Tạp chí Tòa án nhân dân số 9 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 9, kỳ I tháng 5 năm 2024 xuất bản ngày 10 tháng 5 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 9 năm 2024, cụ thể như sau:
Bài viết “Điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú - bất cập và kiến nghị hoàn thiện” của các tác giả Cao Nhất Linh và Nguyễn Hoài Châu viết: “An ninh, trật tự là cách viết gọn của cụm từ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đối với một số ngành, nghề kinh doanh đặc thù, trong đó có kinh doanh dịch vụ lưu trú thì cơ sở kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự. Tuy nhiên, quy định của pháp luật liên quan đến các điều kiện này hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, cần được tiếp tục hoàn thiện”. Bài viết này, các tác giả tập trung phân tích một số vướng mắc, bất cập; từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Bài viết “Kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” của tác giả Trần Xuân Thiên An nêu nhận định: “Trong thời gian qua, các tội phạm liên quan đến động vật hoang dã có chiều hướng gia tăng, không chỉ gây tổn hại đến nền đa dạng sinh học của nước ta mà còn ảnh hưởng đến nguy cơ lan truyền các dịch bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật”. Bài viết phân tích một số hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật hình sự về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về nhóm tội này.
Tác giả Lê Quang Toàn và Nguyễn Thị Minh Thúy viết trong bài “Hoạt động phòng ngừa xã hội đối với việc đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội của lực lượng cảnh sát hình sự”: “Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội, thông tin sai sự thật (tin giả) có thể nhanh chóng lan truyền đến hàng triệu người, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội, uy tín, danh dự của các tổ chức và cá nhân. Việc lan truyền, phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đã trở thành một vấn nạn ở nhiều quốc gia trên thế giới, đòi hỏi phải có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn”. Bài viết này, các tác giả tập trung phân tích làm rõ một số đặc điểm của việc đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội và đưa ra đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa xã hội theo chức năng của lực lượng Cảnh sát hình sự.
Trong bài viết “Bàn về thế chấp tài sản là hàng hóa luân chuyển trong hoạt động cho vay của ngân hàng”, tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy viết: “Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, các giao dịch dân sự diễn ra ngày càng nhiều, từ đó các rủi ro phát sinh ngày càng tăng, vì vậy để bảo vệ lợi ích chính đáng giữa các bên thì các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được áp dụng rộng rãi. Bộ luật Dân sự năm 2015 ra đời với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã tạo ra tính chủ động, kịp thời cho các bên trong quan hệ dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc đối với một số biện pháp bảo đảm này, trong đó có biện pháp thế chấp tài sản là hàng hóa luân chuyển”. Bài viết tập trung nghiên cứu, phân tích quy định pháp luật về thế chấp tài sản là hàng hóa luân chuyển; chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong áp dụng biện pháp thế chấp tài sản là hàng hóa luân chuyển tại các ngân hàng; từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Tác giả Nguyễn Đức Huỳnh viết trong bài “Một số khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và kiến nghị hoàn thiện”: “Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 đã có nhiều quy định mới, có tính cấp thiết, tiến bộ về chính sách hình sự được áp dụng với các tội phạm cụ thể, trong đó có tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 317. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác áp dụng pháp luật, định tội danh và định khung hình phạt”. Bài viết phân tích quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, phục vụ yêu cầu chung trong công tác điều tra và xử lý tội phạm.
Với bài viết “Những điểm mới nổi bật của Luật Đất đai năm 2024 và một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi”, các tác giả Trần Linh Huân - Trần Thị Lan tập trung nghiên cứu so sánh, phân tích những điểm mới, có tính tiến bộ của Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013, trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Tác giả Nguyễn Văn Tố Hữu và Lưu Thu Thủy nêu trong bài “Bàn về một số quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về quan hệ lao động lành mạnh”: “Quan hệ lao động lành mạnh là mục tiêu hướng đến của các bên tham gia vào thị trường lao động trước sự phát triển của nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Tại Việt Nam, Bộ luật Lao động năm 2019 là văn bản pháp lý quan trọng ghi nhận một số quy định nhằm xây dựng quan hệ lao động lành mạnh”. Nội dung bài viết, các tác giả phân tích làm rõ khái niệm quan hệ lao động lành mạnh cũng như phân tích một số quy định có liên quan đến sự lành mạnh trong quan hệ lao động theo Bộ luật Lao động năm 2019 và đề xuất hoàn thiện pháp luật.
Với bài viết “Cơ chế hoãn thi hành án tử hình tại Trung Quốc và một số đề xuất cho Việt Nam”, tác giả Nguyễn Hải Yến Và Trần Thị Thanh Thúy viết: “Cơ chế hoãn thi hành án tử hình là một cơ chế đặc biệt trong pháp luật hình sự Trung Quốc. Cơ chế này cho phép người bị kết án tử hình có cơ hội thể hiện khả năng cải tạo của mình trong một khoảng thời gian nhất định để có thể được ân giảm áp dụng hình phạt tù vô thời hạn hoặc có thời hạn. Cơ chế này được coi là một giải pháp thay thế cho hình phạt tử hình và trong bối cảnh cải cách về hình phạt tử hình gần đây, việc áp dụng rộng rãi cơ chế này đã được hoan nghênh nhằm tạo điều kiện giảm đáng kể việc thi hành án tử hình trên thực tế”. Bài viết phân tích bối cảnh ra đời, nội dung, phạm vi, cách thức áp dụng, những vấn đề quan ngại xung quanh cơ chế hoãn thi hành án tử hình tại Trung Quốc, trên cơ sở đó đưa ra một số đề xuất xây dựng cơ chế này trong bối cảnh pháp luật Việt Nam.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 9, kỳ I tháng 5 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 xuất bản ngày 10 tháng 9 năm 2024. Đây là ấn phẩm số đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945 - 13/9/2023).
Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 xuất bản ngày 25 tháng 8 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 xuất bản ngày 10 tháng 8 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL