Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 4 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 04 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 02 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu từ xã hội.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

       Trong bài viết: “Sự không đồng bộ giữa nội dung một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và giải pháp hoàn thiện”, tác giả Lê Huỳnh Tấn Duy nhận định: Tính không đồng bộ trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đa phần thể hiện ở sự không tương thích giữa quy định chung và quy định cụ thể trong từng giai đoạn tố tụng; nhưng cũng có thể giữa hai điều luật trong cùng một chế định luật. Vấn đề đặt ra là, trong trường hợp đó, về mặt lý luận, quy định nào sẽ được áp dụng? Ví dụ trường hợp một quy định cụ thể về phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự không đồng bộ với nội dung một nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự; hoặc quy định về một quyền nào đó của người tham gia tố tụng  tại phiên tòa khác với quy định về quyền này trong phần địa vị pháp lý.

Theo quan điểm của tác giả, tùy vào từng trường hợp mà có sự lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng cho phù hợp. Khi chưa thể tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nếu xảy ra tình huống một quy định cụ thể không đồng bộ với nội dung một nguyên tắc cơ bản thì ưu tiên áp dụng theo nguyên tắc. Bởi vì, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về các nguyên tắc là những quy phạm cơ bản nhất và là kim chỉ nam cho sự nhận thức, là đòi hỏi bắt buộc đối với thực tiễn tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự.

          Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số quy định không đồng bộ trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

        Với bài viết:“ Bồi thường thiệt hại về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm và một số vấn đề pháp lý đặt ra, tác giả Đoàn Thị Phương Diệp – Châu Thanh Quyền cho rằng: Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có những quy định mới để phù hợp hơn với sự thay đổi, phát triển của kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm. Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đặc biệt là chế định Bồi thường thiệt hại về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm. Thực tiễn áp dụng pháp luật đối với vấn đề này vẫn còn chưa có sự thống nhất đòi hỏi cần phải có cách hiểu, hướng dẫn thống nhất đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

Tổn thất về tinh thần là loại tổn thất khó xác định trong thực tiễn áp dụng trách nhiệm Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sự trừu tượng và khó định lượng của loại thiệt hại này. Cũng như quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần trong ba trường hợp cụ thể, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Nhìn chung, loại trách nhiệm bồi thường này chỉ xuất hiện khi thiệt hại xảy ra đối với các giá trị nhân thân hay gắn liền với nhân thân của người bị thiệt hại, đặc biệt, không thể có tổn thất về tinh thần trong những trường hợp có thiệt hại về tài sản hay nói cách khác, thiệt hại về tài sản không thể gây ra những tổn thất về tinh thần trong cách nhìn nhận hiện nay của nhà làm luật Việt Nam. Trong nội dung bài viết, các tác giả đi sâu phân tích các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

     Trong bài viết: “Quy định tạm ngừng phiên tòa tại Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 – một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả  Lê Thị Nga nhận định: Có thể thấy, quá trình giải quyết vụ án dân sự trải qua các giai đoạn tố tụng khác nhau, trong đó, xét xử sơ thẩm tại phiên tòa là giai đoạn quan trọng nhất. Theo quy định của luật tố tụng dân sự, phiên tòa sơ thẩm sẽ được tiến hành với sự tham gia của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo đúng thời gian, địa điểm được xác định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, có những trường hợp vì những lý do khác nhau dẫn đến phiên toà sơ thẩm dân sự không diễn ra theo đúng trình tự nêu trên, phiên toà sơ thẩm có thể bị tạm ngừng khi xuất hiện những lý do theo luật định.

Tạm ngừng phiên tòa là một trong số các quy định mới, tiến bộ của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Tạm ngừng phiên tòa được đặt ra trong trường hợp xuất hiện những lý do khách quan dẫn đến việc không thể tiếp tục phiên tòa theo đúng kế hoạch xét xử đề ra lúc ban đầu. Quy định này phù hợp với thực tiễn xét xử hiện nay; mục đích của việc tạm ngừng phiên tòa là nhằm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí tố tụng, bởi khác với việc hoãn phiên tòa, khi tiếp tục tiến hành phiên tòa sau thời gian tạm ngừng thì Hội đồng xét xử không phải xét xử vụ án lại từ đầu mà xét xử tiếp theo phần đã tạm ngừng trước đó.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy việc áp dụng quy định tạm ngừng phiên tòa quy định tại Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích, chỉ ra những vướng mắc, bất cập đó và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

