Tọa đàm về Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 2015 về các tội xâm hại tình dục

Ngày 24 / 7 /2019 tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức Tọa đàm tham vấn Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 2015 về các tội xâm hại tình dục. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì tọa đàm.

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia Tọa đàm

Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế về trẻ em, về lĩnh vực pháp luật hình sự như bà Shelley Casey, chuyên gia luật pháp và giới của UNICEF với tham luận “Định nghĩa các loại hình xâm hại tình dục và bạo lực tình dục trẻ em – Chuẩn mực quốc tế và thực hành tốt; Khuyến nghị của UNICEF” và “Thủ tục điều tra và xét xử nhạy cảm với người chưa thành niên để hỗ trợ người chưa thành niên cung cấp lời khai hiệu quả và giảm sang chấn khi tham gia vào quá trình tố tụng”.

Tham gia góp ý đối với dự thảo Nghị quyết có Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTƯ; ông Nguyễn Văn Hiển, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp; TS Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; PGS.TS Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án; bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ 2, Viện kiểm sát nhân dân tối cao …

Tọa đàm có sự tham gia của các vị Phó Chánh án TANDTC, các Thẩm phán TANDTC, đại diện các đơn vị thuộc TANDTC, đại diện TANDCC tại Hà Nội…

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nói: Trong thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là các tội về xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên; thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 41 của Quốc hội và Kế hoạch triển khai thi hành BLHS năm 2015, để Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội xâm hại tình dục có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước cũng như quốc tế.
Chánh án cũng đánh giá cao những đóng góp của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã hỗ trợ TANDTC trong việc tổ chức Tọa đàm này và mong rằng trong thời gian tới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam trong việc triển khai các nhiệm vụ của mình, đặc biệt là trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Chánh án mong rằng: “Tại Tọa đàm hôm nay, các chuyên gia, các quý vị đại biểu tích cực thảo luận, góp ý sôi nổi các nội dung liên quan đến Nghị quyết và đưa ra các giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao để Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới”.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng tăng

BLHS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01-01-2018 đã đánh dấu bước phát triển mới, tiến bộ trong chính sách hình sự của Nhà nước ta. Cũng như hầu hết các quy định khác thì nhóm tội về xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự mới đã được sửa đổi, bổ sung khá toàn diện nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 như: quy định rõ về chủ thể của tội phạm; bổ sung “hành vi quan hệ tình dục khác” đối với một số tội xâm hại tình dục; sửa đổi, bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng đối với nhóm tội này; bổ sung tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) để xử lý hình sự hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức…


Các đại biểu tham dự Tọa đàm – Ảnh: Hùng Lan

Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, được dư luận đồng tình ủng hộ, qua đó từng bước ngăn chặn loại tội phạm này, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với loại tội phạm này là rất nghiêm khắc. Tổng số vụ án xâm hại tình dục trẻ em trong 05 năm (từ năm 2013 đến năm 2017), Tòa án đã thụ lý 8254 vụ án/8892 bị cáo; trong đó đã xét xử 7586 vụ án/8113 bị cáo, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát là 549 vụ án/ 612 bị cáo. So với tổng số vụ án đã thụ lý, tỷ lệ trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát chiếm 6,65% số vụ án và 6,88% số bị cáo. Trong 04 năm (từ năm 2014 đến năm 2017), số vụ án và số bị cáo xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng giảm dần qua các năm.

Năm 2014: đã thụ lý 1885 vụ án/ 2054 bị cáo, đã xét xử 1768 vụ án/ 1925 bị cáo; Năm 2015: đã thụ lý 1767 vụ án/ 1896 bị cáo, đã xét xử 1599 vụ án/ 1694 bị cáo; Năm 2016: đã thụ lý 1585 vụ án/ 1689 bị cáo, đã xét xử 1445 vụ án/ 1532 bị cáo; Năm 2017: đã thụ lý 1345 vụ án/ 1413 bị cáo, đã xét xử 1210 vụ án/ 1259 bị cáo.

