Thừa kế theo pháp luật giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha
BLDS năm 2015 không đưa ra định nghĩa thế nào là “anh ruột, chị ruột, em ruột.” Trường hợp anh, chị, em cùng cha cùng mẹ hiển nhiên là anh, chị, em ruột. Tuy nhiên, trường hợp anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì có được xem là anh, chị, em ruột hay không? Bài viết này sẽ trả lời câu hỏi trên, nhìn từ quy định của pháp luật qua các thời kỳ và thực tiễn xét xử.
Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 chia những người thừa kế theo pháp luật thành ba hàng; trong đó, hàng thừa kế thứ hai gồm “ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.”[1]
1.Quy định của pháp luật
Pháp luật Việt Nam trước năm 1990 dường như không xem anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha là anh, chị, em ruột. Cụ thể, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 quy định “Cấm kết hôn giữa anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.”[2] Duy trì cách hiểu này, Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/07/1981 của TANDTC hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế quy định hàng thừa kế thứ hai gồm “ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột; anh, chị, em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha và anh, chị, em nuôi.”[3]
Tuy nhiên, Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và văn bản hướng dẫn đã đưa ra một cách hiểu khác về anh, chị, em ruột. Cụ thể, Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định hàng thừa kế thứ hai gồm “ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.”[4] Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 giải thích như sau: “Anh ruột, chị ruột, em ruột là anh, chị, em cùng mẹ hoặc cùng cha, nghĩa là một người mẹ sinh bao nhiêu người con thì bấy nhiêu người con đó đều là anh, chị, em ruột của nhau, không phụ thuộc vào việc các con đó là cùng cha hay khác cha. Cũng tương tự như vậy, một người cha sinh ra bao nhiêu con thì bấy nhiêu người con đó đều là anh, chị, em ruột của nhau, không phụ thuộc vào việc các người con đó cùng mẹ hay khác mẹ. Con riêng của vợ và con riêng của chồng thì không phải là anh, chị, em ruột của nhau.”[5] Như vậy, theo cách hiểu của Nghị quyết số 02/HĐTP thì anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha cũng được xem là anh, chị, em ruột.
Sau khi Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 hết hiệu lực,[6] BLDS năm 1995,[7] BLDS năm 2005,[8] BLDS năm 2015[9] lần lượt được áp dụng. Trong đó, BLDS năm 1995 quy định hàng thừa kế thứ hai gồm “ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;”[10] BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 quy định hàng thừa kế thứ hai gồm “ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.”[11] Tuy nhiên, cả BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều không đưa ra định nghĩa thế nào là “anh ruột, chị ruột, em ruột” và cũng không có quy định rõ ràng rằng anh, chị, em ruột có bao gồm anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha hay không. Do đó, việc tìm hiểu quan điểm của Tòa án về vấn đề này trong thực tiễn giải quyết tranh chấp thừa kế là cần thiết.
2.Thực tiễn xét xử
Các tác giả tìm thấy thực tiễn xét xử liên quan đến quyền thừa kế theo pháp luật giữa hai chị em cùng mẹ khác cha tại bản án số 160/2017/DS-PT ngày 26/07/2017 của TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh về “Tranh chấp đòi lại tài sản nhà, đất và thừa kế tài sản”. Nguyên đơn là bà Trần Tú A. Bị đơn là ông Trần Chí Q và bà Trần Thị L (vợ ông Q). Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Đàm Phước T (có yêu cầu độc lập); Trần Hải Đ, Trần Hải T (các con của ông Q và bà L).
Sự kiện pháp lý: Cụ Xa M chung sống với cụ Trương N có ba người con chung gồm bà Trương Tuyết A, bà Trương Huệ Đ và bà Trương H. Sau khi cụ Trương N chết, cụ Xa M chung sống với cụ Trần Quan H có hai người con chung gồm bà Trần Tú A và ông Trần Văn H. Ông Trần Chí Q là con riêng của cụ Trần Quan H nhưng được cụ Xa M nhận làm con nuôi.
Trong số năm người con của cụ Xa M: Bà Trương Huệ Đ chết năm 2003, từng có chồng nhưng đã ly hôn năm 1970, có một người con là ông Đàm Phước T; Bà Trương H chết năm 2006, không có chồng con; Ông Trần Văn H chết năm 1973, không có vợ con.
Năm 1997, cụ Xa M chết. Năm 2004, bà Trương Tuyết A chết không để lại di chúc, không có chồng con. Gia đình ông Trần Chí Q đang quản lý nhà và đất là di sản của bà Trương Tuyết A chết để lại. Do đó, bà Trần Tú A khởi kiện yêu cầu ông Trần Chí Q cùng gia đình trả lại nhà và đất nêu trên. Ông Trần Chí Q từ chối nhận di sản của bà Trương Tuyết A, đồng ý trả lại nhà và đất nêu trên, nhưng yêu cầu bà Trần Tú A trả chi phí sửa chữa, tu bổ và quản lý căn nhà là 50 triệu đồng. Ông Đàm Phước T yêu cầu Tòa án không công nhận bà Trần Tú A là em cùng mẹ khác cha với bà Trương Tuyết A.
Quy trình tố tụng: Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 11/04/2017, TAND tỉnh Sóc Trăng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Tú A về việc yêu cầu ông Trần Chí Q cùng gia đình trả lại nhà và đất. Ngày 28/04/2017, ông Đàm Phước T kháng cáo.
Giải pháp pháp lý: TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào các văn bản năm 1971 của Tòa sơ thẩm Ba Xuyên, lý lịch Đảng viên của bà Trương H cũng như lời khai của những người làm chứng và ông Trần Chí Q để kết luận rằng bà Trần Tú A là con của cụ Xa M, tức là chị em cùng mẹ khác cha của bà Trương Tuyết A. Tòa án cũng xác định rằng bà Trần Tú A là hàng thừa kế thứ hai theo quy định của pháp luật; còn ông Đàm Phước T là con của bà Trương Huệ Đ nên ông T là hàng thừa kế thứ ba của bà Trương Tuyết A. Do đó, Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Tú A, không chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Đàm Phước T.
3. Một số bình luận
Các tác giả cho rằng giải pháp pháp lý của Tòa án trong vụ án trên là hợp lý, phù hợp với tinh thần của pháp luật về thừa kế.
Mặc dù đưa ra cách hiểu có phần khác nhau về anh, chị, em ruột, song cả Thông tư số 81/TANDTC và Nghị quyết số 02/HĐTP đều công nhận rằng anh, chị, em cùng cha cùng mẹ và anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha có quyền thừa kế như nhau; những người này đều là người thừa kế theo pháp luật và cùng thuộc hàng thừa kế thứ hai. BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều quy định rằng “anh ruột, chị ruột, em ruột” thuộc hàng thừa kế thứ hai nhưng không giải thích gì thêm.[12] Do đó, cần hiểu “anh ruột, chị ruột, em ruột” bao gồm cả anh, chị, em cùng cha cùng mẹ và anh, chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha để bảo đảm quyền lợi và công bằng cho tất cả những người này.
Nhìn từ góc độ luật so sánh, giải pháp này cũng tương đồng với giải pháp của pháp luật nước ngoài. Ví dụ, Luật Thừa kế năm 1985 của Trung Quốc quy định hàng thừa kế thứ hai gồm anh, chị, em; ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại. Trong đó, anh, chị, em bao gồm anh, chị, em cùng cha cùng mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; anh, chị, em nuôi; và con riêng của bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như anh, chị, em.[13]
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Nghị quyết số 02/HĐTP đã hết hiệu lực. Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.[14] Nghị quyết số 02/HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, mà Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 đã hết hiệu lực từ ngày 01/07/1996,[15] nên Nghị quyết số 02/HĐTP cũng đã hết hiệu lực. Do đó, trong thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có thể xem xét ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về thừa kế, trong đó bao gồm định nghĩa thế nào là “anh ruột, chị ruột, em ruột,” để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử./.
TAND tỉnh An Giang xét xử vụ án dân sự tranh chấp chia di sản thừa kế – Ảnh: Duy Bình
[1] Điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2] Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959.
[3] Mục III (Thừa kế theo luật) Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/07/1981 của Tòa án nhân dân Tối cao.
[4] Điểm b khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990.
[5] Điểm e Mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
[6] Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 hết hiệu lực từ ngày 01/07/1996.
[7] Bộ luật Dân sự năm 1995 có hiệu lực từ ngày 01/07/1996 đến ngày 31/12/2005.
[8] Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 đến ngày 31/12/2016.
[9] Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
[10] Điểm b khoản 1 Điều 679 Bộ luật Dân sự năm 1995.
[11] Điểm b khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[12] Điểm b khoản 1 Điều 679 Bộ luật Dân sự năm 1995.
Điểm b khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[13] Điều 10 Luật Thừa kế năm 1985 của Trung Quốc.
Tham khảo trực tuyến (bản tiếng Trung và bản tiếng Anh) tại: http://en.pkulaw.cn/display.aspx?cgid=2368&lib=law, truy cập lần cuối ngày 30/03/2020.
[14] Khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[15] Nghị quyết ngày 28/10/1995 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự năm 1995.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận