Trương Anh H phạm tội Lạm quyền trong thi hành công vụ

Sau khi nghiên cứu bài viết “Trách nhiệm hình sự của hành vi giúp người bị tạm giam thoả mãn một số nhu cầu để được hưởng lợi về vật chất” của tác giả Hoàng Quảng Lực, đăng trên Tạp chí ngày 26/12/2022 tôi xin được chia sẻ quan điểm cá nhân.

Qua nội dung sự kiện pháp lý, các quan điểm xung quanh việc xác định tội danh đối với Trương Anh H và xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án trong đó có quan điểm của tác giả, tôi đồng tình với quan điểm của tác giả, Trương Anh H phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, theo Điều 357 BLHS với những phân tích lập luận mà tác giả đã nêu.

Tôi chỉ xin phản biện lại quan điểm thứ nhất khi có nhận định cho rằng: “Trương Anh H phạm vào tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 355 BLHS”. Tôi cho rằng quan điểm này không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Thứ nhất, về cơ sở lý luận chúng ta thấy sự khác nhau cơ bản giữa tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” Điều 355 BLHS với tội: “Lạm quyền trong thi hành công vụ” Điều 357 BLHS ở đây chính là dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm, cụ thể:

Hành vi khách quan của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là đồng thời phải thỏa mãn hai yếu tố: Một là, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Hai là, chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong đó, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được hiểu là hành vi sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như là phương tiện để làm một việc vượt quá chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản, nó được biểu hiện ở 3 dạng: 1) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản; 2) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối người khác để chiếm đoạt tài sản của họ và 3) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác đã được giao cho mình trên cơ sở tín nhiệm.

Còn hành vi khách quan của tội lạm quyền trong thi hành công vụ được biểu hiện là hành vi làm trái công vụ nhưng đã vượt quá quyền hạn của chủ thể. Việc làm trái này nằm ngoài phạm vi chức trách của chủ thể vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Tức là, đồng thời phải thỏa mãn hai yếu tố: Một là, vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Hai là, mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Hậu quả gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Thứ hai, trở lại tình huống pháp lý mà tác giả nêu cho thấy Trương Anh H là người có chức vụ, quyền hạn được phân công làm tổ phó Tổ 2, thuộc Đội cảnh sát bảo vệ, với nhiệm vụ canh gác, đốc gác, kiểm tra các mục tiêu gác tại Trại Tạm giam Công an tỉnh B. Vì động cơ cá nhân vụ lợi, biết các bị can Đặng Trung K, Nguyễn Đ đang bị tạm giam có nhu cầu sử dụng điện thoại di động, thuốc lá, thuốc lào, chuyển các vật dụng khác cho bị can khác, cũng đang bị tạm giam trong Trại nên Trương Anh H đã nhiều lần thực hiện hành vi chuyển các vật dụng nói trên theo yêu cầu của Đặng Trung K và Nguyễn Đ để nhận tiền công. Hành vi của Trương Anh H rõ ràng là vượt quá quyền hạn, chức trách của mình. Do vậy, đúng như phân tích mà tác giả đã nêu đó là: H là người có quyền hạn trong việc canh gác, đốc gác, kiểm tra các mục tiêu canh gác. Với quyền hạn này, H có điều kiện để tiếp xúc với các bị can đang bị tạm giam trong Trại Tạm giam, nơi mà H đang làm nhiệm vụ. Nhờ vị trí công tác này, H đã lạm quyền, làm trái công vụ vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước. Cụ thể đã xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của Cơ quan nhà nước, mà trong trường hợp cụ thể này là Trại Tạm giam Công an tỉnh B.

Trong khi đó qua diễn biến hành vi của Trương Anh Anh H không thỏa mãn dấu hiệu của tội tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 355 BLHS. Vì dấu hiệu pháp lý của tội này chỉ khi mặt khách quan thể hiện ở hành vi: Một là, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Hai là, chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong khi đó Trương Anh H mới thỏa mãn một yếu tố đó là lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhưng lại chưa thỏa mãn dấu hiệu đặc trưng thứ hai đó là chiếm đoạt tài sản của người khác. Trương Anh H có lạm quyền thực hiện hành vi vượt quá quyền hạn của mình nhưng không chiếm đoạt tài sản. Bởi thực tế K và Đ đã thuê H giúp K và Đ làm một số công việc và sau khi các công việc này hoàn thành thì trả tiền cho H, nên không thể xác định K và Đ là Bị hại. Do vậy, không thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355 BLHS.

Từ những phân tích trên tôi cho rằng phải truy tố xét xử Trương Anh H về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo điểm c khoản 2 Điều 357 BLHS. Và trong vụ án này phải xác định Trại Tạm giam B là Bị hại; K và Đ là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng là những người thân và bạn bè của K và Đ đã chuyển tiền cho Trương Anh H.

Đối với số tiền Trương Anh H nhận được từ người thân, bạn bè của K và Đ số tiền 117.300.000 đồng. Đây phải được xác định là tiền do phạm tội mà có nên căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm b khoản 1 Điều 106 BLTTHS tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước. Có như vậy, mới đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tôi xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.

 

 TAND tỉnh Đắk Lắk xêt xử vụ án hình sự - Ảnh: Thanh Tùng

 

ThS ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)