Tập trung giám sát hành vi lãng phí, thất thoát trong các lĩnh vực đất đai, mua sắm, đầu tư công

Xác định rõ nội hàm hai khái niệm “thực hành tiết kiệm” và “chống lãng phí” để thấy rằng hậu quả của lãng phí rất lớn, do đó cần tập trung vào giám sát các hành vi lãng phí dẫn đến thất thoát trong các vấn đề như đất đai, tài sản công, mua sắm công, đầu tư công...

Chiều 24/3, UBTVQH đã  bế mạc Phiên họp thứ 9. Trước khi bế mạc, UBTNQH đã cho ý kiến vào Báo cáo Kết quả bước đầu và kế hoạch tiếp theo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022.

Báo cáo chậm và sơ sài

Trình báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết số 06/KH-ĐGS ngày 30/9/2021. Căn cứ Kế hoạch chi tiết, Đoàn giám sát ban hành các công văn gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định. Đến ngày 23/3/2022, Đoàn giám sát chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan Trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài. Nội dung báo cáo của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu phản ánh tình hình, kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế chỉ nêu nhận định chung chung, không cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát. Các Đoàn đại biểu Quốc hội chưa đến thời hạn gửi báo cáo (trước 30/4/2022), nên Đoàn giám sát chưa có thêm thông tin tại địa phương để làm rõ kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Báo cáo bước đầu của Đoàn giám sát cho biết, công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát thấy rằng, cân đối tài chính vĩ mô, cân đối NSNN chưa thật sự bền vững; cơ cấu lại chi NSNN chưa đạt yêu cầu đề ra; vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm trong công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN (bao gồm kế hoạch đầu tư công) hằng năm và 5 năm.

Bên cạnh đó, về quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác, Báo cáo của Chính phủ chưa báo cáo cụ thể việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác theo quy định. Đoàn giám sát thấy rằng, trong giai đoạn vừa qua việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác còn nhiều tồn tại, hạn chế tất cả các khâu từ lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đến tổ chức triển khai thực hiện dẫn đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác chưa hiệu quả, một số dự án thua lỗ lớn, gây thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước.

Vấn đề lãng phí đất đai, mua sắm tài sản công

Khẳng định Đoàn giám sát đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuẩn bị báo cáo kết quả ban đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc giám sát qua nghe báo cáo cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, việc khảo sát tại địa phương có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy nếu mở rộng số lượng địa phương để tiến hành khảo sát thì những nhận định, đánh giá sẽ có tính chính xác cao hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng báo cáo giám sát phải chỉ ra những nơi nào làm tốt, nơi nào làm không tốt, địa chỉ điển hình rõ ràng. Một số vấn đề nổi lên cần tập trung khai thác trong quá trình giám sát như: vấn đề lãng phí đất đai, đất để hoang hóa, các các dự án dang dở, lãng phí trong mua sắm tài sản công…

Đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH để báo cáo có chất lượng cao hơn. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần bám sát vào Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các văn bản kèm theo để tiến hành triển khai giám sát; đảm bảo giám sát toàn diện nhưng phải trọng tâm, trọng điểm. Xác định rõ nội hàm hai khái niệm “thực hành tiết kiệm” và “chống lãng phí” để thấy rằng hậu quả của lãng phí rất lớn, do đó cần tập trung vào giám sát các hành vi lãng phí dẫn đến thất thoát trong các vấn đề như đất đai, tài sản công, mua sắm công, đầu tư công...

“Báo chí nêu hàng loạt ‘dự án làm nghèo đất nước’. Hàng nghìn dự án treo, ruộng để hoang hóa sao không thu hồi được? Ở Tây Nguyên có hồ chứa nước mấy nghìn tỷ đồng làm xong lâu rồi mà không sử dụng tưới tiêu được thì trách nhiệm của ai? Ban hành văn bản khiến thất thoát không nhỏ, gây ách tắc dẫn đến lãng phí thì nguyên nhân là gì?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề hàng loạt vấn đề và nhấn mạnh nếu xử lý tốt thì đây là nguồn lực rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, khó chỉ ra nơi tiết kiệm tốt, ít lãng phí nhưng rất dễ có bằng chứng chỉ ra cái này không tiết kiệm, cái kia là lãng phí, “công trình nhìn nứt toác ra, không dùng được thì chẳng chứng minh cũng thấy rõ”.

Khẩn trương, tập trung, nỗ lực để làm tốt nhất

Tạo phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH đã dành thời gian thỏa đáng để xem xét và cho ý kiến về kết quả bước đầu của 3 Đoàn giám sát chuyên đề và việc quyết định lựa chọn các đơn vị, địa phương để tiến hành khảo sát thực tế đối với các Đoàn giám sát. Đó là, Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 5 năm 2016-2021; Đoàn giám sát về việc thực hiện các Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; Đoàn giám sát về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021.

UBTVQH nhất trí và đánh giá cao các báo cáo kết quả giám sát bước đầu về 3 chuyên đề nêu trên, ghi nhận sự nỗ lực của Thường trực Đoàn giám sát và các Tổ giúp việc đã triển khai thực hiện có hiệu quả, nghiêm túc các kế hoạch và đề cương giám sát theo Nghị quyết của UBTVQH, đảm bảo yêu cầu và tiến độ theo kế hoạch. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương trong việc báo cáo, cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dù mới là kết quả bước đầu nhưng với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa nên các báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, các nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả giám sát 3 chuyên đề nêu trên.

UBTVQH đề nghị thường trực các Đoàn giám sát phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội giúp UBTVQH điều hòa chương trình, kế hoạch hoạt động giám sát tại các địa phương, các bộ, ngành, cơ quan và đơn vị, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian và địa điểm, nhằm đảm bảo việc thực hiện giám sát chuyên đề ngày càng thiết thực trong bối cảnh vẫn phải tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh, đây là 3 chuyên đề giám sát rất quan trọng đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đầy đủ hành trang, đường hướng, đến này vấn đề còn lại là tác nghiệp, tổ chức thực hiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đoàn giám sát rà soát lại việc phân công, tăng cường công tác chỉ đạo, tinh thần rất khẩn trương, tập trung, nỗ lực để làm tốt nhất.

MINH KHÔI