giả Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Tòa án nhân dân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần phải giải quyết. Để tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo các Tòa án đổi mới, sáng tạo, tích cực đẩy mạnh triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đột phá, thiết thực để làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Các Tòa án đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, đúng yêu cầu, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội XIII phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII được tiến hành nghiêm túc, sâu rộng, thường xuyên, đồng bộ, sáng tạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, linh hoạt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, năm 2022 các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bài viết này, tác giả tập trung đánh giá những kết quả công tác nổi bật của hệ thống Tòa án nhân dân trong thời gian vừa qua và định hướng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hệ thống Tòa án nhân dân cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới để tiếp tục khẳng định uy tín, vai trò, vị thế của Tòa án nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong bài viết “Kết quả triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án – những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục", tác giả Nguyễn Văn Du – Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, với mục đích là tạo cơ chế pháp lý mới tách biệt với quy trình tố tụng để phát huy tính linh hoạt, mềm dẻo và nhanh gọn về thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho các bên thực hiện quyền tự đoạt trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính tại Tòa án. Sau gần hai năm thi hành, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã phát huy vai trò và việc thi hành Luật đã đạt được kết quả nhất định. Bên cạnh đó, việc thi hành Luật cũng gặp những khó khăn, vướng mắc cần được tổng hợp nghiên cứu, đưa ra những giải pháp khắc phục. Bài viết này đánh giá về hiệu quả cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thời gian qua và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Với bài viết “Giải pháp xây dựng nhân lực Thẩm phán đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, tác giả Võ Khánh Linh cho rằng: Thẩm phán giữ vị trí trung tâm trong hoạt động xét xử, là một nghề đặc thù trong xã hội. Xây dựng nguồn nhân lực Thẩm phán bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng công tác là một giải pháp then chốt trong cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trên cơ sở làm sáng tỏ một số tồn tại, hạn chế trong công tác của Thẩm phán hiện nay, bài viết nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp tiếp tục tăng cường chất lượng nhân lực Thẩm phán trong tầm nhìn dài hạn.
Trong bài viết “Thực hiện quyền tư pháp và đề xuất các định hướng
cải cách tư pháp nhằm thực hiện tốt quyền tư pháp trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tác giả Trịnh Tiến Việt- Vũ Đình Hoàng tập trung làm sáng tỏ khái niệm tư pháp, quyền tư pháp, nội dung, đặc điểm của việc thực hiện quyền tư pháp, đánh giá chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta điều chỉnh vấn đề này, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và có thêm tư liệu phục vụ nhiệm vụ xây dựng Chiến lược Cải cách tư pháp sau năm 2020, cũng như Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất những kiến nghị về các định hướng cải cách tư pháp, nhằm thực hiện tốt quyền tư pháp, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với bài viết “Bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ đối với trí tuệ nhân tạo của một số quốc gia trên thế giới và kiến nghị cho Việt Nam”, nhóm tác giả Nguyễn Hải An- Đinh Thị Thảo- Nguyễn Đặng Hồng Thiên cho rằng: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với trí tuệ nhân tạo (AI) là một vấn đề không quá mới đối với một số quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, đây là vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam và nó chưa nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Mặc dù, nước ta đã có những chiến lược, chính sách ưu tiên phát triển về AI, nhưng về cơ bản, vẫn chưa có cơ chế pháp lý điều chỉnh khi một AI sáng tạo ra sản phẩm là một tác phẩm hay một sáng chế. Bài viết tập trung luận bàn về quyền sở hữu trí tuệ đối với AI của một số nước trên thế giới và từ đó, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Trong bài viết “Một số điểm mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 về quyền tác giả”, tác giả Nguyễn Xuân Quang- Lê Nhật Hồng nhận định: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 với những sửa đổi, quan trọng trong đó có quyền tác giả. Đây là nội dung quan trọng của pháp luật sở hữu trí tuệ, với mục đích khuyến khích sự sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học…, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bài viết trình bày, phân tích những điểm mới về quyền tác giả và luận bàn sâu thêm về vấn đề này.
Với bài viết “Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên sau khi ly hôn”, tác giả Đoàn Thị Phương Diệp - Châu Thanh Quyền nhận định: Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên là một trong những vấn đề của gia đình được xã hội quan tâm. Tính chất xã hội của vấn đề nuôi con càng trở nên rõ nét khi cha, mẹ ly hôn. Khi đó, đặt ra trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, xã hội để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, mà hơn hết là quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ. Bài viết khái quát, đồng thời, đặt ra một số vấn đề pháp lý phát sinh, từ đó, có kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn.
Trong bài viết “Xác định thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha, mẹ ly hôn ”, tác giả Lê Vĩnh Châu cho rằng: Xác định thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha, mẹ ly hôn có ý nghĩa quan trọng bảo đảm việc thực hiện quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của người con. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Bài viết làm rõ việc xác định thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha, mẹ ly hôn và kiến nghị.
Với bài viết “Những vấn đề cần hoàn thiện đối với hệ thống Tòa án Việt Nam để đảm bảo phù hợp với mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, tác giả Lê Đăng Khoa nhận định: Trong mô hình nhà nước pháp quyền ở nước ta, Tòa án là cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp. Hiện nay, đời sống xã hội ngày càng phát triển đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao hơn trong bảo vệ công lý, bảo vệ quyền của con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Bài viết phân tích khái quát về nhà nước pháp quyền và các vấn đề cần nghiên cứu thực hiện để xây dựng hệ thống Tòa án Việt Nam phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong bài viết: “Tổ chức phiên tòa trực tuyến ở Hoa Kỳ - kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thanh Hải- Dương Quốc Tuấn nhận định: Sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của kỷ nguyên công nghệ, thời đại kỹ thuật số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của Tòa án, trong đó có việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Bài viết khái quát lý luận về phiên tòa trực tuyến, tổ chức phiên tòa trực tuyến ở Hoa Kỳ, từ đó rút ra kinh nghiệm tổ chức phiên tòa trực tuyến cho Việt Nam.
Với bài viết“Tác động của công nghệ số đối với pháp luật về chứng cứ trong tố tụng dân sự”, tác giả: Nguyễn Bích Thảo- Lê Thị Hòa tập trung phân tích những tác động của công nghệ số đối với pháp luật về chứng cứ trong tố tụng dân sự trên ba phương diện: sự xuất hiện của chứng cứ điện tử; ứng dụng công nghệ số trong thu thập chứng cứ từ xa; ứng dụng công nghệ số trong giao nộp và trao đổi chứng cứ. Bài viết cũng tìm hiểu kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật về chứng cứ trong tố tụng dân sự ở một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và những gợi mở cho việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về chứng cứ điện tử
Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2022.
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao