Ưu tiên quan trọng nhất là chất lượng các dự án luật và dự thảo nghị quyết

Tại Phiên hop thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các dự án luật: Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Đường bộ...

Sau 3,5 ngày làm việc trách nhiệm, khẩn trương, hiệu quả, chiều 19/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 31, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Phát biểu bế mạc, điểm lại những kết quả cụ thể của phiên họp và lưu ý về một số công việc phải tiếp tục triển khai để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan bám sát chương trình, kế hoạch để tổ chức công việc khoa học, phân công, phân bổ nguồn lực hợp lý; tập trung, nỗ lực với quyết tâm cao độ để đảm bảo tiến độ và kỹ lưỡng về chất lượng.

Điểm lại những kết quả cụ thể của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về quyết định đối với 5 nhóm vấn đề lớn.

Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 7 dự án luật, bao gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu Giá tài sản.

Như vậy, cùng với 2 dự án luật đã được cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý tại phiên họp thường kỳ lần thứ 30, cho đến nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành việc cho ý kiến tiếp thu, giải trình đối với cả 9 dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến trình xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan khẩn trương ban hành sớm các kết luận nội dung phiên họp làm cơ sở để các cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ để trình xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để hoàn thiện đảm bảo chất lượng cao nhất đối với các dự án luật.

Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và Nghị quyết về thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công của tỉnh Tiền Giang.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành làm cơ sở cho các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Dự kiến các Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/5, thời gian không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các địa phương chuẩn bị chu đáo để khi Nghị quyết có hiệu lực sẽ sẵn sàng chuyển sang hoạt động theo mô hình chính quyền đô thị.

Ba là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện trong tháng 2/2024.

Bốn là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua Nghị quyết phê chuẩn nhân sự giữ chức vụ là Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Năm là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hoạt động chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao. Chủ tịch Quốc hội khẳng định phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thường kỳ lần thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được yêu cầu đề ra,  thành công tốt đẹp. Trên cơ sở diễn biến của phiên chất vấn, các báo cáo của các Bộ và ý kiến phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương trình dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm ban hành Nghị quyết về chất vấn làm căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện.

Lưu ý về một số công việc phải tiếp tục triển khai để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian tới có nhiều công việc phải triển khai như Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác của Hội đồng nhân dân, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; phiên họp thường kỳ lần thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp chuyên đề pháp luật…

Cùng với đó, Chính phủ đã có văn bản đề nghị bổ sung thêm 13 nội dung vào chương trình của Kỳ họp thứ 7 tới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương làm việc với các đầu mối của Chính phủ rà soát kỹ lưỡng các nội dung. Trên cơ sở rà soát để phân định nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì bổ sung vào chương trình nghị sự của kỳ họp. Nội dung nào mà chưa chuẩn bị kịp có thể giãn tiến độ để đưa vào chương trình kỳ họp cuối năm để đảm bảo tính khả thi và chất lượng của các dự án.

 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Cho biết, dự kiến số lượng dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đầu tại Kỳ họp thứ 7 là 10 dự án luật, chưa kể các dự thảo nghị quyết, so với chương trình dự kiến ban đầu bổ sung thêm ít nhất 12 nội dung quan trọng khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sắp xếp khoa học, tính toán, điều phối thời gian hợp lý để có thể giải quyết được tất cả các công việc, ưu tiên cho việc các Hội nghị toàn quốc, các phiên họp của Thường vụ Quốc hội và những nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 7, trọng tâm cũng về công tác xây dựng về pháp luật.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan hữu quan bám sát chương trình, kế hoạch để tổ chức công việc khoa học, phân công, phân bổ nguồn lực hợp lý; tập trung, nỗ lực với quyết tâm cao độ để đảm bảo tiến độ và phải rất kỹ lưỡng về chất lượng. Ưu tiên quan trọng nhất là vấn đề về chất lượng các dự án luật và dự thảo nghị quyết để kỳ họp diễn ra thành công tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

MINH KHÔI

Toàn cảnh phiên bế mạc phiên họp- Ảnh: Qh.vn