Tòa án và địa phương
Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đã đề ra mô hình tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không gắn với địa giới hành chính. Đây là giải pháp căn bản củng cố và bảo đảm cho nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án được tôn trọng.
Tháng 7/2020, Ủy ban Kiếm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật cảnh cáo một ông Phó Chủ tịch thường trực HĐND một tỉnh ở Tây Nguyên vì đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trước đó, trong một vụ án dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện bồi thường về tài sản của nguyên đơn, buộc bị đơn là một ngân hàng bồi thường 115 tỷ đồng. Hai tháng sau phiên tòa, ông Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ký văn bản gửi TAND tỉnh đề nghị cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm; Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh và lãnh đạo TAND đã xét xử sơ thẩm báo cáo quan điểm giải quyết vụ án; yêu cầu Thẩm phán viết văn bản giải trình. Tòa án và Thẩm phán phải thực hiện theo yêu cầu của ông Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, không dám từ chối.
Sau đó, Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại. Nguyên đơn khiếu nại đến Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban kiểm tra Trung ương mới dẫn đến kết quả kỷ luật ông Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nêu trên.
Có nhiều chủ thể, nhiều mối quan hệ có thể tác động đến tính độc lập của Thẩm phán, của Tòa án, đều cần được nghiên cứu tìm ra giải pháp đồng bộ để ngăn chặn. Vụ kỷ luật trên đây là trường hợp can thiệp trái pháp luật của lãnh đạo địa phương vào hoạt động xét xử của Tòa án khá điển hình và đã được xử lý công khai, minh bạch, nhưng thực tế chắc chắn còn không ít sự can thiệp khác kín đáo hơn, khó phát hiện hơn vẫn diễn ra ở nhiều Tòa án địa phương.
Có chuyện thật như đùa là ở một số địa phương, lắm khi vui miệng người ta gọi Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh là “sở trưởng”, coi Tòa án cũng như một sở trong hệ thống cơ quan hành chính. Trong bối cảnh dính mắc như thế, thực hiện nguyên tắc Hiến định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” thật nan giải.
Thực tiễn hoạt động của Tòa án những năm qua cho thấy rõ, mô hình tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh vô hình trung hạ thấp địa vị pháp lý của Toà án nhân dân, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án, ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, khi một bên trong vụ án là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Điều đó phải khắc phục triệt để.
Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đã đề ra giải pháp khắc phục triệt để mối dính mắc triền miên đó, bằng mô hình tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không gắn với địa giới hành chính. Khi Tòa án không nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước tại địa phương thì chắc chắn không có vị lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện nào có thể can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án như ông Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nọ.
Giải pháp mang tính căn bản, đổi mới triệt để này là cụ thể hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp. Nghị quyết Đại hội lần thứ IX đã đề ra chủ trương “sắp xếp lại hệ thống Tòa án nhân dân, phân định hợp lý thẩm quyền và tổ chức các Tòa án theo cấp xét xử”. Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ “tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện”. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2011, tổng kết 05 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, đã xác định các Tòa án tổ chức theo mô hình bốn cấp không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.
Nếu Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi được Quốc hội thông qua, hệ thống Tòa án sẽ có sự thay đổi có thể nói là mang tính cách mạng, tạo điều kiện quan trọng để Tòa án thực hiện chức năng Hiến pháp quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Theo quy định đó, xử lý các vi phạm pháp luật bằng các chế tài Nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực Nhà nước đều thuộc thẩm quyền của Tòa án. Các cơ quan nhà nước khác tham gia vào việc xử lý, giải quyết đó không phải là cơ quan tư pháp, không có chức năng thực hiện quyền tư pháp, mà chỉ thực hiện các hoạt động tư pháp. Từ đó, mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử, giao cho Tòa án bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là xu thế tất yếu của nhà nước pháp quyền.
Với trọng trách như thế, nguyên tắc độc lập của Tòa án càng phải được tôn trọng và bảo đảm cho nguyên tắc đó được thực hiện nghiêm chỉnh. Nguyên tắc đòi hỏi không một chủ thể nào được can thiệp một cách vô cớ hay không thoả đáng vào quá trình xét xử, cũng như không được xét lại các phán quyết của Tòa án. Chỉ có các Tòa án cấp trên mới có quyền xét lại các phán quyết của Tòa án cấp dưới theo quy trình tố tụng.
Và khi đó Tòa án sẽ có vị thế xứng đáng trong bộ máy Nhà nước, phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay. Đối với các địa phương, chắc chắn ý thức tuân thủ pháp luật không chỉ của người dân mà cả các cấp chính quyền cũng sẽ có thay đổi tích cực.
Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ, Gia Lai xét xử vụ án dân sự- Ảnh minh họa: Đinh Thanh Bình
Bài liên quan
-
Bàn về trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ của Thẩm phán theo dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
-
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
-
Hội nghị góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) lần 2
-
Một số góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Ha Cam Phong
13:13 22/12.2024Trả lời