Tòa án nhân dân huyện H phải thụ lý vụ kiện, nhưng không bắt buộc hòa giải

Sau khi đọc bài “Khởi kiện đòi tiền lương, nơi khởi kiện và điều kiện thụ lý” của tác giả Đinh Bá Thi đăng ngày 15/6/2024, chúng tôi có một số ý kiến trao đổi.

Vào tháng 12/2023, Nguyễn Văn A có nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án huyện H, tỉnh P, nơi Nguyễn Văn A cư trú, để khởi kiện yêu cầu Công ty X thanh toán đầy đủ các khoản tiền phẫu thuật của các tháng 01, 02, 03, 04 năm 2023 với tổng số tiền là 60.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả theo quy định của pháp luật từ ngày khởi kiện cho đến khi Công ty X trả hết số tiền phẫu thuật, kèm theo đơn khởi kiện, Nguyễn Văn A có nộp các tài liệu chứng cứ gồm hợp đồng lao động, quyết định cho nghỉ việc, các sao kê trả lương của Công ty X.

Quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ kiện này được xác định là “tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động”. Đây là căn cứ quan trọng để xác định thẩm quyền và điều kiện thụ lý vụ án.

Điểm đ, khoản 1, Điều 40 của BLTTDS năm 2015 quy định: “Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;…” Nên anh Nguyễn Văn A có quyền nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện H, tỉnh P, nơi A cư trú và Tòa án này có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này.

Đồng thời, điểm đ, khoản 1, Điều 32 của BLTTDS năm 2015 đã quy định: “Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”.

Như vậy, tranh chấp giữa Nguyễn Văn A và Công ty X là “tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động” thuộc trường hợp tranh chấp tại điểm b, khoản 1, Điều 32 của BLTTDS năm 2015. Do đó, tranh chấp này giữa Nguyễn Văn A với Công ty X không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.

Từ đó, chúng tôi cho rằng việc TAND huyện H trả lại đơn khởi kiện của anh A là không đúng pháp luật mà TAND huyện H phải thụ lý giải quyết vụ kiện nêu trên.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quí đồng nghiệp và bạn đọc trao đổi, góp ý!

 TRẦN TÚ ANH – HUỲNH MINH KHÁNH  (Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)

TAND thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa- Vũng Tàu xét xử vụ án tranh chấp lao động - Ảnh: TL