Thực trạng về xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với tranh chấp về hợp đồng đặt cọc

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 cũng như Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã có quy định về đặt cọc cũng như xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ để giải quyết đối với các giao dịch dân sự nói chung. Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với tranh chấp hợp đồng đặt cọc có nhiều quan điểm khác nhau, cần có cách hiểu đầy đủ để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

1. Cơ sở lý luận và quy định của pháp luật

1.1.Khái niệm về đặt cọc và hậu quả pháp lý đối với tài sản đặt cọc

Hiện nay, các giao dịch dân sự không ngừng được gia tăng về quy mô, số lượng, trên thực tế, nếu các bên tham gia giao dịch chỉ đặt lòng tin vào việc mỗi bên tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình theo giao kết là chưa đủ, mang tính rủi ro cao. Để góp phần làm cho các cam kết hợp pháp được thực hiện đúng và đầy đủ, thỏa mãn nhu cầu chính đáng của các bên, hạn chế tranh chấp và thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển, pháp luật đã có những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ làm cơ sở pháp lý điều chỉnh ứng xử của các bên, trong đó có biện pháp đặt cọc.

Theo BLDS năm 2015, đặt cọc là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.1

Ngoài ra, liên quan đến hậu quả pháp lý đối với tài sản đặt cọc, pháp luật quy định các trường hợp xử lý như sau:

Trường hợp 1, nếu hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Trường hợp 2, nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.

Trường hợp 3, nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

1.2.Về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án là một trong những yêu cầu quan trọng của việc kiểm tra điều kiện thụ lý vụ án dân sự. Ngoài việc xác định rõ thẩm quyền của Tòa án theo loại việc, theo cấp xét xử, theo sự lựa chọn của nguyên đơn, thẩm quyền giải quyết vụ án trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thì việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ là việc làm rất quan trọng.

Theo khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

Trường hợp 1, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự.

Trường hợp 2, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự.

Trường hợp 3, đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Đối với tranh chấp về hợp đồng đặt cọc cần được xác định là dạng tranh chấp về giao dịch dân sự theo khoản 3 Điều 26 BLTTDS năm 2015. Trên thực tiễn giải quyết loại tranh chấp này có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể là Tòa án nơi bị đơn cư trú hay Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

2. Một số quan điểm

Quan điểm thứ nhất cho rằng, đây là tranh chấp về hợp đồng dân sự, đối tượng của tranh chấp là tiền đặt cọc và phạt cọc nên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 của BLTTDS năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi bị đơn cư trú.

Quan điểm thứ hai cho rằng, trên thực tế, việc đặt cọc gắn với việc giao kết, thực hiện các giao dịch về đất (chủ yếu là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có đối tượng là quyền sử dụng đất nên cần phải xác định Tòa án nơi có bất động sản sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc. Quan điểm này xuất phát từ các vụ án phát sinh trên thực tế, cũng như việc trao đổi nghiệp vụ giữa Tòa án nhân dân (TAND) các cấp. Cụ thể như sau:

TAND cấp cao H nhận định về vụ án tranh chấp giữa nguyên đơn bà D và bị đơn Công ty A (có địa chỉ quận B, thành phố H) như sau: Mặc dù, đối tượng chuyển nhượng trong hợp đồng đặt cọc là phần đất tại huyện C, tỉnh L nhưng qua xác định không có dự án đầu tư nào của Công ty A trên địa bàn huyện C nên không có căn cứ xác định bất động sản nằm trên địa bàn huyện C, tỉnh L. Do vậy, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án là Tòa án nơi bị đơn cư trú.

Như vậy, căn cứ vào quan điểm này của TAND cấp cao H vẫn ưu tiên lựa chọn Tòa án nơi có bất động sản để giải quyết vụ án. Đặc biệt của vụ án này là không có căn cứ xác định Công ty A có thực hiện dự án đầu tư đất trên địa bàn huyện C, tỉnh L, nếu xác định được thì vẫn lựa chọn Tòa án nơi có bất động sản chứ không ưu tiên lựa chọn nơi bị đơn cư trú.

Quan điểm này của TAND cấp cao H cũng thể hiện thông qua vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà ở” giữa nguyên đơn bà K và bị đơn ông N (địa chỉ: huyện P, tỉnh Q). Theo đó, nguyên đơn yêu cầu hủy thỏa thuận chuyển nhượng phần đất tại quận M, thành phố H, đồng thời yêu cầu bị đơn trả lại tiền đặt cọc là 600 triệu đồng và chịu phạt cọc 600 triệu đồng. Nhận định của Tòa án này cho rằng đối tượng tranh chấp là bất động sản tại quận M, thành phố H nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận M, thành phố H theo điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015.

Quan điểm của Tòa án khác cũng nhận định liên quan đến “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” giữa nguyên đơn là ông P và bị đơn là vợ chồng ông L (địa chỉ: quận C, thành phố H). Theo đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu hủy việc chuyển nhượng phần đất tại thị xã D, tỉnh B theo hợp đồng đặt cọc và yêu cầu bị đơn trả lại 150 triệu đồng tiền đặt cọc và 150 triệu đồng phạt cọc. Quan điểm này nhận định, để có căn cứ giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc đảm bảo cho việc chuyển nhượng phần đất tại thị xã D, tỉnh B thì Tòa án phải thu thập chứng cứ để làm rõ: Vì sao không thực hiện giao kết hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên? Việc không thực hiện giao kết hợp đồng có thuộc trường hợp bất khả kháng, yếu tố khách quan hay do lỗi của ai? Để việc xác minh, thu thập chứng cứ được thuận lợi thì TAND thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện này là TAND thị xã D, tỉnh B (Tòa án nơi có bất động sản liên quan đến hợp đồng đặt cọc).

Quan điểm của các tác giả, thống nhất với quan điểm thứ nhất. Cơ sở để hình thành quan điểm này xuất phát từ các lý do sau đây:

Thứ nhất, theo ý kiến chính thống của TANDTC giải quyết trường hợp tương tự có liên quan đến bất động sản thể hiện, đối với tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn là bất động sản thì trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân chấm dứt do vợ chồng đã ly hôn, nhưng tranh chấp tài sản sau ly hôn vẫn là tranh chấp hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 28 của BLTTDS, nên Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.2

Thứ hai, việc áp dụng thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản cần gắn với việc xác định ai có quyền sử dụng đất. Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án quy định:

Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án. Do đó, đối với các tranh chấp hợp đồng đặt cọc có liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đối tượng tranh chấp là số tiền đặt cọc và phạt cọc, tức liên quan đến các giao dịch dân sự theo khoản 3 Điều 26 BLTTDS năm 2015 không phải là dạng tranh chấp đất đai theo khoản 9 Điều 26 BLTTDS năm 2015.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 105 BLTTDS năm 2015, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, thẩm định tại chỗ, tiến hành định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự. Do đó, đối với các tranh chấp về hợp đồng đặt cọc mà bị đơn có nơi cư trú và phần đất chuyển nhượng được đề cập trong hợp đồng đặt cọc là khác nhau thì theo quan điểm của tác giả Tòa án nơi bị đơn cư trú có thể ủy thác thu thập chứng cứ cho Tòa án khác xác minh các tình tiết có liên quan.

3. Kiến nghị

Từ những phân tích nêu trên, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất các tác giả kiến nghị TANDTC có văn bản hướng dẫn đối với tranh chấp về hợp đồng đặt cọc nên căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 39 của BLTTDS năm 2015 để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo hướng Tòa án nơi bị đơn cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết đối với loại tranh chấp này./.

 

 

Tòa án  huyện Châu Đức, BRVT xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc- Ảnh: Ngô Thị Hồng Phương 

 

1. Khoản 1 Điều 328 BLDS năm 2015.

2 Mục 7 phần III Giải đáp số 212/TANDTC-PC ngày 13/9 /2019 của TANDTC V/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

ThS. NCS. ĐẶNG QUANG DŨNG (Trưởng khoa Khoa Đào tạo Thẩm phán – Học viện Tòa án)  ThS. CHÂU THANH QUYỀN (Thẩm phán – Chánh Văn phòng TAND thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang)