Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra
Việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra còn một số vướng mắc, bất cập... cần sớm được sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất, hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) do người dùng chất kích thích gây ra được quy định tại Điều 596 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
Về chủ thể chịu trách nhiệm BTTH được xác định theo các trường hợp sau đây: (i) Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường1; (ii) Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại2; (iii) Nếu người tự mình dùng rượu hoặc chất kích thích mà gây thiệt hại nhưng họ là người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự thì người chịu trách nhiệm BTTH không phải là những người trực tiếp sử dụng chất kích thích. Trường hợp này, pháp luật quy định trách nhiệm BTTH thuộc về cha, mẹ hoặc người giám hộ, trường học, bệnh viện hoặc các tổ chức quản lý khác3.
Việc xác định thiệt hại tuân thủ các quy định chung về xác định thiệt hại theo các điều 589, 590, 591 BLDS năm 2015, bao gồm các thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm.
1. Một số vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, BLDS năm 2015 chưa đưa ra khái niệm cụ thể về chất kích thích. Thực tế, “chất kích thích” thường được hiểu là các chất quen thuộc như: Bia, rượu, ma túy,… Tuy nhiên, các thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giảm đau, hay như cà phê, thuốc lá… vẫn được xem là chất kích thích. Chúng tuy nằm trong nhóm các chất kích thích nhưng không thuộc đối tượng là chất kích thích theo Điều 596 BLDS năm 2015.
Ví dụ: Vụ việc xảy ra ngày 16/7/2019 tại phố đi bộ Bùi Viện, Thành phố Hồ Chí Minh4. Ba thanh niên uống rượu, hít bóng cười, cỏ Mỹ dẫn đến rơi vào trạng thái mất nhận thức, co giật, sùi bọt mép và liên tục đạp đổ đồ đạc xung quanh. Như vậy, trong tình huống này, liệu ba thanh niên nói trên có thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 596 BLDS năm 2015: “Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường”? Và “bóng cười, cỏ Mỹ” có được coi là “chất kích thích khác” không?
Do hiện nay, có nhiều chất hóa học mới được điều chế có dược tính tác động lên cơ thể, thần kinh của con người như: Cỏ Mỹ, keo chuột, bóng cười, shisha,… nhưng những chất này vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể do chưa có khái niệm tổng quát về chất kích thích trong khoa học pháp lý. Việc xác định chất kích thích trong BLDS hiện nay phải dựa vào các quy định và sự phân chia về các nhóm chất kích thích mà Bộ Y tế đưa ra5. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần có khái niệm cụ thể hơn về chất kích thích để thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Thứ hai, khó xác định được người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại. Khoản 2 Điều 596 BLDS năm 2015 quy định: “Khi một người cố dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Chúng tôi cho rằng, rất khó để xác định người bị ép uống rượu, bia hoặc chất kích thích khác gây thiệt hại đã bị say hay chưa vì thể trạng của mỗi người là khác nhau, thậm chí một người uống cùng một lượng rượu, bia nhưng cũng có thể có lúc này say, lúc khác lại không bị say. Việc dùng rượu, bia… dẫn đến say còn phụ thuộc vào sức khỏe và nhiều yếu tố khác của người đó trong từng thời điểm.
Rất khó để có thể xác định được việc một người có cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, kiểm soát hành vi của mình và gây ra cái chết cho người khác. Và cái chết của bị hại có phải là hậu quả từ việc bị ép uống rượu hay không?
Một vướng mắc thường gặp khi áp dụng khoản 2 Điều 596 BLDS năm 2015 là người làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì có phải cùng với người trực tiếp gây thiệt hại bồi thường không? Hay họ sẽ phải tự mình bồi thường toàn bộ cho người bị thiệt hại? Điều 596 BLDS năm 2015 không quy định rõ ràng việc loại trừ trách nhiệm của người trực tiếp gây thiệt hại.
Thứ ba, Điều 596 BLDS năm 2015 chỉ đề cập đến hành vi cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi gây thiệt hại, nhưng không đề cập đến trường hợp một người vô ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại. Ví dụ: Nguyễn Văn A cùng Trần Văn B và Lê Văn C đi hát karaoke, trong lúc đang hát thì Nguyễn Văn A pha ma túy vào ly bia để uống, Trần Văn B cầm nhầm ly bia có pha ma túy này. Sau khi uống phải ly bia có pha ma túy, B bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên đã đập phá tài sản của quán karaoke và gây tổn thất 45 triệu đồng.
