Xử lý số tiền mua bán ma túy trong vụ án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

A, B, C cùng nhau thống nhất mua ma túy, đã chuyển cho E 02 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng. E được xác định là không liên quan, tiền chuyển nhầm. Xử lý số tiền này thế nào?

A, B, C cùng nhau thống nhất mua ma túy về sử dụng và giao cho B có nhiệm vụ đi mua ma túy, B đồng ý và gọi điện thoại cho D để hỏi mua 02 triệu đồng ma túy. Do không có tiền nên B đã bảo C chuyển cho B 02 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của mình để mua ma túy, C đồng ý và chuyển cho B 02 triệu đồng.

Sau đó, có một người đàn ông đội mũ, đeo khẩu trang mang ma túy đến đưa cho B và bảo B chuyển tiền vào số tài khoản ghi trên giấy, chuyển tiền xong B mang ma túy cho cả nhóm sử dụng. Khi đang sử dụng ma túy thì cả nhóm bị công an bắt quả tang và thu giữ các tang vật liên quan.

Quá trình điều tra xác định: Số tài khoản ghi trên giấy mà B chuyển 02 triệu đồng để thanh toán tiền mua ma túy là của E, E không biết vì sao lại có người chuyển khoản 02 triệu cho mình, chuyển vào nhằm mục đích gì và sẽ trả lại khi cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu nên E được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không xác định được người đàn ông đội mũ, đeo khẩu trang đã bán ma túy cho B là ai, làm gì, ở đâu. A, B, C bị xét xử về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Khi xét xử vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, về việc xử lý số tiền 02 triệu đồng trên có các quan điểm như sau:

- Quan điểm thứ nhất: Bản chất đây là số tiền của bị cáo C, bị cáo C biết rõ số tiền này dùng vào việc phạm tội (mua ma túy) nên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 của BLHS tịch thu 02 triệu đồng của bị cáo C để sung vào ngân sách Nhà nước.

- Quan điểm thứ hai: Số tiền 02 triệu đồng mà B dùng để mua ma túy là số tiền dùng vào việc phạm tội (mua ma túy) nên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 của BLHS tịch thu 02 triệu đồng của bị cáo B để sung vào ngân sách Nhà nước.

- Quan điểm thứ ba: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 của BLHS, buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án E hoàn trả số tiền 02 triệu đồng để sung vào ngân sách Nhà nước.

- Quan điểm thứ tư: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 47 của BLHS, tịch thu 02 triệu đồng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án E để sung vào ngân sách Nhà nước bởi, vì số tiền 02 triệu đồng mà E có được là số tiền do phạm tội mà có.

Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật, tác giả đồng ý với quan điểm thứ ba, cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của BLHS, buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án E hoàn trả lại số tiền 02 triệu đồng để sung vào ngân sách Nhà nước, bởi vì:

Biện pháp tư pháp chỉ áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nên không thể tịch thu số tiền 02 triệu đồng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án E được. Nếu tịch thu số tiền 02 triệu đồng của bị cáo B hoặc bị cáo C thì cũng không đúng vì sẽ trùng thu do số tiền này bị cáo B đã chuyển khoản cho E rồi.

Trên đây là một số vấn đề tác giả cần trao đổi nhằm áp dụng biện pháp tư pháp được đúng quy định của pháp luật, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi của đồng nghiệp và quý bạn đọc./.

LÊ VĂN THANH (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 1)

TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma tuý” - Ảnh: Minh Đức