Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2019 xuất bản ngày 25 tháng 5 năm 2019. Trong số này, Tạp chí TAND trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 07 bài viết về các vấn đề mới, nổi bật, được nhiều bạn đọc quan tâm hiện nay.

– Với bài viết “Vấn đề luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư”, TS. Trần Thăng Long – Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh đưa ra nhận định: “Trong vấn đề giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư, thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết có thể là Tòa án có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận đầu tư, trọng tài được thành lập theo pháp luật của quốc gia tiếp nhận đầu tư hoặc một Tòa trọng tài quốc tế… Cho dù tranh chấp được đưa đến cơ quan Tòa án hay trọng tài đi chăng nữa, thì một vấn đề không kém phần quan trọng mà cơ quan giải quyết tranh chấp phải cân nhắc một cách thận trọng, đó là, những căn cứ pháp lý nào sẽ cần được áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp và việc áp dụng các căn cứ pháp lý đó như thế nào?”. Từ đó, trong bài viết của mình, tác giả đi sâu nghiên cứu về nguồn luật áp dụng để giải quyết các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cho các cơ quan Tòa án hay Trọng tài của Việt Nam trong quá trình thụ lý và giải quyết các loại tranh chấp này.

– Trong bài viết: “Thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp về giá đất”, tác giả ThS. Châu Hoàng Thân – Trường Đại học Cần Thơ đã đưa ra những phân tích về các quy định pháp luật hiện hành giải quyết tranh chấp về giá đất, cụ thể là các quy định của Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, từ đó đưa ra những kiến nghị cụ thể để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại khi giải quyết các tranh chấp hành chính về giá đất và giải quyết tranh chấp giá đất trong các vụ án dân sự.

– Qua bài viết “Một số bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định liên quan đến thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự”, Th.S Nguyễn Thị Nhung – Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng: Mục đích của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhằm xác định yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; những vấn đề đã thống nhất, chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác; bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

Đồng thời, điểm g khoản 2 Điều 203 BLTTDS 2015 cũng quy định rõ: “2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét sử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:…g) Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”.

Tuy nhiên, BLTTDS 2015 lại không quy định cụ thể thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Do đó, khi nào mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải phụ thuộc vào quyết định của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.

Từ đó, tác giả có những phân tích, bình luận về một số quy định của pháp luật liên quan đến thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong đó có chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nêu đề xuất, kiến nghị cụ thể đẩm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, chính xác.

Cũng trong số này, Tạp chí TAND xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết: “Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Đoàn Đắc Chinh – Học viện Cảnh sát nhân dân. Có thể thấy, đây không phải là vấn đề mới mẻ đã được nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng như những cán bộ làm công tác thực tiễn xét xử đề cập đến trên các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo. Tuy nhiên, với việc phân tích cụ thể các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, tác giả Đoàn Đắc Chinh đã chỉ rõ những vướng mắc, bất cập khi áp dụng các quy định này vào thực tiễn. Từ đó nêu ra những đề xuất, kiến nghị chính xác, đầy đủ và có tính khá thi cao.

Ngoài ra, trong số này, Tạp chí Tòa án nhân dân cũng xin giới thiệu tới bạn đọc những bài viết về các vấn đề vô cùng mới mẻ và thú vị như: Những điểm mới và vướng mắc trong việc thực hiện quy định về thẩm quyền xét cử của Tòa án Quân sự; hợp tác quốc tế chống khủng bố ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trân trọng giới thiệu và kính mời quý độc giả quan tâm đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2019./.

BTK