Thực trạng và giải pháp giải quyết tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam

Bài viết tập trung nghiên cứu và trình bày về các hình thức vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phổ biến trên các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam, phân tích nguyên nhân và hậu quả, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế và đẩy lùi vấn nạn này, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh và bền vững.

Đặt vấn đề

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) trên toàn cầu và tại Việt Nam trong những năm gần đây đã thay đổi đáng kể cách thức mua sắm và kinh doanh. Trên thế giới, TMĐT đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD[1], với sự tham gia của các “gã khổng lồ” như Amazon, Alibaba và eBay. Sự bùng nổ của công nghệ số, cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh và Internet tốc độ cao, đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển dịch từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến. Tại Việt Nam, TMĐT cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2023[2], quy mô thị trường TMĐT đạt hơn 20 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 20%. Các sàn TMĐT lớn như: Shopee, Lazada, Tiktokshop, Tiki đã trở thành những cái tên quen thuộc, thu hút hàng triệu người dùng ở Việt Nam. Sự phát triển này không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp và cá nhân mà còn thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích là những thách thức về quản lý, bảo vệ người tiêu dùng và đặc biệt là vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đòi hỏi sự quan tâm và giải quyết kịp thời.

1. Các hình thức vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn thương mại điện tử thường gặp

Vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ tinh vi, phức tạp của hành vi vi phạm pháp luật. Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, trong tổng số đơn yêu cầu xử lý vi phạm về SHTT mà Bộ nhận được từ đầu năm 2019 đến cuối năm 2022, có đến 60% số đơn liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử”[3]. Qua nghiên cứu cho thấy, những vi phạm quyền SHTT thường gặp trên môi trường TMĐT ở Việt Nam bao gồm:

Hàng giả, hàng nhái: Đây là hình thức vi phạm phổ biến nhất. Các sản phẩm giả mạo từ kiểu dáng, nhãn hiệu đến chất lượng tràn lan trên các sàn. Người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn, gây thiệt hại cho cả người mua lẫn thương hiệu chính hãng[4].

Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan: vi phạm bản quyền sản phẩm số (nhạc, phim, sách, phần mềm…); tải và phân phối trái phép các sản phẩm trên nền tảng số; chia sẻ vi phạm trên các sàn TMĐT… Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm bản quyền về thương hiệu và logo; sử dụng hình ảnh, clip của người khác để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của mình…[5].

Vi phạm nhãn hiệu: Các gian hàng sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký của người khác để bán sản phẩm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng[6].

Bán hàng lậu: Các sản phẩm nhập lậu vi phạm quyền SHTT, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh cũng được bán tràn lan, gây khó khăn cho việc kiểm soát và quản lý[7].

2. Nguyên nhân vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT đang trở thành một vấn đề nan giải, gây ra nhiều hệ lụy cho các bên liên quan. Để giải quyết được vấn đề này một cách hiệu quả, chúng ta cần phải hiểu rõ những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng vi phạm quyền SHTT tràn lan như hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, việc làm rõ những nguyên nhân này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn.

Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy những nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT ở Việt Nam bao gồm:

Thứ nhất, do nhận thức của người dân về quyền SHTT còn hạn chế. Nhiều người bán và người tiêu dùng chưa ý thức được tầm quan trọng của quyền SHTT, dẫn đến hành vi vi phạm. Nhận thức về quyền SHTT còn hạn chế là một trong những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng vi phạm quyền SHTT tràn lan trên các sàn TMĐT. Nhiều người bán hàng chưa hiểu rõ về quyền SHTT, cho rằng việc sao chép, sử dụng hình ảnh, logo, nhãn hiệu của người khác là điều bình thường, thậm chí là cách để thu hút khách hàng. Về phía người tiêu dùng, không ít người vẫn thờ ơ với vấn đề quyền SHTT, chỉ quan tâm đến giá cả mà bỏ qua nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Tâm lý “ham rẻ” khiến họ dễ dàng mua phải hàng giả, hàng nhái, tiếp tay cho hành vi vi phạm quyền SHTT. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như:

(i) Hệ thống giáo dục chưa chú trọng đến vấn đề quyền SHTT: Kiến thức về quyền SHTT chưa được trang bị đầy đủ cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.

(ii) Thông tin về quyền SHTT còn hạn chế: Nhiều người không có điều kiện tiếp cận với thông tin chính thống về quyền SHTT, dẫn đến hiểu sai lệch hoặc mơ hồ về vấn đề này.

(iii) Ý thức chấp hành pháp luật chưa cao: Một bộ phận người dân còn xem nhẹ việc tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật về SHTT.

Thứ hai, chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa nghiêm khắc. Mức phạt cho hành vi vi phạm quyền SHTT còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT ngày càng diễn biến phức tạp. Mức phạt hành chính hiện hành đối với hành vi vi phạm quyền SHT không tương xứng với lợi nhuận mà các đối tượng vi phạm thu được. Điều này khiến cho việc vi phạm quyền SHTT trở nên “bõ công”, không đủ sức răn đe các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng có tiềm lực tài chính mạnh.

Đơn cử, cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp là Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 và Nghị định số 46/2024/NĐ-CP ngày 04/5/2024). Theo đó, mức xử phạt cao nhất đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng[8]. Theo tác giả, mức xử phạt này là chưa tương xứng, quá nhẹ so với tính chất nghiêm trọng mà hành vi vi phạm gây ra. Trên sàn TMĐT, một sản phẩm vi phạm có thể tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng trực tuyến, doanh thu hàng tháng của cửa hàng có sản phẩm vi phạm có thể lên tới hàng tỉ đồng nên mức xử phạt không khiến người vi phạm e ngại, mà có người còn coi khoản phạt này như là “chi phí kinh doanh”. Thêm vào đó, cách tính số tiền xử phạt căn cứ vào giá trị hàng hoá bị làm giả, hàng nhái, xâm phạm nhãn hiệu… thường được tính với tỉ lệ tiền phạt chỉ bằng một nửa thậm chí là chỉ một phần nhỏ giá trị hàng hoá vi phạm (khi hàng hoá có giá trị hơn 500.000.000 đồng) hoàn toàn không có tính răn đe. Cần quy định mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với giá trị hàng hoá, sản phẩm bị vi phạm thì mới có tác dụng giáo dục, phòng ngừa vi phạm.

Một dẫn chứng khác là mức phạt tiền cho hành vi vi phạm quyền SHTT thường dao động ở mức vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, trong khi lợi nhuận mà các đối tượng vi phạm có thể thu được từ hành vi vi phạm quyền SHTT để bán được hàng hoá trên sàn TMĐT có thể rất lớn. Do đó, nhiều đối tượng sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để tiếp tục hành vi vi phạm, thay vì phải tuân thủ pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm chỉ có mức phạt từ 3-10 triệu đồng. Tương tự, Điều 11 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm, tức công bố tác phẩm mà không được phép của tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả cũng chỉ bị xử phạt ở mức từ 5-10 triệu đồng. Còn hành vi phân phối tác phẩm trái phép chỉ bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quyền SHTT cũng gặp nhiều khó khăn do quy trình tố tụng phức tạp, thời gian kéo dài, và yêu cầu chứng cứ chặt chẽ. Điều này khiến cho nhiều vụ việc vi phạm quyền SHTT không được xử lý triệt để, gây ra tâm lý coi thường pháp luật trong một bộ phận người bán hàng trên các sàn TMĐT. Thực tiễn xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cho thấy các biện pháp xử lý vi phạm hành chính gần như tuyệt đối được ưu tiên lựa chọn. Theo số liệu thống kê của Cục SHTT, có tới 95% các vụ việc xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính9. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này được cho là do chủ thể bị xâm phạm tin rằng xử lý vi phạm hành chính là biện pháp hiệu quả nhất vì trình tự, thủ tục đơn giản, có thể chấm dứt hành vi xâm phạm một cách nhanh nhất. 

Thứ ba, khó kiểm soát: Số lượng gian hàng trên các sàn quá lớn, việc kiểm soát và phát hiện vi phạm gặp nhiều khó khăn. Thực trạng số lượng gian hàng “khổng lồ” trên các sàn TMĐT hiện nay đang đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác kiểm soát và phát hiện vi phạm quyền SHTT. Thực trạng đáng báo động này thể qua những yếu tố sau:

(i) “Mê cung” gian hàng: Mỗi sàn TMĐT có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu gian hàng, từ các doanh nghiệp lớn đến các hộ kinh doanh cá thể. Việc “rà soát” thủ công từng gian hàng là điều không thể, đòi hỏi các giải pháp công nghệ tiên tiến để hỗ trợ.

(ii) Biến hóa khôn lường: Các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, “nhái” sản phẩm rất giống thật, hoặc “lách luật” bằng cách thay đổi chút ít logo, hình ảnh... khiến việc phát hiện bằng mắt thường rất khó. Điều này đòi hỏi các biện pháp nghiệp vụ chuyên nghiệp, kết hợp với công nghệ để phát hiện vi phạm.

(iii) Thông tin ảo: Nhiều gian hàng đăng ký thông tin ảo, gây khó khăn cho việc xác minh, truy tìm khi có vi phạm. Đây là một vấn đề nhức nhối, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sàn TMĐT và cơ quan chức năng để xác minh thông tin người bán.

Thứ tư, mức lợi nhuận từ hành vi xâm phạm quyền SHTT cao khiến nhiều người bất chấp hành vi vi phạm pháp luật. Hàng giả, hàng nhái có giá thành rẻ, lợi nhuận cao, khiến nhiều người bất chấp vi phạm. Lợi nhuận cao từ hàng giả, hàng nhái, đặc biệt khi giá thành sản xuất thấp, đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những động lực thúc đẩy nhiều người bất chấp các quy định pháp luật để vi phạm quyền SHTT. Cụ thể, hàng giả, hàng nhái thường được sản xuất với chi phí rất thấp do không phải đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng. Việc này giúp giảm giá thành sản phẩm, tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá so với hàng chính hãng. Bên cạnh chi phí thấp, hàng giả, hàng nhái luôn mang lại lợi nhuận cao do giá thành sản xuất thấp, trong khi giá bán có thể tương đương hoặc thấp hơn không đáng kể so với hàng chính hãng. Vì vậy, lợi nhuận thu được từ hàng giả, hàng nhái thường rất cao. Điều này tạo động lực lớn cho những người có ý định vi phạm quyền SHTT. Chính vì yếu tố lợi nhuận cao, hàng giả, hàng nhái trở thành một “mồi nhử” hấp dẫn đối với những người có tâm lý hám lợi, bất chấp rủi ro và hậu quả pháp lý. Họ sẵn sàng vi phạm quyền SHTT để kiếm lời, thậm chí khi biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Thậm chí, lợi nhuận cao từ hàng giả, hàng nhái không chỉ thu hút những người mới tham gia vào “cuộc chơi” này, mà còn khuyến khích những người đã vi phạm tiếp tục tái phạm. Điều này tạo thành một “vòng luẩn quẩn” khó giải quyết, khiến cho tình trạng vi phạm quyền SHTT ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Thứ năm, vai trò, trách nhiệm của sàn TMĐT còn mờ nhạt trong nỗ lực ngăn chặn vi phạm quyền SHTT. Trách nhiệm của sàn TMĐT với tư cách là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian lần đầu tiên được quy định tại Điều 198b Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) (viết là Luật SHTT). Theo đó, khoản 2 Điều 198b Luật SHTT quy định rất chung chung là sàn TMĐT “có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet”. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan lại chỉ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm xây dựng các công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy nhập tới thông tin vi phạm như: chương trình máy tính, trang thông tin điện tử, hòm thư điện tử, cổng điện tử… Điều này có nghĩa chỉ là sau khi sản phẩm vi phạm đã được xuất hiện trên sàn, sàn TMTĐ có công cụ để cho người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại chứ sàn TMĐT không có công cụ để đánh giá ngay từ đầu, để ngăn chặn hàng hoá vi phạm xuất hiện trên sàn.

Điều đáng quan ngại hơn nữa là trong khi thiếu vắng các quy định cụ thể về trách nhiệm của sàn TMĐT thì Luật SHTT lại quy định rất chi tiết những trường hợp sàn TMĐT được miễn trách nhiệm đối với những “hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” và thậm chí còn quy định rõ khi thuộc những trường hợp được miễn trừ trách nhiệm pháp lý thì sàn TMĐT “không phải tự giám sát dịch vụ của mình hoặc chủ động tìm kiếm các bằng chứng chỉ ra hành vi xâm phạm” như đang được quy định tại khoản 4 Điều 198b Luật SHTT.

Với những quy định như trên, tác giả nhận thấy Luật SHTT cần có quy định bổ sung các trường hợp sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi xâm phạm quyền SHTT như những trường hợp các sàn TMĐT đã biết hoặc phải biết về việc có hành vi vi phạm trên sàn của mình mà không chủ động gỡ bỏ và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Đồng thời, Chính phủ cũng cần sớm có quy định chi tiết về trách nhiệm của sàn TMĐT và tiến tới luật hóa các quy định này trong thời gian sớm nhất.

3. Hậu quả vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các chủ SHTT mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của thị trường. Hàng giả, hàng nhái tràn lan không chỉ “ăn cắp” doanh thu của các thương hiệu chính hãng mà còn làm suy giảm uy tín và hình ảnh của họ. Người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng không chỉ mất tiền oan mà còn có thể gặp phải những nguy cơ về sức khỏe và an toàn. Nghiêm trọng hơn, tình trạng vi phạm quyền SHTT còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng và ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia trong mắt các nhà đầu tư. Việc nhận thức rõ ràng về những hậu quả này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh và bền vững.

Thứ nhất, về phía các thương hiệu chính hãng: Trong môi trường TMĐT cạnh tranh, vi phạm quyền SHTT không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của các thương hiệu. Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các sàn TMĐT không chỉ “ăn cắp” doanh thu mà còn làm suy giảm uy tín và hình ảnh thương hiệu. Khách hàng khi mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng sẽ mất niềm tin vào thương hiệu, dẫn đến giảm sút doanh số và thị phần. Thêm vào đó, các thương hiệu phải chi một khoản ngân sách không nhỏ cho việc giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận.

Thứ hai, về phía người tiêu dùng: Người tiêu dùng trong môi trường TMĐT cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro do vi phạm quyền SHTT. Việc mua phải hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn. Nhiều sản phẩm giả mạo không tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, có thể chứa các chất độc hại, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Hơn nữa, khi mua phải hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng thường không được bảo vệ bởi các chính sách bảo hành, đổi trả, gây khó khăn trong việc đòi lại quyền lợi. Điều này không chỉ gây mất niềm tin vào các thương hiệu mà còn làm xói mòn lòng tin vào môi trường mua sắm trực tuyến nói chung.

Thứ ba, về phía nhà nước: Vi phạm quyền SHTT trong TMĐT gây thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Khi doanh thu của các thương hiệu chính hãng giảm sút, số tiền thuế mà họ đóng góp cũng giảm theo. Ngoài ra, nhà nước còn phải chi thêm ngân sách cho các hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT. Nghiêm trọng hơn, tình trạng vi phạm quyền SHTT tràn lan còn làm giảm uy tín của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và phát triển kinh tế, tạo ra thị trường kinh doanh TMĐT bất bình đẳng, thiếu tính cạnh tranh lành mạnh.

4. Giải pháp phòng chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Như đã phân tích, vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các chủ SHTT mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường. Để giải quyết vấn đề phức tạp này một cách hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, đa chiều và nỗ lực không ngừng từ nhiều phía, bao gồm các cơ quan chức năng, các sàn TMĐT, các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Giải pháp toàn diện để chống lại nạn vi phạm quyền SHTT trong môi trường TMĐT cần dựa trên những yếu tố cốt lõi sau.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân. Để làm được điều này trước tiên cần chú trọng tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về quyền SHTT, đặc biệt là quyền tác giả và quyền liên quan, cho cả người bán và người mua trên các sàn TMĐT. Cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền SHTT, hậu quả của hành vi vi phạm và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng văn hóa tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tẩy chay hàng giả, hàng nhái không chỉ là bảo vệ quyền lợi của bản thân mà còn góp phần tạo động lực cho sự sáng tạo và phát triển của các doanh nghiệp.

Thứ hai, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi, bảo vệ  quyền SHTT. Nhà nước cần nhanh chóng tiến hành rà soát, bổ sung và sửa đổi các quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT.  

Cụ thể, cần sớm sửa đổi các Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và Nghị định số 131/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả, quyền liên quan. Cả hai nghị định trên đều được ban hành từ 12 năm trước, nhiều nội dung, mức xử phạt không còn phù hợp, quá thấp và không có những quy định đặc thù với hành vi xâm phạm trên môi trường trực tuyến trong sự phát triển của tình hình công nghệ, internet hiện nay. Đồng thời, cần tăng cường năng lực, trang bị các công cụ kỹ thuật số cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT, bảo đảm hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường điều tra, xử lý nghiêm bằng biện pháp hình sự các hành vi xâm phạm quyền SHTT nghiêm trọng để bảo đảm tính răn đe. Theo số liệu báo cáo của TANDTC, từ năm 2014 đến năm 2019, có 08 vụ; từ năm 2020 đến năm 2025, có 32 vụ án được đưa ra xét xử về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Có thể thấy số vụ phạm tội xâm phạm sở hữu công nghiệp được xét xử chiếm tỷ lệ rất thấp10. Số lượng vụ án hình sự của tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn ít hơn.

Thứ ba, tăng cường vai trò và trách nhiệm của của các sàn TMĐT. Biện pháp trước mắt, cần khuyến khích và tiến tới có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các sàn TMĐ trong việc kiểm soát, xử lý dữ liệu xâm phạm quyền SHTT mà người bán đưa lên sàn. Các sàn TMĐT cần thiết lập cơ chế hợp tác hiệu quả với các chủ sở hữu quyền để tiếp nhận và xử lý các khiếu nại về vi phạm quyền SHTT một cách nhanh chóng và minh bạch, cần có chế tài đối với các chủ tài khoản đã có hành vi xâm phạm bị khoá tài khoản vĩnh viễn, không được tiếp tục đăng ký bán hàng trên sàn. Luật SHTT cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nền tảng TMĐT phải áp dụng các công cụ công nghệ để giám sát và ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT. Các hệ thống nhận dạng nội dung, theo dõi tự động và công cụ nhận diện hình ảnh là những giải pháp công nghệ hữu ích và quan trọng giúp phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm ngay khi chúng xuất hiện, ngay từ giai đoạn đăng tải sản phẩm. 

Thứ tư, ứng dụng công nghệ trong phòng chống vi phạm: bằng cách triển khai đồng bộ áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), và phân tích dữ liệu lớn (big data) để phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền SHTT một cách tự động và hiệu quả. Các cơ quan có thẩm quyền cũng tập trung phát triển các công cụ và nền tảng hỗ trợ các chủ sở hữu quyền trong việc giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm quyền SHTT trên các sàn TMĐT.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế. Hoạt động TMĐT là hoạt động có tính xuyên biên giới, ranh giới giữa các quốc gia thường bị xóa nhòa trên môi trường kinh doanh này. Vì vậy, nhà nước và ngay chính chủ sở hữu sàn TMĐT cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác và với các chủ SHTT nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống lại vi phạm quyền SHTT.

Với sự phối hợp đồng bộ và nỗ lực không ngừng từ tất cả các bên liên quan, chúng ta có thể xây dựng một môi trường TMĐT lành mạnh, minh bạch và tôn trọng quyền SHTT, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển bền vững của nền kinh tế.

 

ThS. VŨ CHI MAI (Giảng viên Trường Đại học Văn hoá TP.HCM)

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bảo vệ bản quyền tác giả trong hoạt động thương mại điện tử, https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/bao-ve-ban-quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-686345.html#:~:text=Các%20hành%20vi%20xâm%20phạm,logo%3B%20sử%20dụng%20hình%20ảnh%2C.

2. Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

3. Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

4. Hoàn Văn Giang, Gian lận trên môi trường thương mại điện tử “Muôn hình vạn trạng”, https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/gian-lan-tren-moi-truong-thuong-mai-đien-tu-muon-hinh-van-trang--91937-1.html.

5. Thu Hà và Minh Châu, Thực trạng hoạt động quảng cáo xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử và giải pháp qua việc liên hệ với quy định một số nước trên thế giới (Kỳ 2), https://phapluatbanquyen.phaply.vn/thuc-trang-hoat-dong-quang-cao-xam-pham-den-quyen-so-huu-tri-tue-trong-thuong-mai-dien-tu-va-giai-phap-qua-viec-lien-he-voi-quy-dinh-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-ky-2-a774.html/.

6. Hiệp hội Thương mại điện tử, Báo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam _ EBI 2023, https://vecom.vn/bao-cao-ebi-2023.

7. Vũ Linh, Năm 2024, giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 6,3 nghìn tỷ USD, https://kinhtevadubao.vn/nam-2024-gia-tri-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-toan-cau-uoc-dat-63-nghin-ty-usd-29766.html.

8. Vũ Lê Minh và La Sơn, Nhận diện thủ đoạn xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu trong môi trường thương mại điện tử và kiến nghị giải pháp phòng, chống, https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhan-dien-thu-doan-xam-pham-quyen-so-huu-nhan-hieu-trong-moi-truong-thuong-mai-dien-tu-va-kien-nghi-giai-phap-phong-chong-a1072.html/.

9. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022).

10. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, http://vjst.vn/vn/tin-tuc/7854/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-trong-thuong-mai-dien-tu.aspx.

11. Phang Trang, Đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử trong năm 2025, https://baochinhphu.vn/day-manh-chong-hang-gia-hang-nhai-tren-cac-san-thuong-mai-dien-tu-trong-nam-2025-10224121714275499.htm

12. Đạt Trịnh, Doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam vượt 20 tỷ USD trong năm 2023, https://tapchicongthuong.vn/doanh-thu-thuong-mai-dien-tu-b2c-viet-nam-vuot-20-ty-usd-trong-nam-2023-117347.htm.


[1] Vũ Linh, Năm 2024, giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 6,3 nghìn tỷ USD, tại https://kinhtevadubao.vn/nam-2024-gia-tri-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-toan-cau-uoc-dat-63-nghin-ty-usd-29766.html, truy cập ngày 17/02/2025.

[2] Đạt Trịnh, Doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam vượt 20 tỷ USD trong năm 2023, https://tapchicongthuong.vn/doanh-thu-thuong-mai-dien-tu-b2c-viet-nam-vuot-20-ty-usd-trong-nam-2023-117347.htm, truy cập ngày 17/02/2025; và Hiệp hội Thương mại điện tử, Báo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam _ EBI 2023, https://vecom.vn/bao-cao-ebi-2023, truy cập ngày 17/2/2025.

[3] Thu Hà và Minh Châu, Thực trạng hoạt động quảng cáo xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử và giải pháp qua việc liên hệ với quy định một số nước trên thế giới (Kỳ 2), https://phapluatbanquyen.phaply.vn/thuc-trang-hoat-dong-quang-cao-xam-pham-den-quyen-so-huu-tri-tue-trong-thuong-mai-dien-tu-va-giai-phap-qua-viec-lien-he-voi-quy-dinh-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-ky-2-a774.html/, truy cập ngày 18/02/2025.

[4] Phang Trang, Đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử trong năm 2025, https://baochinhphu.vn/day-manh-chong-hang-gia-hang-nhai-tren-cac-san-thuong-mai-dien-tu-trong-nam-2025-10224121714275499.htm, truy cập ngày 17/02/2025.

[5] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bảo vệ bản quyền tác giả trong hoạt động thương mại điện tử, https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/bao-ve-ban-quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-686345.html#:~:text=Các%20hành%20vi%20xâm%20phạm,logo%3B%20sử%20dụng%20hình%20ảnh%2C, truy cập ngày 17/02/2025.

[6] Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử,  http://vjst.vn/vn/tin-tuc/7854/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-trong-thuong-mai-dien-tu.aspx, truy cập ngày 17/02/2025.

[7] Hoàn Văn Giang, Gian lận trên môi trường thương mại điện tử “Muôn hình vạn trạng”, https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/gian-lan-tren-moi-truong-thuong-mai-đien-tu-muon-hinh-van-trang--91937-1.html, truy cập ngày 17/02/2025.

[8] Điều 2 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 và Nghị định 46/2024/NĐ-CP ngày 04/5/2024) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

9 Vũ Lê Minh và La Sơn, Nhận diện thủ đoạn xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu trong môi trường thương mại điện tử và kiến nghị giải pháp phòng, chống, https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhan-dien-thu-doan-xam-pham-quyen-so-huu-nhan-hieu-trong-moi-truong-thuong-mai-dien-tu-va-kien-nghi-giai-phap-phong-chong-a1072.html/, truy cập ngày 18/02/2025.

10 Lê Huy Bắc - Nguyễn Hoàng Yến Nhi - Vũ Thị Yến Nhi, Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong Bộ luật hình sự 2015, một số bất cập và kiến nghị, https://tapchitoaan.vn/toi-xam-pham-quyen-so-huu-cong-nghiep-trong-bo-luat-hinh-su-nam-2015-mot-so-bat-cap-va-kien-nghi-hoan-thien12872.html, truy cập ngày 18/02/2025.

Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam" - Ảnh: Nguyên Vỵ.