Thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, một số vướng mắc khi thi hành
Theo Quyết định giám đốc thẩm, bản án dân sự phúc thẩm bị hủy nên phần án phí phúc thẩm chưa được giải quyết. TAND xét xử sơ thẩm vẫn đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án cho đến nay mà không có hướng xử lý.
Khoản 2 Điều 343 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định: “Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa”.
Như vậy, khi bản án của Tòa án cấp dưới đã bị hủy được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm giữ nguyên bản án và hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật thì bản án của Tòa án cấp dưới có hiệu lực pháp luật và được thi hành. Tuy nhiên thực tế, Tòa án cấp dưới sau khi thụ lý giải quyết lại các vụ án bị hủy đã xảy ra một số vướng mắc.
Tình huống pháp lý như sau:
Bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh G về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà T.T.H với bị đơn là bà N.T.L và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bị kháng cáo.
Tại bản án dân sự phúc thẩm của TANDCC tại Đà Nẵng đã xét xử và quyết định hủy bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh G và giao lại hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.
TAND tỉnh G đã thụ lý giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Trong quá trình giải quyết vụ án, TANDTC có văn bản đề nghị TAND tỉnh G chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm theo đơn kiến nghị giám đốc thẩm của đương sự. Tòa án nhân dân tỉnh G đã chuyển hồ sơ vụ án cho TANDTC đồng thời ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 214 BLTTHS.
Quyết định giám đốc thẩm của TANDTC quyết định: Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Hủy bản án dân sự phúc thẩm của TANDCC tại Đà Nẵng về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà T.T.H với bị đơn là bà N.T.L và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh G.
Theo Quyết định giám đốc thẩm của TANDTC, thì bản án dân sự phúc thẩm của TANDCC tại Đà Nẵng bị hủy nên phần án phí phúc thẩm chưa được giải quyết. Hiện nay, TANDTC vẫn đang lưu giữ toàn bộ hồ sơ vụ án, TAND tỉnh G vẫn đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án cho đến nay mà không có hướng xử lý, nên gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến tỷ lệ giải quyết án và kết quả thi đua của TAND tỉnh G (vì án tạm đình chỉ vẫn xác định là án chưa giải quyết).
Hiện nay có hai quan điểm giải quyết vụ án nêu trên như sau:
Quan điểm thứ nhất: Căn cứ vào Quyết định giám đốc thẩm của TANDTC, Tòa án tỉnh G ban hành Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm và ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm với lý do “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” theo điểm g khoản 1 Điều 217 của BLTTDS. Trong phần hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án, TAND tỉnh G phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có) và Quyết đình này có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Quan điểm thứ hai: Căn cứ vào Quyết định giám đốc thẩm của TANDTC, TAND tỉnh G ban hành Thông báo về việc xóa tên vụ án ra khỏi sổ thụ lý vì vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án và Thông báo này không bị kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.
Theo tác giả cần sửa đổi bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, theo đó khi Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì cần giải quyết luôn hậu quả của việc hủy bản án, quyết định đó, cụ thể là xem xét giải quyết luôn đối với phần án phí của bản án bị hủy. Sau đó thì Tòa án cấp sơ thẩm khi nhận được Quyết định giám đốc thẩm chỉ cần ra Thông báo chấm dứt giải quyết vụ án, xóa tên vụ án trong sổ thụ lý của Tòa án.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi từ phía bạn đọc.
Tòa án nhân dân huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi xét xử vụ án hôn nhân và gia đình- Ảnh: Như Ý
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận