Trịnh Công Sơn với Huế và chùa

Huế và chùa, hai mảnh ghép trong vô tận mảnh ghép cuộc đời họ Trịnh, chỉ duy, chúng hình như gần trái tim của người nhất, hay nói cách khác, Trịnh đã hít thở từ khi còn nằm nôi…

 

Ca khúc của Sơn, nhất là ca khúc tình yêu, thường đã mang nặng cảnh thức Huế như một nguồn sống cho ý thơ và âm điệu.

Cho nên khi nghe nhạc của Sơn, người nghe nhất là người Huế thường có cảm giác mình đang đi trên một con đường nào đó ở quê hương, hay đang ở trên đường đi trong cơn mưa “thì thầm dưới chân ngà”, trong “mùa hạ khói mây” hay “mùa đông vời vợi”, để đến thăm người yêu, chỉ đến một thoáng rồi đi, chỉ để nhìn mặt hay không nhìn mặt người yêu rồi quay trở về trên đường sỏi đá bên khúc sông Bến Ngự, để vùi trong cơn sốt thương yêu “gọi thân hao gầy, gọi hồn ngất ngây”.“Diễm xưa” là mối tình đầu của Diễm xưa – sau Ướt mi một thời mê say giang hồ, Diễm xưa đã trở thành ca khúc tình đầu của Sơn và “Diễm” đã trở nên một huyền thoại “Xưa” như chuyện Từ Thức gặp tiên, như một câu chuyện tình cổ lụy cho đời và cho cả chính Sơn.

Tình yêu đã đến với Sơn như một huyền thoại bất ngờ, như một cơn mưa đến từ cõi hoang sơ rơi trên tháp cổ, nên thật bàng hoàng. Có lần Sơn bảo, con gái Huế yêu thật lạ lùng, trong cơn đau vẫn trốn mẹ, tung mền mặc áo mưa băng qua cầu chạy như bay đến để chỉ đặt một trái cây hoặc một bông hoa trước cửa, không cần gặp người yêu, rồi ra về. Để cho người con trai sững sờ, ngạc nhiên và lặng người trong nỗi nhớ nhung “buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua, trên bước chân em âm thầm lá đổ, chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa”… nỗi nhớ vết chim gi, bay qua vùng đất rộng, ước sao bờ sông Bến Ngự nối liền. “Chiều này còn mưa sao em không lại, nhỡ mai trong cơn đau vùi làm sao có nhau… hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau”. Diễm ơi, Sơn ơi, những mối tình ở Huế!

Tôi nghĩ rằng không ai cả ngoài Diễm xưa vẫn luôn luôn là bóng dáng người tình trong những tình khúc Trịnh Công Sơn. Trong Như cánh vạc bay, Quỳnh hương, Tình nhớ, Hạ trắng, Mưa hồng, Gọi tên bốn mùa, Tình sầu v.v… vẫn thấp thoáng những nét đan thanh, chấm phá của Diễm: mảnh khảnh đến gió thổi bay, vai gầy guộc như đôi cánh cò (chúng tôi thường chế giễu nhau như thế), tay gầy lêu khêu, nét xanh xao, mái tóc rối quăn ôm gương mặt trái xoan nhỏ nhắn, bóng dáng chợt đến chợt đi chợt ẩn chợt hiện như trong Liêu trai, dáng điệu thì yếu đuối như lúc nào cũng có thể ngất đi, nhưng trong lòng thì đầy cả đam mê bão táp.

Cái hình ảnh mảnh mai ẻo lả, lãng đãng như gần như xa, như có thực mà như không có thực ấy, khác hẳn với các khuôn mặt tình và khuôn mặt đẹp theo ước lệ trong những ca khúc tình yêu thường nghe, vẻ đẹp hao gầy mong manh trở nên nguồn cảm hứng không ngừng trong ca khúc tình yêu của Trịnh Công Sơn, xúc cảm từ một cuộc tình đam mê, trong trắng, mối tình học trò ngây thơ đầy hương sắc và ánh sáng mà Sơn chưa kịp nhận được thì đã thoáng bay.

Nếu tình yêu cảnh Huế keo sơn bao nhiêu thì tình yêu của người con gái Huế lại càng phù du như đám mây trời, như cơn mưa mùa hạ bấy nhiêu. Hình như là một thông lệ cho những người yêu nhau ở Huế: yêu ai thì rất mực yêu ai, nhưng khi tính cuộc trăm năm với người nào thì cha mẹ hay tiếng nói của mẹ cha đã nằm sẵn trong tiềm thức của mỗi người quyết định, và thường khi quyết định một cách thực tế là không lựa chọn người mình yêu, dù “nỗi lòng anh đầy” nhưng “lời ca anh nhỏ” bé đơn sơ quá cho nên ước mơ “ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu” đã phôi pha để chỉ còn “Này em em hãy phụ người, này em xin cứ phụ tôi” “em cứ phụ đời” bởi vì trời đã sinh ra con gái Huế là để “yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau” (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Ai bảo Sơn không khổ vì yêu, thứ tình “mật ngọt trên môi” trở thành “mật đắng trong đời”? Cho cả cuộc đời, suốt cả bốn mùa mưa nắng “đôi khi thấy trong gió bay lời em nói, đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi”. Có khổ tận trong tình yêu, có đạt đạo trong nỗi khổ mới thể nghiệm được nghĩa vô thường của “yêu là chết” và có thể đồng cảm với niềm vui và nỗi khổ của những ngưòi đang yêu. Trong tất cả ca khúc tình yêu của Sơn luôn luôn có tấm tình riêng chia với tấm tình chung, như đã “yêu em” thì “yêu thêm tình phụ”, như “trên lá khô” chảy ra “dòng suối” tình yêu không tuyệt vọng…Và đền bù lại cho những mối tình mây nổi, đã có tình bạn hữu thật chí thiết, đưa vai hứng đỡ những cơn tuyệt vọng chết người “đừng tuyệt vọng, ai ơi đừng tuyệt vọng!” “Bạn bè ở Huế thương nhau lắm, một đứa vợ la chín đứa kinh”, có một nhà thơ nhận xét như vậy sau này. Cô đơn vì người tình hờn dỗi lắm khi không cô liêu bằng khi “bạn bè rời xa chăn chiếu”. Và khi bạn yêu người nào thì hình như mình cũng yêu người ấy, khi bạn thất tình thì mình cũng đau khổ không kém gì nỗi đau của bạn. Trong những lúc Sơn lụy vì tình, đã nhiều lần thay bạn đi thuyết khách, giải thích, hóa ra ai yêu nhau ai giận nhau thì bạn bè đều mau mau đứng ra chịu trận như chính mình là người trong cuộc. Và chính Sơn cũng đã tâm sự với tôi như thể tôi cũng là người trong cuộc của hai người. Sơn ơi, người trong cuộc hay người ngoài cuộc, ai bỏ đi ai ở lại với tình, ai buồn hơn ai?

Trong rất nhiều tình huống của những năm 1960 ở Huế, Sơn thường đứng ngoài cuộc, trong lúc chúng tôi dấn thân trong vòng khổ nạn của Huế 1963, nhưng mãi đến hôm nay mới biết được – dù hãy còn mơ hồ – người trong cuộc hay người ngoài cuộc, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm hơn ai, và tình bạn hữu đã khắn khít như thế nào giữa người đứng trong và người đứng ngoài hàng rào dây kẽm gai.

***

Mỗi ca khúc của Sơn – như ít có nơi những kẻ đi trước và những người đồng thời với Sơn trên lãnh vực âm nhạc – có thể nghe và cảm nhận như những công án thiền về cuộc đời, mà mỗi câu hỏi siêu hình về nó đều bị trả đũa bằng một hay hai điều tầm thường, vớ vẩn trong chính cuộc đời; ở đó chữ nghĩa mất hết tính cách ước lệ, qui luật văn phạm, sự vô nghĩa nằm sát bên có nghĩa. Có ai không bất ngờ khi nghe câu hỏi đạo đức “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm chi em có biết không?” được Sơn phổ thành bài ca với câu trả lời: “Để gió cuốn đi”, cũng chẳng khác chi công án thiền: “Ý nghĩa thật sự của Bồ Đề Đạt Ma đi về phương Đông là gì?” Trả lời: “Cây trắc bá trong sân!” Trong bài ca, vô nghĩa đứng cạnh có nghĩa mà vẫn không nghịch lý, người nghe không thấy chối tai mà ngược lại cảm thấy cảm xúc lăn tròn theo tiếng hát, và trong chuỗi âm thanh theo đuổi nhau, mọi nghịch lý, phi lý làm cho con người nghẹt thở của một Sisyphus1 hì hục lăn tảng đá cuộc đời đều được giải tỏa bằng một hơi thở dài trút hết ưu phiền của tiếng hát lênh đênh.

Mỗi tiếng mỗi chữ trong các ca khúc trở thành những đơn thể của tâm thức trong tính cách hiện sinh duy nhất, tràn đầy sinh động của chúng đã được Sơn xử dụng một cách sáng tạo như những phương tiện “tiếng vỗ của một bàn tay”2 nhằm đánh thức âm hưởng nội tâm của mỗi người nghe, từ đó người nghe có thể đưa thêm vào bàn tay của mình để gây âm thanh cho chính cảm xúc của mình. Và tiếng ca, từ những cọng lá khô không lời, những viên sỏi vô tri im tiếng, bỗng xôn xao “cây lá vào mùa”, bỗng lao xao sóng vỗ bờ xa…

Những ý niệm, những ngôn từ trong đạo Phật – hư vô, hư không, cõi tạm, vô thường, cõi đi về, tiền kiếp, từ bi… thường được xem như những món “cơm chay” khắc khổ, đã được Sơn hóa giải rất tài tình trong lời ca theo nguyên tắc suốt cả 49 năm Phật không thuyết một lời nào, bỏ hết tất cả những chất khô cứng đóng khung của ngôn ngữ dù đó là lời kinh, chúng được lắng nghe và linh cảm trong bản chất âm giai nội tâm đối đãi nguyên sơ nhất của chúng. “Tôi đã lắng nghe im lặng dòng sông… tôi đã lắng nghe im lặng ngọn đồi… tôi đang lắng nghe im lặng của tôi… tôi đã lắng nghe im lặng thở dài”. Bài hát sâu lắng như một buổi tọa Thiền quán sát hơi thở.

Hư vô, cõi tạm do đấy được sử dụng như tiếng thô “đục” của mõ và “thanh” bổng của chuông, hai phương tiện của nghe kinh ngộ đạo đơn sơ nhất, căn cứ vào tầng rung cảm âm thanh bẩm sinh của mỗi con người, nói nôm na là tiếng lòng của mỗi người mà âm vang của tiếng mõ và tiếng chuông có thể làm nở “đóa hoa vô thường”, có thể chở ta ra đi viễn xứ và mang chúng ta trở lại quê nhà.

Có thể nói tính cách tân kỳ của ca khúc Trịnh Công Sơn nằm ở chỗ trong khi Sơn chuyển ý niệm sắc không vào âm nhạc, Sơn đã làm mềm chúng bằng cách dựa vào giai từng cơ bản đối đãi giữa giải thoát và cõi trần cát bụi, trong tương quan chuyền qua đối lại giữa đục – thanh, trầm – bổng của mõ và chuông, từ đó tùy tâm mà chuyển đổi và ứng dụng tất cả những phương tiện khác của âm nhạc – tứ đại cảnh, ru em, hò hay điệu blue buồn hoặc điệu soul của phong trào tân nhạc Âu châu chẳng hạn, để sáng tạo nên thể cách riêng tư của mình. Trong tất cả dòng chảy của âm nhạc Trịnh Công Sơn, sự tĩnh lặng thoát ra từ âm thanh “chuông mõ” luôn luôn làm nền tảng cho sự cảm nhận nét nhạc của mỗi bài ca, dù cho bài ấy có dồn dập đến đâu.

Chính nhờ nguyên tắc đối đãi, mà lời và nhạc của Sơn luôn luôn biến chuyển không ngừng, trong nắng hư vô đã thấy tóc em dài, đường xa áo bay, và lời ru của mẹ lời ru cho em thường dẫn ta đi vào cõi đời thường như một cõi đời mộng, để cho mộng thực luân lưu trong nội tâm quyện tròn thành một lời êm dịu như tiếng kinh dỗ dành giấc ngủ.ư

Có thể so sánh sức mạnh sáng tạo trong thơ nhạc của Trịnh Công Sơn với một công án của Hakuin, thiền sư và họa sĩ ngộ đạo nhất của Nhật Bản:

Tay không mà có cầm cán mai;

Đi bộ mà ngồi lưng trâu;

Người đi qua trên cầu,

Cầu trôi, nước chẳng trôi!

Cái cầu cố định hóa mềm dưới chân, nỗi ưu tư hóa mềm trong tiếng du ca. Trong cái nhìn của người nghệ sĩ, năm căn hay lục căn được cởi bỏ mọi giới hạn, để chỉ còn tự do sáng tạo, ở đó nghe là nhìn “đôi khi thấy trong gió bay lời em nói”, ngửi là nghe, vị giác cũng là nghe, “tôi đã lắng nghe im lặng mặt người”, mà Hakuin (Thiền sư Bạch Ẩn) gọi là phạm trù “kikan” của mỗi công án, phạm trù của cơ cấu mềm dẻo và tự do. Trong cái nghe sáng tạo, tiếng rơi thô kệch của hòn đá rớt xuống cành mai bỗng hóa thành tiếng chim ca thánh thót hát khúc qua đời! Đứng dưới mái chùa, Trịnh Công Sơn đã trả lời Sisyphus bằng một công án như thế!

———————————————————————–

Chú thích:

1. Sisyphus: nhân vật trong huyền thoại Hy Lạp, con của Aiolos và nữ hoàng Korinth, nổi tiếng là tinh ranh quỉ quyệt đã dám bắt thần chết trói lại để cho con người khỏi phải chết, sau đó bị trừng phạt vì tội ấy suốt đời phải lăn một tảng đá lên núi, nhưng khi đến nơi thì tảng đá lại rớt xuống, và Sisyphus lại phải bắt đầu lại công việc lăn đá lên núi.

2. Một công án Thiền học nổi tiếng của Hakuin: “Khi ta vỗ hai tay vào nhau, ta nghe tiếng vỗ tay. Hãy lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay!”

Một bức tranh của Trịnh Công Sơn

Theo Tiasang.vn

 

THÁI KIM LAN