Tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật Đường bộ để trình Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 26/6

Sáng 11/6, tại Phiên họp thứ 34, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Những vấn đề lớn cần giải quyết 

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, ngày 22/5/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), cơ bản các ý kiến đều tán thành với dự thảo Luật TTATGTĐB đã được tiếp thu, chỉnh lý. Thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, các vị đại biểu Quốc hội đã góp ý về các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật. Các nội dung góp ý đều được giải trình, tiếp thu đầy đủ. 

 

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo tại Phiên họp

Nêu một số vấn đề lớn nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết:

Về chính sách của Nhà nước về TTATGTĐB (Điều 5): Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ lại nội dung này tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật và có chỉnh sửa theo ý kiến ĐBQH như sau: “Trích một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”. Sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết về nội dung này thì việc quản lý, sử dụng số tiền trích lại được thực hiện theo Nghị quyết của UBTVQH và pháp luật về ngân sách nhà nước, không phải sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về quy định về cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 2 Điều 10): Thường trực UBQPAN đề nghị, UBTVQH cho tiếp tục thực hiện quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề xuất bổ sung vào khoản 5 Điều 87 của dự thảo Luật giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác. Theo chuyên gia y tế thì cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được. Thực tiễn, qua hoạt động kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.

Về quy định đấu giá biển số xe (Điều 38): Thường trực UBQPAN cho rằng, biển số xe đưa ra đấu giá là tất cả biển số xe (ô tô, mô tô) nền màu trắng, chữ và số màu đen; biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải đều được niêm yết công khai minh bạch, nhằm tạo điều kiện cho người dân lựa chọn theo nhu cầu, sở thích. Dự thảo Luật đã có quy định biển số xe đấu giá không thành sẽ được đưa ra đấu giá lại tại khoản 6 Điều 38. UBTVQH đã chỉ đạo loại trừ quy định đấu giá biển số xe trong Luật Đấu giá tài sản, theo đó tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định: “việc đấu giá biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật.

Về điểm của giấy phép lái xe (Điều 58): Thường trực UBQPAN thấy rằng, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGTĐB đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật TTATGTĐB là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển.

Về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 59): Thường trực UBQPAN cho rằng, việc cấp chứng nhận đã qua đào tạo là không cần thiết và sẽ phát sinh thủ tục hành chính, chi phí thực hiện. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 59 của dự thảo Luật.

Về Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ (Điều 85): Việc bổ sung quy định về Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, rõ ràng để huy động được tối đa nguồn lực và phát huy được sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho những người không may bị nạn trong vụ tai nạn giao thông và thân nhân, gia đình của người bị tai nạn; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia bảo đảm TTATGTĐB có liên quan đến giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ mà không được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thu hút, phát huy tinh thần tham gia của những người này... Bên cạnh đó, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội về điểm b khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 85, Thường trực UBQPAN đề xuất tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật cho phù hợp.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về TTATGTĐB (Điều 87) và hiệu lực thi hành (Điều 88): Thường trực UBQPAN đề nghị không bổ sung trách nhiệm của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vào Chương VIII - Quản lý nhà nước về TTATGTĐB;...

Ngoài ra, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cũng nhấn mạnh, căn cứ tình hình thực tiễn trong thời gian vừa qua, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của dự thảo Luật.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tập trung vào những vấn đề nêu trên.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề thành viên UBTVQH nêu liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, tiếp tục rà soát, đặc biệt liên quan đến Điều 7 để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và không xung đột với các luật liên quan như Luật Đầu tư công hay Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); liên quan đến quy mô các tuyến đường cao tốc; liên quan đến hệ thống giao thông thông minh…

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên UBTVQH đã có sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, sát sao và trách nhiệm đối với Cơ quan soạn thảo cũng như Cơ quan chủ trì thẩm tra để dự thảo Luật Đường bộ hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Và những ý kiến này rất xác đáng, nhiều nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu và tiếp thu một cách toàn diện nhất. Về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp thu và hoàn thiện các nội dung.

Những nội dung cần thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo giải trình rõ hơn

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo giải trình rõ hơn một số nội dung sau đây:

Về phân loại đường bộ theo cấp quản lý, đề nghị rà soát khoản 3, khoản 4 Điều 8 về phân cấp quản lý để thống nhất với Điều 28 khoản 3, khoản 4 về phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương.

Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 12), đề nghị rà soát kỹ quy định bảo đảm tính khái quát, không quá chi tiết như trong Luật hiện nay, phù hợp với từng loại đô thị, phù hợp với điều kiện hiện nay và có lộ trình thực hiện cũng như dự báo trong tương lai, phù hợp với đô thị mới, đô thị cũ, nghiên cứu để quy định các điều kiện chuyển tiếp đồng bộ với các Nghị quyết của Quốc hội về phân loại đô thị.

Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban QPAN  phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo chỉnh lý Điều 12 khái quát, không quy định quá chi tiết tránh vướng mắc khi thực hiện.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Tùng phát biểu

Liên quan đến phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ (Điều 17), theo ý kiến của Ban soạn thảo, việc quy định chiều cao của đường dây điện đi trên đường bộ không nhỏ hơn 5,5 mét nhằm bảo đảm an toàn cho đường dây điện và phương tiện tham gia giao thông phù hợp với thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công thương sớm tiếp thu, giải trình, làm rõ nội dung này, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thống nhất với quy định của Luật Điện lực (dự kiến được sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8).

Về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc, vấn đề giao thông thông minh và những vấn đề cần bổ sung, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung thêm.

Liên quan đến thu phí sử dụng đường cao tốc, đề nghị bổ sung khoản 3 Điều 50 giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc.

Về một số nội dung khác như rà soát khoản 3, khoản 4 Điều 28 cho thống nhất với khoản 4 Điều 8 và không xung đột với Luật Đầu tư công. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban QPAN, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh nghiên cứu, tính toán việc này, liệu có sửa điều gì trong Luật Đầu tư công cho tương thích, phân loại cho các cấp địa phương quản lý, đầu tư, xây dựng.

Ngoài ra, về trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 37), Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải thống nhất với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung về giao thông thông minh trong lĩnh vực đường bộ cho đầy đủ, rà soát các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7 cho tương thích và thống nhất với Bộ luật Hình sự; rà soát các loại biển lắp đặt trong phạm vi hành lang bảo vệ, an toàn đường bộ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu để bổ sung cho rõ về quy định biển tuyên truyền cổ động, biển báo, biển quảng cáo hoặc có thêm gì để gắn với truyền thống lịch sử thì cần tính toán; Ngoài ra, rà soát Điều 61 về trách nhiệm của doanh nghiệp có người lao động, doanh nghiệp kinh doanh có người vi phạm.

Phối hợp với nhau thật chặt chẽ để tiếp thu, chỉnh lý

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, sau cuộc họp này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng để có dự thảo thông báo kết luận, đồng thời chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ và Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp với nhau thật chặt chẽ để tiếp thu, chỉnh lý và giải trình cho thuyết phục, có căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn; sớm hoàn thành để chuẩn bị cho Quốc hội xem xét thông qua vào chiều ngày 26/6 tới.

 

Đại biểu tham dự phiên họp

Trước đó, ngày 21/5/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đường bộ; đã có 23 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu; 01 ĐBQH gửi ý kiến góp ý bằng văn bản. Ngay sau Phiên thảo luận, Thường trực Ủy ban QPAN đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và cá cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại Phiên họp này, ngoài những nội dung đã giải trình, tiếp thu tại Báo cáo số 839 /BC-UBTVQH15, ngày 19/5/2024 của UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ gửi các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có Báo cáo đầy đủ về 06 nội dung Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo của UBTVQH Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật dài 22 trang trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường kèm theo các loại tài liệu trong hồ sơ theo quy định.

MINH KHÔI

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp- Ảnh: Qh.vn