Toà án có thể tiếp tục xét xử phúc thẩm hoặc hoãn phiên toà lần thứ hai
Sau khi đọc bài “Vướng mắc về tạm ngừng phiên tòa dân sự phúc thẩm” của tác giả Nguyễn Tất Duẩn, đăng ngày 27/10/2022 và nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan, tôi có ý kiến xin trao đổi về hướng giải quyết tình huống này.
Theo nội dung tình huống mà tác giả nêu thì sau khi Toà án hoãn phiên toà lần thứ nhất, đến phiên toà lần thứ hai, Toà án ngừng phiên toà để thu thập tài liệu, chứng cứ. Sau đó, Toà án ra thông báo mở lại phiên toà và đã tống đạt hợp lệ nhưng người kháng cáo là ông A đã vắng mặt tại lần mở phiên toà này. Vậy tình huống này giải quyết như thế nào: Toà án hoãn phiên toà đề mở lại phiên toà lần thứ ba hay tiếp tục xét xử và tuyên bản án phúc thẩm. Quan điểm cá nhân tôi giải quyết tình huống này như sau:
Trường hợp người kháng cáo là ông A vắng mặt tại phiên toà lần thứ nhất không có lý do nhưng tại phiên toà lần thứ hai ông A đã có mặt và Toà án đã tạm ngừng phiên toà để thu thập tài liệu, chứng cứ và sau khi Toà án mở lại phiên toà, mặc dù ông A vắng mặt không có lý do nhưng không coi ông A từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông A theo quy định tại khoản 3 Điều 296 BLTTDS năm 2015[1]. Bởi vì quy định tại khoản 3 Điều 296 BLTTDS năm 2015 cần được hiểu là trường hợp người kháng cáo vắng mặt liên tiếp tại hai lần mở phiên toà. Cho nên khi Toà án mở lại phiên toà (sau khi đã tạm ngừng phiên toà), nếu ông A là người kháng cáo vắng mặt và Toà án có căn cứ rõ ràng việc vắng mặt của ông A không phải là do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan[2] thì Toà án tiếp tục xét xử phúc thẩm.
Tuy nhiên, nếu sau khi mở lại phiên toà mà ông A vắng mặt là do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì giải quyết như thế nào. Làm thế nào hay căn cứ vào đâu Toà án xác định lần vắng mặt thứ hai của ông A không phải là do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trước đây tại khoản 3 Điều 28 của Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn như sau: “Trường hợp do Tòa án không nhận được thông báo từ phía đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt họ, nếu sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, đương sự có khiếu nại và chứng minh được việc họ vắng mặt tại phiên tòa là do sự kiện bất khả kháng, thì khiếu nại cần được xem xét theo thủ tục tái thẩm”. Như vậy, nếu sau khi mở lại phiên toà mà ông A vắng mặt và ông A không thông báo cho Toà án biết lý do vắng mặt của mình thì Toà án tiếp tục xét xử phúc là không sai.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của ông A và Toà án chưa có căn cứ xác định được việc ông A vắng mặt có phải là sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thì có cách nào giải quyết hay không. Nghiên cứu, quy định của BLTTDS năm 2015, tôi có cách giải quyết như sau: Tại phiên toà được mở lại sau khi tạm ngừng phiên toà, Hội đồng xét xử hỏi ý kiến của đương sự có mặt, ý kiến của Kiểm sát viên về sự vắng mặt của ông A. Sau đó, Hội đồng xét xử nghị án và quyết định tạm ngừng phiên toà trong một thời gian nhất định để xác minh lý do ông A vắng mặt có phải do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không và ấn định luôn ngày mở lại phiên toà. Bởi vì pháp luật không quy định hạn chế số lần Toà án tạm ngừng phiên toà trong một vụ án. Việc tạm ngừng phiên toà căn cứ vào quy định tại Điều 304 và điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015. Nếu sau khi xác minh, việc ông A vắng mặt là có lý do chính đáng và sau đó ông A có mặt tại phiên toà thì Toà án tiếp tục xét xử phúc thẩm. Nếu ông A vắng mặt là có lý do chính đáng và sau đó ông A vắng mặt tại phiên toà do sự kiện bất khả kháng hoặc sự kiện khách quan chưa được khắc phục thì Toà án căn cứ quy định khoản 3 Điều 296 BLTTDS năm 2015 hoãn phiên toà và ấn định lại thời gian mở phiên toà hoặc Toà án thông báo thời gian mở lại phiên toà sau để đảm bảo sự có mặt của ông A tại phiên toà. Bởi vì trường hợp này pháp luật cho phép Toà án hoãn phiên toà hai lần. Nếu ông A vắng mặt là không có lý do chính đáng và sau đó ông A vắng mặt tại phiên toà thì Toà án tiếp tục xét xử phúc thẩm.
Trên đây là một số ý kiến của tôi xin trao đổi với tác giả và đồng nghiệp.
TAND huyện Phù Ninh, Phú Thọ xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Trịnh Duy Phương
[1] Điều 296 BLTTDS năm 2015 - Hoãn phiên tòa phúc thẩm: “3. Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ. Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa”.
[2] Điều 156 BLDS năm 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận