Truy thu số tiền dùng vào việc phạm tội là đúng quy định của pháp luật

Sau khi nghiên cứu bài viết “Xử lý số tiền mua bán ma túy trong vụ án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” của tác giả Lê Văn Thanh đăng ngày 02/5/2024, tôi có quan điểm nhất trí với quan điểm của tác giả (quan điểm thứ ba).

Theo dữ liệu nội dung vụ án cho thấy, A, B, C cùng nhau thống nhất mua ma túy về sử dụng và giao cho B có nhiệm vụ đi mua ma túy, B đồng ý và gọi điện thoại cho D để hỏi mua 02 triệu đồng ma túy; do không có tiền nên B đã bảo C chuyển cho B 02 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của mình để mua ma túy, C đồng ý và chuyển cho B 02 triệu đồng. Như vậy bản chất của số tiền này là sự thống nhất về mặt ý chí của các bị cáo trong việc dùng tiền cùng mua ma túy về sử dụng, do đó số tiền này là số tiền các bị cáo dùng để thực hiện hành vi phạm tội; việc C chuyển tiền cho B chỉ là hình thức thực hiện hành vi sau khi đã có sự thống nhất về ý chí giữa các bị cáo. Do đó, căn cứ vào điểm a, khoản 1, Điều 47 BLHS và điểm a, khoản 2, Điều 106 BLTTHS, đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thì phải tịch thu, sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy (trong trường hợp này là tịch thu, sung vào ngân sách nhà nước đối với số tiền trên).

Đối với vấn đề B chuyển tiền nhầm cho E, thể hiện qua tình tiết số tài khoản ghi trên giấy mà B chuyển 02 triệu đồng để thanh toán tiền mua ma túy là của E, E không biết vì sao lại có người chuyển khoản 02 triệu cho mình, chuyển vào nhằm mục đích gì và sẽ trả lại khi cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu nên E được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Theo quy định tại khoản 1, Điều 579 BLDS thì đối với số tiền chuyển nhầm, người nhận được phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền trên cho chủ sở hữu như sau: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”. Ngoài ra liên quan vấn đề này tại Điều 580 BLDS cũng quy định người chiếm hữu, sử dụng phải hoàn trả toàn bộ tài sản thu được; đây là nghĩa vụ bắt buộc nên nếu người có nghĩa vụ không thực hiện thì bị coi là vi phạm pháp luật; tùy tính chất, mức độ, hành vi có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự.

Như vậy đối với số tiền mà B chuyển nhầm cho E (được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án) thì E phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho B. Tuy nhiên do đây là số tiền các bị cáo dùng vào việc phạm tội (tiền trong tài khoản ngân hàng được xem là tài sản hợp pháp), việc B chuyển tiền nhầm cho E là sự việc nằm ngoài ý chí của các bị cáo, đồng thời trong vụ án này E không biết cũng như không phải chịu bất cứ thiệt hại gì từ sự việc này, do đó căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 47 BLHS buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án E phải hoàn trả số tiền 02 triệu đồng (từ B chuyển nhầm) để sung vào ngân sách Nhà nước là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là quan điểm trao đổi, rất mong nhận được ý kiến đóng góp trao đổi thêm của quý đồng nghiệp và bạn đọc.

NGUYỄN MINH CƯƠNG (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4) 

Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu, Nghệ An  xét xử lưu động các vụ án liên quan đến sử dụng, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy - Ảnh: Bé Vinh