Tòa án đã làm tốt phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngày 9/8 Đoàn kiểm tra kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đã làm việc với TANDTC về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương năm 2019 do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu làm trưởng đoàn. Làm việc với Đoàn Kiểm tra, có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TAND và đại diện các đơn vị của TANDTC.
Những kết quả tích cực
Tại buổi làm việc, báo cáo của TANDTC cho biết, thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong thời gian qua, Ban cán sự đảng TANDTC đã xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ cần chỉ đạo thường xuyên, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được TAND thực hiện thông qua nhiều hình thức như sau:
*Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân. Do vậy, đây là hình thức tuyên truyền có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân. Những người tham dự phiên tòa được chứng kiến toàn bộ diễn biến quá trình Tòa án giải quyết, xét xử một vụ việc cụ thể, họ sẽ hiểu rõ hơn pháp luật quy định đối với từng trường hợp như thế nào và bị xử lý ra sao, từ đó sẽ có ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc xét xử các vụ án tại trụ sở Tòa án, các TAND còn tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên toà được truyền hình trực tuyến, đặc biệt tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra vụ án hoặc các địa bàn trọng điểm về một số loại tội phạm. Hoạt động này luôn mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên toà; tạo ra sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư ở địa phương; giúp cho nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp; nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm; đề cao tính răn đe (trừng trị) và tính giáo dục, thuyết phục của phiên toà.
*Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải, đối thoại
Công tác hòa giải, đối thoại cũng luôn được lãnh đạo TANDTC quan tâm chú trọng. Trong năm qua, TANDTC đã thành lập được các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thí điểm hoạt động tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10-2019. Đây là điểm mới có nhiều nét tích cực trong hoạt động của TAND. Thông qua công tác hòa giải, đối thoại, các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và hành chính được các Hòa giải viên, Đối thoại viên phổ biến đến các đương sự trong từng vụ án. Mặt khác, thông qua việc hòa giải, đối thoại, người tiến hành hòa giải, đối thoại còn có thể giải thích, nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giúp việc thi hành pháp luật được thuận lợi.
*Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ
Công tác tiếp công dân luôn được lãnh đạo TANDTC quan tâm chú trọng. Trong những năm qua, TANDTC đã tích cực thực hiện đổi mới thủ tục hành chính tư pháp theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện; công khai hóa các thủ tục tiếp nhận hồ sơ, cung cấp tài liệu của Tòa án theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, xây dựng nội quy tiếp công dân; cán bộ làm công tác tiếp dân đã tận tình giải thích các quy định pháp luật có liên quan đến tranh chấp để người dân được hiểu, kết hợp công tác tiếp dân với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công dân.
*Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành
Ngay sau khi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, TANDTC đã tổ chức triển khai thực hiện phổ biến, quán triệt thi hành đến toàn thể các cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án bằng nhiều hình thức tổ chức khác nhau như: Hội nghị trực tuyến, giải đáp các vướng mắc, Công văn quán triệt thực hiện. Trong thời gian qua nhiều luật, bộ luật, pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã được TANDTC phổ biến, quán triệt đến toàn thể các cán bộ, công chức.
*Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công khai các bản án, quyết định của Tòa án và phát triển án lệ
Để nhân dân được tiếp cận pháp luật thông qua nhiều cách thức thì việc công khai các bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được quan tâm. Theo đó, từ ngày 01-7-2017, TAND các cấp đã thực hiện việc công bố các bản án, quyết định của Tòa án mình trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Tính đến ngày 15-7-2019 đã có 291.819 bản án, quyết định của Tòa án được công bố, trong đó có 60.601 bản án, quyết định về hình sự, 46.577 bản án, quyết định về dân sự, 153.827 bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình, 5.005 bản án, quyết định về kinh doanh thương mại, 2.720 bản án, quyết định về hành chính, 1.286 bản án, quyết định về lao động, 36 quyết định tuyên bố phá sản, 21.767 quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Công tác phát triển án lệ cũng được lãnh đạo TANDTC quan tâm chỉ đạo. Tính đến thời điểm này, TANDTC đã ban hành được 26 án lệ, xuất bản được 02 tuyển tập án lệ. Thông qua các án lệ này, những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể hoặc những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau sẽ được phân tích, giải thích trong một vụ việc cụ thể, vì vậy việc tiếp cận các quy định của pháp luật sẽ cụ thể và dễ hiểu hơn.
*Tuyên truyền,phổ biến, giáo dục thông qua các phương tiện truyền hình, báo chí
Để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, lãnh đạo TANDTC đã chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Truyền hình Tòa án nhân dân, Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử của TANDTC. Đồng thời, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, Cổng thông tin điện tử của TANDTC đã đổi mới hoàn thiện giao diện, nội dung, thông tin tuyên truyền nhằm thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài Tòa án.
Học viện Tòa án đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất Chương trình “Tòa tuyên án”. Chương trình này được xây dựng theo tiêu chí là một chương trình giáo dục pháp luật đặc biệt dành cho giới trẻ. Trên cơ sở các vụ án có thật, các chuyên gia tư vấn pháp luật sẽ biên tập lại một vài chi tiết để tăng ý nghĩa giáo dục pháp luật trong toàn xã hội.
Ngoài ra tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn được thực hiện thông qua công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để triển khai thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ, TANDTC đã ban hành các Quyết định, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống Tòa án với mục tiêu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021; gắn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm được giao theo Chương trình với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của TAND.
Tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường, phổ biến giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2017-2021”.
Hàng năm, TANDTC đều có Công văn đề nghị TAND các cấp triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhiều hình thức. Các hình thức tổ chức được đổi mới thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ và nhân dân.
Hàng năm, các TAND đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua kế hoạch nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng năm, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác xét xử, chú trọng việc hòa giải, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo để công dân nhận thức rõ các quy định pháp luật, giảm bớt được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
TAND các cấp cũng tích cực tham gia thực hiện các Đề án về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương như: Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015; Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 – 2021”.
Công tác phối hợp với các cơ quan, bộ ngành ở địa phương để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được TAND các cấp chú trọng: Một số Tòa án tỉnh phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân thuộc các đối tượng chính sách, cũng như trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng đặc biệt khó khăn trên tất cả các lĩnh vực: hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động; Xây dựng, quản lý và khai thác có hiệu quả Tủ sách pháp luật tại TAND tỉnh theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25-01-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.
Phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình xây dựng và thực hiện Chuyên mục Tòa án (mỗi tháng một chuyên mục, phát vào tối thứ ba của tuần thứ ba của tháng); Phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh, VKSND tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người bị tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù cho các bị can, bị cáo, và người đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Ký kết Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở giữa Tòa án nhân dân thành phố và Sở Tư pháp giai đoạn 2019-2023.
Một số hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền,phổ biến giáo dục pháp luậttrong hệ thống Tòa án còn có một số tồn tại, hạn chế như: Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú.
Chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đạt như mong muốn; năng lực và kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của một số cán bộ còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu chung; Công tác phối hợp giữa Tòa án nhân dân các cấp với cơ quan truyền thông đại chúng đưa tin về các phiên tòa để nhân dân theo dõi nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân thông qua phiên tòa còn ít. Một số thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa phản ánh đầy đủ nội dung vụ việc làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Kinh phí công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được Bộ Tài chính cấp nên không có nguồn kinh phí để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do thời gian tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa mẫu còn ngắn nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân chưa được đầy đủ; Do khối lượng công việc nhiều và đặc thù của công tác chuyên môn là cơ quan xét xử nên việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là việc làm thường xuyên thông qua công tác giải quyết, xét xử, vì thế việc phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hình thức khác còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao.
Do hoạt động kiêm nhiệm nên một số thành viên Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật Tòa án nhân dân chưa thật sự chú trọng đến việc kiểm tra, nghiên cứu, khảo sát đánh giá cụ thể về nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để có nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp; Chưa kịp thời sơ kết, tổng kết thực tiễn hoạt động của một số mô hình, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Phương hướng giai đoạn tới
TANDTC xác định tiếp tục tổ chức triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07-12-2012 của Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021.
Tiếp tục tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 09 tháng 11 hàng năm) để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho nhân dân, góp phần cổ vũ khuyến khích cán bộ, công chức và công dân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, góp phần tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Tăng cường sự chỉ đạo và hoạt động của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật Tòa án nhân dân theo hướng thường xuyên, sâu sát hơn; Chú trọng và tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên. Tổ chức tọa đàm, học tập chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm phục vụ công tác xét xử cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trên cơ sở kết quả hoạt động trong thời gian vừa qua, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TAND đề xuất, kiến nghị một số nội dung: Sửa đổi Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27-01-2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Theo đó, đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí cho Tòa án nhân dân tối cao để thực hiện công tác tuyên truyền,phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Tòa án các cấp để đánh giá những mặt làm được, những hạn chế thiếu sót, kiến nghị, đề xuất, rút kinh nghiệm cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tiếp theo; Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với nhu cầu của thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và tập quán của địa phương, gắn giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, văn hóa truyền thống, tự giác chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân để nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; Tiếp tục tổ chức xây dựng, triển khai những Chương trình, Đề án, Mô hình về tuyên truyền, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả như: “Ngày pháp luật”, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật,… Gắn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Tăng cường công tác xét xử, tổ chức các phiên toà giả định để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phòng, chống tội phạm; Tập trung và chú trọng đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, khắc phục những tồn tại, hạn chế công tác này trong những năm qua. Về nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần cho phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, với lứa tuổi, từng đối tượng đặc thù với tình hình thực tiễn của địa phương.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận