Từ yếu tố chủ thể và khách thể có thể khẳng định A phạm tội Tham ô tài sản                                                                          

Sau khi nghiên cứu bài viết Trần Văn A phạm tội gì? của tác giả Nguyễn Minh Cương và các ý kiến trao đổi  trước, tôi  đồng ý với quan điểm của tác giả cho rằng Trần Văn A đã phạm tội “Tham ô tài sản” theo Điều 353 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Theo nội dung vụ việc nếu chỉ xét về mặt khách quan của tội phạm thì hành vi  của Trần Văn A vừa thỏa mãn  hành vi khách quan được miêu tả trong tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”  theo Điều 175 BLHS  vừa thỏa mãn hành vi khách quan được miêu tả trong tội “Tham ô tài sản” theo điều 353 BLHS.

Bởi lẽ  theo hợp đồng A được công ty X giao 01 User  để chuyển tiền qua lại giữa Công ty X, A và các điểm bán hàng (Bản chất là giao tiền của Công ty X cho A để thực hiện việc mua bán) như vậy tài sản được giao cho A là ngay thẳng, lúc đầu việc chuyền tiền qua lại từ của các điểm bán tới tài khoản Zalo pay của A đến User của công ty X diễn ra thuận lợi. Chỉ khi thiếu tiền tiêu xài, A mới nảy sinh ý định chiếm đoạn tài sản, do đó A đã sử dụng thủ thuật lập tài khoản Zalo pay thứ phát (tài khoản Zalo đăng ký bằng số điện thoại thứ 2 của A mang thông tin của Nguyễn Văn B) để  thực hiện một loạt hành vi chuyển tiền qua lại, gạch công nợ, hợp lý hóa các lệnh để dịch chuyển bất hợp pháp tài sản của công ty X thành tài sản của A. Hành vi  lạm dụng tín nhiệm mà công ty X dành ch A, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạn tài sản như trên của A thoả mãn hành vi khách quan được miêu tả trong Điều 175 BLHS.

Mặt khác, ta cũng thấy rằng  A và tổng công ty X tồn tại một hợp đồng theo đó A với chức vụ Quản lý bán hàng, có nhiệm vụ phát triển, chăm sóc điểm bán, bán sim, thẻ cào điện thoại. Việc tổng công ty X giao cho A 01 User để chuyển quản lý nhằm chuyển tiền sau khi thu được từ điểm bán về cho tổng công ty X cho thấy A có nghĩa nghĩa vụ quản lý số tài sản này. Việc A lợi dụng chức vụ quyền hạn để dịch chuyển tài sản của tổ chức do mình có trách nhiệm quản lý thành tài sản cá nhân của A cũng thỏa mãn hành vi khách quan của tội Tham ô tài sản.

Điểm mẫu chốt để định tội trong vụ việc trên nằm ở hai yếu tố đó là yếu tố chủ thể và khách thể mà hành vi của A đã xâm phạm.

Về yếu tố chủ thể, tội Tham ô tài sản chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn (chủ thể đặc biệt). Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội Tham ô tài sản là rất quan trọng. Sự khác nhau giữa tội Tham ô tài sản và các tội có tính chất chiếm đoạt nói chung và tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nói riêng  chính là sự khác nhau về yếu tố chủ thể. Cũng chính đặc điểm này mà cả lý luận cũng như thực tiễn xét xử các luật gia đã đưa ra một kết luận là: Tham ô là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã trộm cắp, công nhiên, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản mà họ có trách nhiệm quản lý[1]. Điều này có nghĩa là khi cấu thành tội Tham ô tài sản, thì hành vi của họ cũng thỏa mãn hành vi khách quan của một trong các tội có tính chất chiếm đoạt ở Chương  “Các tội xâm phạm sở hữu”, chỉ khác ở yếu tố chủ thể  là người có chức vụ quyền hạn và có trách nhiệm quản lý số tài sản mà họ chiếm đoạt đó.

 Trở lại với vụ việc, A và công ty X đã ký hợp đồng với chức vụ là quản lý các điểm bán, thu tiền các điểm bán chuyển về công ty X. Đối chiếu với quy định  về “Người có chức vụ quyền hạn” thì Trần Văn A thỏa mãn quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 thuộc trường hợp “Người  giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp”. Vì vậy A thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật phòng chống tham nhũng, khi A có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của tổng công ty X do chính A quản lý thì A trở thành chủ thể của tôi Tham ô tài sản.

Thứ hai về khách thể xâm phạm, hành vi của A đã xâm phạm đến hai khách thể được pháp luật bảo vệ đó là “Xâm phạm quyền sở hữu tài sản” và “Xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức” mà cụ thể trường hợp này là xâm phạm đến hoạt động kinh doanh bình thường của tổng công ty X. Trong hai khách thể mà hành vi của A đã xâm phạm thì “Hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức”  là khách thể lớn hơn và được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Điều này thể hiện ở chỗ đối với số tiền mà A chiếm đoạt là 215.000.000 đồng  thì khung hình phạt áp dụng ở tội Tham ô tài sản là từ “ từ 7 năm đến 15 năm tù” (điểm b, khoản 2 Điều 353, BLHS), khung hình phạt này lớn hơn khung hình phạt quy định  ở tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là “ từ 5 năm đến 12 năm tù” (khoản 3, Điều 175 BLHS). Khi hành vi phạm tội xâm phạm tới cả hai khách thể thì phải truy tố về tội khách thể lớn hơn bị xâm phạm, trường hợp này A phải bị truy tố về tội Tham ô tài sản (Tương tự như khi trộm cắp hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng tài sản là liên quan đến An ninh quốc gia thì không thể xử các tội ở Chương sở hữu mà phải xử các tội về xâm phạm an ninh quốc gia).

Thực tế BLHS năm 2015 đã mở rộng đối tượng điều chỉnh liên quan đến các tội tham nhũng, chức vụ nói chung và tội Tham ô tài sản nói riêng ra cả lĩnh vực tư.  Đây là điểm mới so với BLHS năm 1999. Do đó các hành vi tương tự như hành vi của A đến trước ngày BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực  thì chưa thuộc chủ thể của tội Tham ô tài sản mà  thuộc chủ thể ở Chương sở hữu và chỉ bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng khi BLHS  năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực thì lúc này  A lại trở thành chủ thể của các tội về tham nhũng, chức vụ do đó hành vi của A lại cấu thành thành tội Tham ô tài sản, chứ không còn là tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nữa.

Với cách tiếp cận và lập luận từ yếu tố chủ thể của tội phạm và khách thể mà tội phạm đã xâm phạm như trên, có thể khẳng định hành vi của Trần Văn A cấu thành tội Tham ô tài sản và bác bỏ mọi quan điểm cho rằng A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

Tòa án nhân dân huyện Phú Riềng, Bình Phước tổ chức phiên tòa, công bố tài liệu, chứng cứ bằng, hình ảnh vụ án “Cố ý gây thương tích” - Ảnh: Quốc Trung

 

[1] Đinh Văn Quế - Bình Luận khoa học Bộ luật hình sự, Tập III, Nhà xuất bản Lao động , trang 15-18.

TRẦN KHẮC QUYẾT (Viện kiểm sát quân sự Khu vực 73)