Trong bài viếtMột số vấn đề cần luận bàn về quyền bề mặt trong Bộ luật Dân sự năm 2015”, tác giả Nguyễn Thị Hường cho rằng: Quyền bề mặt là một quyền tài sản mới được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005 đều không có quy định về quyền năng này. Tuy vậy, trên thế giới đây không phải là một loại quyền năng mới. Dựa trên những dữ liệu lịch sử của nhân loại, các nhà nghiên cứu pháp luật cho rằng, thuật ngữ “Quyền bề mặt” (Superficies) đã được hình thành từ rất sớm, khoảng năm 439 trước Công nguyên, khi luật 12 bảng của Nhà nước La Mã ra đời. Cụ thể, thuật ngữ quyền bề mặt đã xuất hiện trong bộ tập hợp Corpus Juris Civilis – Bộ luật đồ sộ nhất của La Mã vào thời kỳ Hoàng đế Justinian (năm 529 sau Công nguyên). Theo cách hiểu cổ xưa của người La Mã thì: Quyền bề mặt đơn thuần là quyền sử dụng bề mặt đất để tạo lập các tài sản gắn liền với đất và một người có thể có quyền bề mặt bằng cách thỏa thuận với chủ sở hữu đất cho phép xây dựng công trình trên đó và bằng cách đó, anh ta đạt được quyền bề mặt. Tuy nhiên, quan điểm về cách hiểu quyền bề mặt với phạm vi đối tượng hẹp như vậy (chỉ bao gồm bề mặt đất) không còn được ghi nhận trong hệ thống pháp luật của các quốc gia ngày nay.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích các quan điểm khoa học khác nhau về quyền bề mặt, từ đó đưa ra khái niệm về quyền bề mặt. Với việc phân tích một số vấn đề về quyền bề mặt trong Bộ luật Dân sự năm 2015, tác giả đưa ra những nhận định và kiến nghị hoàn thiện pháp luật cụ thể.

         Với bài viết: “Bàn về việc nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp trong điều tra, xử lý các vụ án về kinh tế, tham nhũng, tác giả Lại Sơn Tùng nhận định: Hiện nay, tình hình tội phạm về kinh tế, tham nhũng ở nước ta đang diễn ra hết sức phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn vô cùng tinh vi. Trong quá trình điều tra, khám phá các vụ án kinh tế, tham nhũng, kết quả giám định tư pháp được xác định là một nguồn chứng cứ quan trọng có giá trị chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, công tác này trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải sớm được khắc phục. Trong bài viết này, tác giả chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp, trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác giám định tư pháp trong điều tra, khám phá các vụ án phạm tội về kinh tế, tham nhũng.

Trong bài viết: “Một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”, tác giả Thái Chí Bình nêu nhận định: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tương đối chi tiết, cụ thể vấn đề kết hôn, chế độ tài sản của vợ chồng, chấm dứt hôn nhân, quan hệ giữa cha, mẹ và con, xác định cha, mẹ, con, vấn đề cấp dưỡng…, qua đó, tạo thuận lợi cho Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm tính ổn định của gia đình; duy trì và phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 vào thực tiễn vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Bài viết này tác giả tập trung phân tích, đánh giá về những bất cập trong các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; từ đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Với bài viết: Vấn đề gia nhập công ước Hague năm 2005 về thỏa thuận lựa chọn Tòa án của Trung Quốc - một số tham khảo cho Việt Nam”, tác giả Phan Hoài Nam nhận định: Mục đích ban đầu cho sự ra đời của Công ước Hague 2005 về thỏa thuận lựa chọn Tòa án (gọi tắt là Công ước) là nhằm nhất thể hóa các quy định điều chỉnh về thẩm quyền và công nhận, cho thi hành phán quyết của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, mục đích này đã không đạt được, bởi lẽ, có quá nhiều sự khác biệt giữa pháp luật, những chuẩn mực đạo đức, công bằng, quy tắc tố tụng… của các quốc gia trong việc điều chỉnh về việc xác định thẩm quyền của Tòa án, cũng như hoạt động công nhận và cho thi hành các phán quyết của Tòa án nước ngoài còn khá dè dặt, do tâm lý chưa tin tưởng vào hệ thống tư pháp của nhau trên cơ sở của nguyên tắc thân thiện quốc gia - comity. Các nội dung của Công ước được ra đời trên cơ sở dung hòa những lợi ích khác nhau giữa các quốc gia, đặc biệt nhất đó chính là sự dung hòa giữa truyền thống Civil law và Common law. Mặc dù cũng còn một số hạn chế, song Công ước vẫn được xem là một sản phẩm tuyệt vời, có giá trị chất lượng và có ý nghĩa rất lớn cho các giao dịch dân sự, thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là cải thiện sự tự tin của các doanh nghiệp liên quan đến khả năng dự báo địa điểm cho việc giải quyết các các tranh chấp, thể hiện được quyền tự định đoạt giữa các bên.

Hiện nay, Công ước đã phát sinh hiệu lực tại 30 thành viên là các quốc gia, và một thành viên là tổ chức EU. Hiện nay, có 04 quốc gia đã tham gia ký vào Công ước và đang chờ phê chuẩn thông qua, trong số này có Trung Quốc. Việc gia nhập Công ước của Trung Quốc khiến cho giới nghiên cứu phải đặt ra câu hỏi: Trung Quốc được và mất gì khi gia nhập Công ước? Việt Nam nên, hay không nên gia nhập Công ước này?

Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí Tòa án nhân dân xin giới thiệu tới bạn đọc hai bài viết: “Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với Nguyễn Xuân D được tính như thế nào? của tác giả Nguyễn Trọng Sơn và bài “Nguyễn Thị T phạm tội gì?”, của tác giả Phạm Xuân Thụy. Đây là hai tình huống cụ thể mà việc nhận định, đánh giá còn nhiều quan điểm khác nhau, kính mời độc giả cùng phân tích, đánh giá, bình luận, trao đổi để việc áp dụng pháp luật được chính xác và thống nhất.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 04 năm 2021.

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK