Thu hồi nợ trước thời hạn phải thông báo cho bên vay
Hiện nay rất nhiều những trường hợp tổ chức tín dụng thu hồi nợ trước hạn đối với trường hợp khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ trước hạn diễn ra trên thực tiễn vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến vẫn còn chưa thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Khoản 1 Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
“1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng.”
Như vậy, trường hợp bên vay cung cấp thông tin sai sự thật (ví dụ: Mục đích sử dụng vốn vay không đúng với mục đích vay ban đầu, ...), vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay (ví dụ: Vi phạm thời hạn trả tiền gốc trong trường hợp thỏa thuận trả tiền gốc thành nhiều đợt, ...) thì Ngân hàng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn.
Hiện nay trong các hợp đồng tín dụng hầu hết đều có điều khoản quy định về việc Ngân hàng được quyền thu hồi nợ trước hạn trong trường hợp bên vay cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay.
Vấn đề đặt ra là, trong trường hợp Ngân hàng phát hiện bên vay cung cấp thông tin sai sự thật hoặc trong trường hợp khách hàng vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay, thì Ngân hàng có đương nhiên được quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn không hay phải thông báo cho khách hàng biết về việc Ngân hàng chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước.
1. Quan điểm thứ nhất cho rằng Ngân hàng không phải ra thông báo về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn.
Vì cho rằng trong Hợp đồng tín dụng đã quy định rõ về trường hợp nếu bên vay cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền thì Ngân hàng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nên trong trường hợp này Ngân hàng có quyền đương nhiên chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn mà không cần phải thông báo đến bên vay về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn.
2. Quan điểm thứ hai cho rằng Ngân hàng phải ra thông báo về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn.
Mặc dù trong Hợp đồng tín dụng đã quy định rõ về trường hợp nếu bên vay cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền thì Ngân hàng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nhưng trong trường hợp Ngân hàng phát hiện vi phạm thì vẫn phải thông báo cho bên vay biết về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn trước khi chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn.
Tác giả đồng quan điểm với quan điểm thứ hai.
Thứ nhất, khoản 1 Điều 21 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định:
“1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Khi thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.”
Như vậy, không phụ thuộc vào việc trong hợp đồng tín dụng có hay không việc thỏa thuận về việc Ngân hàng chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, trong bất kỳ trường hợp nào, khi thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong thỏa thuận cho vay, Ngân hàng đều phải thông báo cho bên vay. Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, thì nội dung thông báo tối thiểu bao gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.
Thứ hai, bên vay sẽ không biết và Ngân hàng cũng sẽ không có căn cứ để chứng minh việc khi nào thì Ngân hàng phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay.
Thứ ba, về thời điểm chấm dứt cho vay, thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.
Tại thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn thì hợp đồng tín dụng vẫn chưa đến hạn phải thanh toán, nên đương nhiên bên vay sẽ không biết thời điểm Ngân hàng chấm dứt việc cho vay. Việc chấm dứt cho vay thu hồi nợ trước hạn sẽ đẩy bên vay đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro... Nên việc Ngân hàng thông báo thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn sẽ thông báo cho bên vay biết được thời điểm Ngân hàng chấm dứt cho vay, thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn để bên vay có thời gian chuẩn bị tiền để trả nợ.
Thứ tư, về thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.
Thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn thì hợp đồng tín dụng vẫn chưa đến hạn phải thanh toán, nên lãi suất vay áp dụng vẫn là lãi suất trong hạn, chưa phát sinh lãi suất quá hạn. Trong hợp đồng sẽ quy định rõ mức lãi suất quá hạn (ví dụ: 15%/năm, 12%/năm, ...) và phương thức tính lãi suất quá hạn là cố định hoặc thả nổi (ví dụ: Lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn). Việc Ngân hàng thông báo thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn sẽ thông báo cho bên vay biết về việc thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.
Việc Ngân hàng tự ý chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn mà không thông báo cho bên vay biết là vi phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên vay. Như vậy, trong hợp đồng tín dụng có hay không quy định về việc thu hồi nợ trước hạn, thì trong mọi trường hợp khi Ngân hàng thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong thỏa thuận cho vay, Ngân hàng phải thông báo cho bên vay về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, nội dung của thông báo phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Bài liên quan
-
KienlongBank triển khai những “giải pháp tín dụng” kịp thời, chung tay cùng người dân khắc phục hậu quả cơn bão số Yagi
-
Công ty TNHH GREENITY Hà Nội thương hiệu uy tín - sản phẩm chất lượng - dịch vụ tin dùng
-
Eximbank hướng tới mô hình mới tiêu biểu theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024
-
THẺ TÍN DỤNG NAM A BANK NHẬN “MƯA” GIẢI THƯỞNG TỪ JCB
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận