Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 9 năm 2019
Tạp chí Tòa án nhân dân số 9 năm 2019 xuất bản ngày 10 tháng 5 năm 2019. Trong số này, Tạp chí TAND trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 08 bài viết về các vấn đề mới, nổi bật, được nhiều bạn đọc quan tâm hiện nay.
– Với bài viết “Một số vấn đề về xâm hại tình dục đối với trẻ em nhìn từ góc độ xã hội và những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” tác giả TS. Phạm Minh Tuyên – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đề cập đến một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, bởi thực tế hiện nay cho thấy tình hình tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng tâm sinh lý rất lớn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục cũng như gây tâm lý xấu cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều vụ việc chưa được xử lý hoặc xử lý không kịp thời, nghiêm minh gây nên bức xúc trong dư luận xã hội… Từ đó, trong bài viết của mình, tác giả Phạm Minh Tuyên tập trung phân tích vấn đề xâm phạm tình dục trẻ em dưới góc độ xã hội và pháp luật, đặc biệt là những quy định của Bộ luật Hình sự 2015, từ đó đưa ra những kiến nghị thiết thực.
– Trong số này, cùng với việc đăng tải tiếp theo và hết nội dung bài viết: “Thực tiễn giải quyết tranh chấp có liên quan đến biện pháp bảo đảm tại cơ quan tài phán và kiến nghị hoàn thiện pháp luật” của tác giả Tưởng Duy Lượng, Tạp chí Tòa án nhân dân tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những phân tích, lập luận chặt chẽ, sắc sảo về những hạn chế, vướng mắc trong quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có liên quan đến biện pháp bảo đảm tại cơ quan tài phán, từ đó đưa một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với các cơ quan có thẩm quyền sẽ là những nội dung vô cùng cần thiết cho các cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp nói riêng và người dân nói chung khi quan tâm đến vấn đề này.
– Qua bài viết “Sự tham gia của các tổ chức không có tư cách pháp nhân trong giao dịch dân sự”, PGS. TS Vũ Thị Hồng Yến nêu vấn đề: Các thực thể pháp lý được các văn bản pháp luật ghi nhận như: Các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp gồm có công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn; các công ty luật, văn phòng luật theo Luật Luật sư; các văn phòng công chứng, phòng công chứng theo Luật công chứng; các hộ kinh doanh cá thể theo Luật Thương mại; hộ gia đình sử dụng đất theo Luật Đất đai; tổ hợp tác theo Bộ luật Dân sự. Đây là những chủ thể được tạo ra bởi các quy định của pháp luật bên cạnh cá nhân là chủ thể tự nhiên của quan hệ pháp luật. Vậy những chủ thể này liệu có đáp ứng được các tiêu chí để trở thành chủ thể của giao dịch dân sự nếu không đáp ứng được các điều kiện của một pháp nhân; những chủ thể này có bị tước quyền tham gia vào các giao dịch dân sự và nếu có thì sẽ tham gia vào các giao dịch dân sự theo cách thức nào? Có thể nói, đây là vấn đề khá mới mẻ nhưng cũng vô cùng thú vị, đòi hỏi các nhà lập pháp, cũng như các cơ quan tư pháp cần có nhận thức đúng đắn để việc hiểu và áp dụng vào thực tiễn được thống nhất, hiệu quả. Bằng việc phân tích các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, tác giả bài viết đã đưa ra những đề xuất thiết thực để hoàn thiện pháp luật về chủ thể trong giao dịch dân sự.
– Trong bài viết “Một số vấn đề về đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại và đề xuất, kiến nghị”, của đồng tác giả là TS. Lê Đăng Doanh và TS. Lê Đăng Khoa, hai tác giả đề cập đến một vấn đề rất mới. Bởi lẽ, pháp nhân thương mại lần đầu tiên trở thành chủ thể của tội phạm trong Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, pháp nhân thương mại cũng phải có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như chủ thể của tội phạm là cá nhân, trong đó có quyền bào chữa. Nhưng để thực hiện việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại như thế nào thì còn rất nhiều nội dung cần quan tâm. Tác giả Lê Đăng Doanh và Lê Đăng Khoa nêu quan điểm: “Để quyền bào chữa được thực hiện trên thực tế, về lý luận, trong quan hệ pháp luật quyền của chủ thể này là nghĩa vụ tương ứng của chủ thể khác. Do đó, muốn bảo đảm quyền bào chữa của pháp nhân thương mại trong tố tụng hình sự thì phải có các quy định về nghĩa vụ nhất định đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc các cơ quan, tổ chức khác có liên quan… Những quy định về nghĩa vụ như vậy hình thành nên cơ chế thống nhất, bảo đảm quyền bào chữa trong hoạt động tố tụng, trong đó có vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của pháp nhân thương mại là bị can, bị cáo.”.
Ngoài ra, trong số này, Tạp chí Tòa án nhân dân cũng xin giới thiệu tới bạn đọc những bài viết về các vấn đề vô cùng mới mẻ và thú vị như: Vấn đề về hoàn thiện pháp luật chống khủng bố quốc tế; vấn đề về nội luật hóa các quy định về tội mua bán người; vấn đề về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và vấn đề về quyền thừa kế tài sản giữa vợ, chồng.
Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả quan tâm đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 9 năm 2019./.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao