Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ hay không?

Ngày 13/9, TANDTC có văn bản số 212/TANDTC-PC, thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử do Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tổ chức phiên họp trực tuyến ngày 29/7/2019. Tapchitoaan.vn xin lần lượt giới thiệu từng nội dung giải đáp, dưới đây là giải đáp về dân sự.

1. Thẩm phán có quyền thu thập chứng cứ bổ sung trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không?

Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định cụ thể về quyền thu thập chứng cứ bổ sung của Thẩm phán ở giai đoạn phúc thẩm mà chỉ quy định về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm tại Điều 287 của Bộ luật này.

Khoản 2 và khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về việc xác minh, thu thập chứng cứ như sau:

“2. Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:

a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;
c) Trưng cầu giám định;
d) Định giá tài sản;
đ) Xem xét, thẩm định tại chỗ;
e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;
g) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;
h) Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;
i) Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này.

4. Trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, Thẩm tra viên có thể tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ quy định tại các điểm a, g và h khoản 2 Điều này.”

Điều 304 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 259 của Bộ luật này”.

Theo điểm c khoản 1 Điều 259 của Bộ luật này thì trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi “cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa”.

Khoản 2 Điều 97 của Bộ luật Tố tụng dân sự không giới hạn việc thu thập chứng cứ của Tòa án ở giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm mà chỉ giới hạn việc thu thập chứng cứ ở giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm. Thực tế, nếu tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án thì Thẩm phán vẫn tiến hành thu thập bổ sung. Do vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì Thẩm phán có quyền tiến hành thu thập chứng cứ bổ sung ở giai đoạn xét xử phúc thẩm.

2. Trường hợp do tình thế khẩn cấp, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào 04 giờ 30 phút chiều ngày thứ Sáu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 111 và khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ hay không?

Khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”.

Khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là 48 giờ. Do thời hạn tính bằng giờ nên thời điểm kết thúc thời hạn cũng tính bằng giờ, không phụ thuộc thời điểm kết thúc thời hạn đó vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ. Vì vậy, nếu Tòa án nhận đơn và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào 04 giờ 30 phút chiều ngày thứ sáu thì Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán để xem xét việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đảm bảo đúng thời hạn 48 giờ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

3. Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà một trong các bên đương sự có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có được xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?

Khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”.

Khoản 4 Điều 215 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án.

Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết”.

Việc tạm đình chỉ là tạm ngừng giải quyết vụ án trong một thời gian nhất định; trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, nếu một trong các bên đương sự có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì vẫn là “trong quá trình giải quyết vụ án” theo quy định tại Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Do vậy, căn cứ các quy định nêu trên, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

4. Người bị xâm phạm về danh dự, uy tín do hành vi của Chủ tịch UBND huyện gây ra khi thi hành công vụ khởi kiện yêu cầu Chủ tịch UBND huyện bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, uy tín của người đó bị xâm phạm thì Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết không?

Điều 598 của Bộ luật Dân sự quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì người bị xâm phạm có quyền lựa chọn phương thức yêu cầu bồi thường là: (1) Yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại bồi thường hoặc (2) khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong các trường hợp sau đây: (1) Người yêu cầu bồi thường chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường; (2) Người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường đã ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường.

Như vậy, nếu người bị xâm phạm khởi kiện trong thời hạn quy định và thuộc hai trường hợp nêu trên thì Tòa án phải thụ lý và căn cứ vào các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để giải quyết.

VŨ HÙNG