Tập huấn cho Thẩm phán về xét xử các vụ án xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi

Chiều ngày 28/2/2022, TANDTC tổ chức Hội nghị Tập huấn trực tuyến cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trên toàn quốc về việc xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Hội nghị nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tiếp cận tư pháp” được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP.

Tham dự chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC. Cùng dự còn có bà Audrey ROCHELEMAGNE - đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; bà Lesley Miller - Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam; đại diện các Vụ chức năng thuộc TANDTC tại điểm cầu trung tâm, đại biểu của Học viện Tòa án tại điểm cầu Học viện Tòa án và các đại biểu của các TANDCC, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện tại 800 điểm cầu thành phần.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn ra phức tạp, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận. Hậu quả của loại tội phạm này gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Thực tiễn quá trình giải quyết các vụ án cho thấy còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau; nhiều đối tượng xâm hại lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn….

Ngày 01/10/2019, TANDTC ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Sau khi Nghị quyết được ban hành đã tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, công tác giải quyết các vụ án xâm hại về tình dục trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn.

Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, bà Audrey Rochelemagne cho biết, thời gian vừa qua dư luận rất quan tâm đến các vụ án xâm hại tới người dưới 18 tuổi. Các Thẩm phán, Điều tra viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm trẻ dễ bị xâm hại. Với việc ra đời các tòa chuyên trách, Việt Nam đã tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế cũng như các cam kết của việt nam trong các công ước quốc tế về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Bà Audrey Rochelemagne chúc mừng những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này.

Về vấn đề tâm lý trẻ em và tác động của việc trở thành nạn nhân, nạn nhân trẻ em của tội phạm đặc biệt dễ bị tổn thương và có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng (thể chất và tâm lý) bởi bạo lực và bóc lột. Khả năng đối phó của từng trẻ em khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi, sự phát triển cá nhân và khả năng phục hồi của chúng, cũng như mức độ hỗ trợ, chăm sóc và nuôi dưỡng từ phía gia đình. So với người lớn, trẻ em sẽ gặp khó khăn hơn trong việc xử lý các sự kiện tiêu cực trong đời sống; gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh cảm xúc; thiếu sự trưởng thành về tâm lý để đối phó với sức ép tinh thần đến từ quá trình điều tra và xét xử tội phạm.

 

Đại diện các tổ chức, chuyên gia phát biểu tại Hội nghị

Thông thường, trong các vụ án liên quan đến trẻ em, tác động của hành vi phạm tội đối với tinh thần và tâm lý của trẻ càng trầm trọng hơn bởi vì thủ phạm là người mà đứa trẻ yêu quý và tin tưởng. Hầu hết trẻ em bị xâm hại bởi một thành viên trong gia đình vẫn trung thành với người đó. Đối với trẻ em gái, văn hóa im lặng trước vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đóng vai trò như một trong những rào cản đến việc khai báo. Thông thường, áp lực từ gia đình hoặc cộng đồng buộc phải giữ im lặng và đặt sự gắn kết của gia đình hoặc cộng đồng lên trên quyền của trẻ em gái.

Trẻ em khuyết tật có xu hướng đặc biệt dễ bị xâm hại, đồng thời phải đối mặt với những thách thức khác trong việc khai báo và yêu cầu giúp đỡ, chẳng hạn như rào cản về thể chất hoặc giao tiếp, hoặc nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng rằng chúng không có khả năng.

Trong quá trình thu thập lời khai, các nạn nhân trẻ em cũng thường thay đổi lời khai và phủ nhận rằng tội phạm đã xảy ra, hoặc từ chối tham gia vào thủ tục tố tụng hình sự sau lần khai báo đầu tiên. Thông thường, điều này không phải là vì khai báo ban đầu của họ không đúng sự thật, mà là do phản ứng cảm xúc đối với những gì đã xảy ra sau lần khai báo đầu tiên.

Do đó Các thẩm phán phải nhận thức được những tác động tâm lý khác nhau này để tránh đưa ra phán quyết dựa trên những giả định không chính xác về cách cư xử của các nạn nhân trẻ em.

Điều cần thiết là các thẩm phán phải đối xử với nạn nhân trẻ em với sự kiên nhẫn, lòng tự trọng và lòng trắc ẩn, đồng thời phải tính đến tác động cảm xúc và tâm lý của những gì trẻ đã trải qua.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị đã được nghe các ý kiến trao đổi, các kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế về vấn đề Xét xử các vụ án xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi. Đồng thời các đại biểu tham dự cũng đã đưa các vấn đề quan tâm ra trao đổi, rút kinh nghiệm.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đánh giá cao ý kiến trao đổi của các chuyên gia của Unicef, các kinh nghiệm về xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em như: Sự phát triển của người chưa thành niên và ý nghĩa của nó đối với chứng cứ trong các vụ án xâm hại tình dục; đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên và những tác động của tội phạm đó đối với nạn nhân là người chưa thành niên; các loại bằng chứng và việc đánh giá chứng cứ trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người chưa thành niên.

Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia quốc tế tại Hội nghị tập huấn, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đề nghị các Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án trong toàn quốc nghiên cứu kỹ năng, kinh nghiệm quý của quốc tế để vận dụng phù hợp với pháp luật và thực tiễn xét xử của Việt Nam giải quyết có hiệu quả các loại vụ án này.

CẢNH DINH