Tuy nhiên, tình hình các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng tăng về tính chất và mức độ nghiêm trọng. Các hành vi hiếp dâm, giao cấu và dâm ô với trẻ em xảy ra còn nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của trẻ em, trong đó nhiều vụ án gây bức xúc trong dư luận.luận quần chúng nhân dân. Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em, giảm 2,8% so với năm 2017. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Trong đó: Hiếp dâm trẻ em: 425 vụ, 411 đối tượng, xâm hại 391 em; Cưỡng dâm trẻ em: 06 vụ, 06 đối tượng, xâm hại 06 em; Giao cấu với trẻ em : 606 vụ, 591 đối tượng, xâm hại 531 em; Dâm ô với trẻ em: 232 vụ, 225 đối tượng, xâm hại 213 em.

Qua thực tiễn xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em cho thấy việc phát hiện, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu dấu vết, chứng cứ và đối tượng có hành vi xâm hại thường rất khôn khéo để che đậy hành vi phạm tội của mình, kể cả việc đe dọa, khống chế nạn nhân. Mặt khác, trẻ em chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là các hành vi xâm hại tình dục; nhiều trẻ bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại, nên không thể trình báo với cơ quan chức năng hoặc khai báo không thống nhất; nhiều gia đình không tố giác tội phạm do sợ ảnh hưởng đến tương lai con em hoặc khai báo chậm nên rất khó khăn trong khâu thu thập, đánh giá chứng cứ… Cơ quan chức năng lấy lý do người bị hại khai báo không nhất quán, chứng cứ, dấu vết mờ nên chưa quyết liệt trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vì sợ oan sai.

BLHS năm 2015 tuy đã được sửa đổi, bổ sung khá cụ thể, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong đấu tranh phòng chống các tội phạm xâm hại tình dục, nhưng vẫn còn có một số quy định mang tính khái quát, định tính dễ dẫn đến hiểu và áp dụng không thống nhất. Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn bảo đảm áp dụng đúng, thống nhất pháp luật để các quy định mới, tiến bộ của BLHS năm 2015 đi vào cuộc sống.

Nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên; đồng thời để bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của BLHS, thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 41 của Quốc hội và Kế hoạch triển khai thi hành BLHS năm 2015, TANDTC đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của BLHS về các tội xâm hại tình dục.

Báo cáo của Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC cho biết: Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 141 về tội hiếp dâm, Điều 142 về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Điều 143 về tội cưỡng dâm, Điều 144 về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Điều 145 về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Điều 146 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và Điều 147 về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm của BLHS.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, có ý kiến cho rằng ngoài việc hướng dẫn các tội nêu trên thì Nghị quyết cần hướng dẫn áp dụng các tội khác có liên quan như Điều 326 về tội truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm, Điều 327 về tội chứa mại dâm, Điều 328 về tội môi giới mại dâm và Điều 329 về tội mua dâm người dưới 18 tuổi.

Về nội dung dự thảo Nghị quyết

Nghị quyết hướng dẫn xác định cụ thể thế nào là hành vi giao cấu; hành vi quan hệ tình dục khác; hành vi dâm ô; hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm, theo đó:

– Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của BLHS là hành vi đưa dương vật thâm nhập vào âm đạo, không phân biệt mức độ nông hay sâu.

– Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của BLHS là một trong các hành vi sau đây nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục:

+ Đưa dương vật thâm nhập vào miệng, hậu môn, không phân biệt mức độ nông hay sâu;

+ Đưa các bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) thâm nhập vào âm đạo, hậu môn, không phân biệt mức độ nông hay sâu;

+ Đưa dụng cụ tình dục thâm nhập vào âm đạo, hậu môn hoặc miệng, không phân biệt mức độ nông hay sâu;

+ Đưa vật khác (không phải là dụng cụ tình dục) thâm nhập vào âm đạo, hậu môn, không phân biệt mức độ nông hay sâu.

– Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của BLHS là một trong các hành vi sau đây nhằm kích thích tình dục nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:

+ Dùng tay, chân, miệng, lưỡi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của người phạm tội để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng của người dưới 16 tuổi;

+ Dùng các đồ vật để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực của người dưới 16 tuổi;

+ Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng tay, chân, miệng, lưỡi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng của người phạm tội hoặc của người khác.

– Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 thực hiện các cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh, mô tả (bằng lời nói hoặc chữ viết) nội dung gây kích thích ham muốn tình dục; phô bày bộ phận sinh dục, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác).

– Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của BLHS là trường hợp người phạm tội lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi chứng kiến các cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh, lời nói hoặc chữ viết gây kích thích ham muốn tình dục; chứng kiến việc phô bày bộ phận sinh dục, khỏa thân, thoát y hoặc chứng kiến việc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác).

Trong quá trình xây dựng Nghị quyết có ý kiến cho rằng cần phải hướng dẫn tất cả các hành vi tiếp xúc trực tiếp có thâm nhập là “giao cấu”; tiếp xúc trực tiếp nhưng không thâm nhập vào các bộ phận nhạy cảm, riêng tư là hành vi quan hệ tình dục khác; hành vi không tiếp xúc về thể chất giữa người phạm tội và bị hại, như khỏa thân, ép buộc khỏa thân… là “dâm ô” 4 . Tuy nhiên, qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng theo Từ điển Oxford hoặc pháp luật hình sự một số bang của Mỹ thì giao cấu cũng được hiểu theo cách truyền thống như dự thảo Nghị quyết. Mặt khác, BLHS Việt Nam và Nghị quyết cũng quy định cụ thể hành vi nào thì bị coi là quan hệ tình dục khác, hành vi nào bị coi là dâm ô và hành vi nào bị coi là khiêu dâm. Do đó, nếu giải thích các hành vi “giao cấu”, và “dâm ô” và các hành vi tình dục khác theo quan điểm nêu trên sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong các nội dung hướng dẫn của Nghị quyết.

Cũng trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, có ý kiến cho rằng không cần phải quy định mục đích “nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục” để xác định hành vi “quan hệ tình dục khác”, hay “nhằm kích thích tình dục” để xác định hành vi “dâm ô”. Tuy nhiên, ban soạn thảo cho rằng việc quy định mục đích là cần thiết, để phân biệt các hành vi phạm tội này với các hành vi làm nhục, tra tấn hoặc hành hạ người khác được quy định tại một số điều luật của BLHS.

Cũng có ý kiến cho rằng việc quy định mục đích đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh thì mới xử lý được. Tuy nhiên, ban soạn thảo cho rằng việc quy định mục đích như dự thảo chỉ nhằm để phân biệt giữa các hành vi khách quan chứ không đòi hỏi phải chứng minh thỏa mãn rồi mới có tội.
Bên cạnh các nội dung trên, dự thảo Nghị quyết còn hướng dẫn làm rõ một số thuật ngữ khác ảnh hưởng đến việc xác định tội phạm như:

– Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của BLHS; Thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của BLHS; Trái với ý muốn của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của BLHS.

– Người lệ thuộc quy định tại khoản 1 Điều 143 và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình quy định tại khoản 1 Điều 144 của BLHS.

– Người đang ở trong tình trạng quẫn bách quy định tại khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 của BLHS.

Về một số tình tiết định khung hình phạt

Dự thảo Nghị quyết tập trung vào hướng dẫn một số tính tiết định khung hình phạt như:

– Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa
bệnh; Có tính chất loạn luân; Phạm tội 02 lần trở lên; Nhiều người hiếp một người; Nhiều người cưỡng dâm một người.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết có một số ý kiến cho rằng nội dung hướng dẫn tình tiết “có tính chất loạn luân” trong dự thảo Nghị quyết là quá rộng. Theo các ý kiến này thì tình tiết “có tính chất loạn luân” hiểu là người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo thấy rằng quy định tình tiết này tại nhóm tội xâm hại tình dục là trường hợp “có tính chất loạn luân”, trong đó cần đặc biệt lưu ý từ tính chất. “Có tính chất loạn luân” có nội hàm rộng hơn “loạn luân” được quy định tại Điều 184 (tội loạn luân) của Bộ BLHS, do đó, cần phải hướng dẫn như dự thảo, gồm:

a) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;

b) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với cô, dì, chú, bác, cháu ruột;

c) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;

d) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;

đ) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

Mặt khác, các hành vi như hướng dẫn tại dự thảo Nghị quyết đều là các trường hợp trái với luân thường, đạo lý và truyền thống của người Việt Nam. Do đó cần phải xử lý nghiêm bằng việc tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp này.

Về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội

Dự thảo Nghị quyết quy định: Việc xét xử và áp dụng hình phạt đối với người phạm các tội quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của BLHS phải bảo đảm nghiêm khắc. Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trường hợp hành vi phạm tội gây bức xúc dư luận xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì không cho hưởng án treo.

– Trường hợp người phạm tội lợi dụng nghề nghiệp hoặc công việc của mình để thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: bác sĩ lợi dụng việc khám, chữa bệnh để hiếp dâm bệnh nhân) thì cùng với việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án phải xem xét quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong hạn từ 01 năm đến 05 năm.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết có ý kiến cho rằng, không cần thiết phải hướng dẫn nội dung này, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần phải nghiên cứu hướng dẫn áp dụng đối với loại tội phạm này bằng những biện pháp khác như cách ly người phạm tội khỏi khu vực nhất định, cấm người phạm tội cư trú ở một số địa bàn nhất định, cấm người phạm tội tiếp xúc với trẻ em…

Ban soạn thảo cho rằng hướng dẫn nguyên tắc xử lý người phạm tội tại nội dung dự thảo là rất cần thiết, trong bối cảnh hiện nay tình trạng tội phạm xâm hại tình dục đang có diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Việc hướng dẫn nội dung này nhằm bảo đảm cho các Tòa án xử lý, áp dụng hình phạt một cách nghiêm khắc đối với loại tội phạm này.

Tuy nhiên, BLHS mới chỉ quy định 02 loại hình phạt bổ sung áp dụng đối với nhóm tội phạm này là (1) cấm hành nghề từ 01 đến 05 năm; hoặc (2) cấm làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm. Hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp của nước ta không quy định về các biện pháp như cách ly người phạm tội tại khu vực nhất định, hoặc cấm người phạm tội tiếp xúc với trẻ em… Do đó, không có cơ sở pháp lý để hướng dẫn áp dụng. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần tính toán, nghiên cứu bổ sung các biện pháp này vào BLHS để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.

Về việc xét xử vụ án hình sự xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi

Nội dung này được hướng dẫn tại Điều 5 của dự thảo Nghị quyết. Về cơ bản thì nội dung này đã được quy định, hướng dẫn tại các văn bản pháp luật hình sự, nhưng còn tán mát ở nhiều văn bản khác nhau 5 . Do đó, việc hướng dẫn một cách chi tiết một số vấn đề trong việc xét xử vụ án hình sự xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi như dự thảo Nghị quyết này là rất kịp thời và cần thiết.

Về độ tuổi trong xử lý hình sự

Ngoài các nội dung nêu trên, quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết còn có ý kiến cho rằng Nghị quyết cần phải hướng dẫn xác định rõ độ tuổi đồng thuận quan hệ tình dục. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể rõ quan hệ tình dục với người bị hại ở độ tuổi nào thì phạm tội tương ứng. Theo đó, mọi trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi (không phân biệt đồng thuật hay không đồng thuận) đều phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; mọi trường hợp quan hệ tình dục đồng thuận với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đều phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; mọi hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi đều phạm tội đều phạm tội dâm ô. Đối với các hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của nạn nhân thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị xử lý theo các tội tương ứng của BLHS.

Như vậy, có thể thấy hành vi quan hệ tình dục đồng thuận với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không khuyến khích việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, đặc biệt đối với nhóm tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Quy định này xuất phát từ truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam. Mặt khác, Bộ luật Hình sự là văn bản chỉ quy định nhưng hành vi có tính chất nghiêm cấm (tức hành vi phạm tội); các chuẩn mực trong quan hệ hay hành vi ứng xử thì được quy định bởi hệ thống pháp luật phi hình sự; do đó, ban soạn thảo thấy không cần hướng dẫn thêm nội dung này trong Nghị quyết.

THÁI VŨ - HÙNG LAN