Trong trường hợp này, ai sẽ là người có trách nhiệm BTTH? Theo khoản 2 Điều 596 BLDS năm 2015 thì Nguyễn Văn A có lỗi vô ý nên sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Còn đối với người gây thiệt hại, bản thân họ không có nhận thức tại thời điểm gây thiệt hại, đồng thời, họ không có lỗi trong việc sử dụng chất kích thích dẫn đến mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, nên nếu buộc họ phải bồi thường cũng không phù hợp. Tuy nhiên, nếu người bị thiệt hại không được bồi thường sẽ không phù hợp với căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH được quy định tại khoản 1 Điều 584 BLDS năm 2015 cũng như các nguyên tắc của BLDS. Vì vậy, cần phải quy định rõ về trường hợp này.
Thứ tư, nếu người tự mình dùng rượu hoặc chất kích thích mà gây thiệt hại nhưng là người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự thì những người chịu trách nhiệm BTTH không phải là những người trực tiếp sử dụng chất kích thích. Trong trường hợp này, trách nhiệm BTTH sẽ thuộc về người giám hộ, trường học, bệnh viện,… Vậy trường hợp không xác định được người giám hộ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm BTTH?
Ví dụ: Lê Văn S bị bệnh tâm thần, nhà S có ba anh em (C, Q và S). Sau khi cha mẹ mất, S ở cùng anh trai là C một thời gian, nhưng do hoàn cảnh gia đình C khó khăn nên ông Q đón S về nuôi. Ngày 12/12/2020, S uống rượu bia và tự ý điều khiển xe máy ra đường, đâm vào bà H dẫn đến hậu quả bà H chết. Hai anh em S qua thăm và hỗ trợ chi phí 50 triệu đồng. Người thân của bà H không đồng ý và đã khởi kiện yêu cầu ông Q phải chịu trách nhiệm bồi thường vì là người nuôi dưỡng S. Ông Q không đồng ý, vì cho rằng, C mới là người phải bồi thường cho người bị thiệt hại vì S ở với C từ trước đến nay.
Trong tình huống trên, không xác định được ai phải chịu trách nhiệm BTTH, do không xác định được người giám hộ. Do đó, ngoài các điều luật đã viện dẫn theo BLDS năm 2015 về trách nhiệm BTTH tính mạng, sức khỏe, thì tình huống còn căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015: “Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Theo đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều có quyền và nghĩa vụ như nhau và phải chịu trách nhiệm BTTH, trường hợp hàng thừa kế thứ nhất có nhiều người, những người này phải cùng liên đới chịu trách nhiệm BTTH. Rất khó xác định chủ thể phải BTTH trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại khi cha, mẹ của người gây thiệt hại mất, các anh chị em ruột trong gia đình thỏa thuận (bằng miệng) với nhau về việc nuôi dưỡng, chăm sóc những người được quy định tại khoản 3 Điều 586 BLDS năm 2015 (có thể mỗi người thân trong gia đình nuôi dưỡng một thời gian, không có giấy tờ chứng minh về việc giám hộ).
Theo khoản 3 Điều 586 BLDS năm 2015: “… nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”; điều luật chỉ nêu được trường hợp người gây thiệt hại có người giám hộ, còn đối với trường hợp không xác định được người giám hộ thì luật chưa quy định rõ về người phải chịu trách nhiệm BTTH.
Thứ năm, xác định thiệt hại tính mạng, sức khỏe do người dùng chất kích thích gây ra là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình giải quyết có một số vướng mắc như: Bồi thường sức khỏe có tỉ lệ thương tật cao, cấp dưỡng cho người thân của người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, dẫn đến việc BTTH tính mạng, sức khỏe do người dùng chất kích thích gây ra chưa thỏa đáng.
Theo Điều 590 BLDS năm 2015 thì đối với thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại sẽ được bồi thường các chi phí hợp lý theo quy định pháp luật, và sử dụng số tiền bồi thường để phục hồi sức khỏe của mình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người bị thiệt hại sau khi phục hồi sẽ mất khả năng lao động do chấn thương nặng, trở thành gánh nặng về kinh tế cho gia đình, việc chăm sóc cũng như nuôi dưỡng những người thân của họ sẽ không thực hiện được. Chúng tôi cho rằng, BTTH sức khỏe chỉ dừng lại ở việc bồi thường các khoản chi phí hợp lý được pháp luật quy định; hiện pháp luật chưa đặt ra vấn đề: “Những người thân của người bị thiệt hại cần tiền cấp dưỡng khi người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động và không tạo ra thu nhập”. Điều 591 BLDS năm 2015 quy định, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: “Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng” là hết sức cần thiết, nhưng người bị thiệt hại có tỉ lệ phần trăm thương tật cao, không thể phục hồi, không tạo ra thu nhập, cần người chăm sóc cũng là một vấn đề đặt ra. Do đó, chúng tôi cho rằng cần quy định về tiền cấp dưỡng cho người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trong phần BTTH về sức khỏe.
Thứ sáu, Điều 593 BLDS năm 2015 về thời hạn hưởng BTTH do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm không quy định vấn đề người bị thiệt hại về sức khỏe nên không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng nếu trước khi bị thiệt hại họ là người chưa có thu nhập. Ví dụ: Nguyễn Văn A do có sử dụng ma túy và bia nên khi điều khiển xe không làm chủ được tay lái va chạm vào B (6 tuổi) đang đi bộ trên đường dẫn đến B bị tàn tật suốt đời, không còn khả năng lao động.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, bổ sung khái niệm về chất kích thích vào Điều 596 BLDS năm 2015 để thống nhất trong việc xác định thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra. Cụ thể: “Chất kích thích được hiểu là loại chất mà sau khi được hấp thụ vào cơ thể có khả năng gây ức chế thần kinh hoặc ảo giác nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng, làm thay đổi lối suy nghĩ, cảm nhận và cư xử của một con người”.
Hai là, khoản 2 Điều 596 BLDS năm 2015 bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới cho người trực tiếp gây thiệt hại và người làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại.
Đồng thời, cần sửa đổi khoản 2 Điều 596 BLDS năm 2015 như sau: “Khi một người cố ý hoặc vô ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Việc bổ sung quy định về hành vi “vô ý” dùng chất kích thích làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, và phù hợp căn cứ phát sinh và nguyên tắc chung của BTTH.
Ba là, chủ thể BTTH do người dùng chất kích thích gây ra là một vấn đề rất khó xác định, bởi người gây thiệt hại chưa hẳn là người phải chịu trách nhiệm BTTH. Điều 586 BLDS năm 2015 đã quy định cụ thể về trách nhiệm BTTH của người giám hộ, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật chưa dự trù trường hợp không xác định được người giám hộ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm BTTH, khi người mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại. Do đó, cần bổ sung khoản 3 Điều 586 BLDS năm 2015 như sau:
“… Trong trường hợp không xác định được người giám hộ, thì người phải chịu trách nhiệm BTTH sẽ phụ thuộc vào hàng thừa kế thứ nhất của người gây thiệt hại”.
Bốn là, quy định “tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng” tại Điều 590 khoản 1 BLDS năm 2015 như sau: “Người thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe có tỉ lệ thương tật từ 60% trở lên hoặc dưới 60% nhưng mất hoàn toàn khả năng lao động, thì người bị thiệt hại được bồi thường chi phí cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, đến khi người được cấp dưỡng đủ 18 tuổi hoặc dưới 18 tuổi nhưng đã có thu nhập, đủ nuôi sống bản thân và không yêu cầu cấp dưỡng”.
Năm là, tại khoản 1 Điều 593 BLDS năm 2015 cần bổ sung quy định về thời hạn hưởng BTTH như sau: “Nếu người bị xâm phạm đến sức khỏe bị mất hoàn toàn khả năng lao động mà trước khi bị xâm phạm họ chưa có khả năng lao động và chưa có thu nhập thì họ sẽ được hưởng một khoản tiền trợ cấp cho đến lúc chết”. Quy định như trên sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, xoa dịu những tổn thất về tinh thần cho họ.
Theo Kiemsat.vn
Tòa án nhân dân quận Tân Phú, TP HCM xét xử vụ án dân sự về “Đòi tài sản và bồi thường thiệt hại” - Ảnh: Khổng Sơn Tùng
Bài liên quan
-
Về năng lực trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
-
Bàn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người làm công gây ra
-
Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại và góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
-
Áp dụng pháp luật trong giải quyết, xét xử các loại tội phạm do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận